Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn từ hồ đập xuống cấp ở Lạng Sơn

Lạng Sơn hiện có hơn 1.000 hồ, trên 600 đập lớn, vừa và nhỏ, phần lớn đã bị xuống cấp và hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn từ hồ đập xuống cấp ở Lạng Sơn ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Mùa mưa bão đã đến trong khi tại Lạng Sơn, nhiều hồ đập trên địa bàn bị xuống cấp, hư hỏng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Ông Hoàng Văn Tam, quyền Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Lạng Sơn, cho biết tỉnh Lạng Sơn hiện có hơn 1.000 hồ, trên 600 đập lớn, vừa và nhỏ. Phần lớn các công trình hồ đập đều được xây dựng từ những năm 1960-1970 nên đã bị xuống cấp, hư hỏng.

Ảnh hưởng của cơn bão số 2 vừa qua, một số hồ, đập như Khuổi In, Bản Lạn bị nứt tràn, chân tường tràn bị xói; hồ Ba Sơn, Khổi Chủ nước phun ra với áp lực lớn từ phần tiếp giáp giữa đập tràn và tường cánh. Hồ Bản Lếch , Nà Tâm, Cao Lan, Phai Danh bị rò do thấm nước qua thân đập, vai đập, qua mang tràn và dọc tuyến cống, gây hiện tượng nước tràn đập nên sạt lở đất, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và cuộc sống của người dân.

Đối với đập dâng, nhiều công trình hư hỏng nặng cần được đầu tư, sửa chữa như đập Tá Liềng. Một số công trình hư hỏng nhẹ cần được theo dõi như đập dâng thủy luân Đông Xè, đập dâng Phai Loong, Phai Pheo đã bị xói lở.

Đáng lưu ý, Lạng Sơn chưa có hồ đập thủy lợi được lắp đặt các thiết bị theo dõi quan trắc thấm qua thân đập, chuyển vị của đập. Vì vậy, việc quan trắc mực nước hồ chứa hàng ngày, theo dõi các diễn biến về thấm, rò rỉ nước trong thân đập chủ yếu bằng mắt thường.

Để phục vụ công tác quản lý, các chủ đập thực hiện quan trắc bằng trực quan, ghi chép và lưu trữ các thông số tại công trình. Do công tác đánh giá hiện trạng dựa vào quan sát trực quan nên nhiều nguy cơ tiềm ẩn của công trình không lường được. Ngoài ra, do chưa được bố trí nguồn kinh phí, các hồ, đập thủy lợi của tỉnh Lạng Sơn vẫn chưa xây hoặc sửa chữa được.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, cho biết để đảm bảo an toàn các hồ đập trong mùa mưa lũ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh và các ngành chức năng có liên quan bố trí vốn, tạo điều kiện để sửa chữa kịp thời các công trình hư hỏng.

Sở cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét, quan tâm hỗ trợ vốn đầu tư sửa chữa, nâng cấp công trình hư hỏng, xuống cấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục