Tỉnh Tiền Giang triển khai nhiều hoạt động thiết thực góp phần hỗ trợ người nghèo có điều kiện ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Theo ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang, trong 9 tháng của năm, công tác vận động Quỹ "Vì người nghèo" cùng các chương trình an sinh xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực.
Đến tháng 10 này, tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh tích cực hưởng ứng, ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" cùng các chương trình an sinh xã hội được trên 377 tỷ đồng; trong đó Quỹ "Vì người nghèo" đạt gần 33 tỷ đồng, tăng 12,38% so với cùng kỳ năm trước và chương trình an sinh xã hội đạt gần 345 tỷ đồng.
Từ nguồn kinh phí vận động được, Ban Vận động Quỹ "Vì người nghèo" các cấp trong tỉnh Tiền Giang thực hiện nhiều công việc như xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho gia đình chính sách, hộ nghèo; vận động khám, chữa bệnh; hỗ trợ các công trình dân sinh; trao học bổng trợ giúp cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi; hỗ trợ giúp nhau phát triển sản xuất…
Trong 9 tháng của năm nay, từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an xinh xã hội, các cấp trong tỉnh chi xây dựng 272 căn nhà Đại đoàn kết, sửa chữa 54 căn nhà cho người nghèo, với kinh phí 14,2 tỷ đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trên địa bàn tỉnh tổ chức hoạt động cấp thẻ Bảo hiểm Y tế cho 90.579 người, gồm đối tượng nghèo, người cận nghèo…
[Quan tâm, chăm lo người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau]
Ngân hàng Chính sách xã hội Tiền Giang giải ngân cho 18.890 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn với số tiền hơn 587 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay đã hỗ trợ tạo việc làm cho 3.532 lao động, 52 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, xây dựng 11.100 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường...
Việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 1,27% (giảm 0,33% so với đầu năm), góp phần hoàn thành một số chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới tại địa phương trên địa bàn tỉnh.
Một số điển hình về thoát nghèo từ nguồn vốn hỗ trợ chính sách tín dụng như hộ ông Phan Bá Duy ở ấp Mỹ Phú, xã Thiện Trí, huyện Cái Bè thoát diện hộ nghèo nhờ vốn vay 30 triệu đồng chăm sóc vườn sầu riêng cùng 20 triệu đồng cho sinh viên vay học đại học. Gia đình bà Phan Thị Mai ở ấp Mỹ Phú, xã Phước Thanh, huyện Châu Thành, trước đây là hộ nghèo, kinh tế khó khăn. Từ nguồn vốn vay 100 triệu đồng để trồng khóm (dứa), thuê đất trồng sen, gia đình bà đã có thu nhập ổn định, thoát nghèo...
Từ nguồn vốn hỗ trợ của chính sách tín dụng, nhiều mô hình, dự án làm ăn hiệu quả được phát triển trên địa bàn tỉnh như mô hình đan lát ở xã Thân Cửu Nghĩa, dệt chiếu ở xã Long Định, cải tạo vườn cây ăn trái ở xã Vĩnh Kim, xã Bàn Long, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành; mô hình nuôi gà, chim cút, cá ở các xã Lương Hòa Lạc, Phú Kiết thuộc huyện Chợ Gạo…
Tỉnh phấn đấu đến cuối năm giảm còn 1,07% hộ nghèo nhằm góp phần cùng tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng tỉnh nông thôn mới vào năm 2025. Để đạt được kết quả này, rất cần sự đồng hành, chung tay của các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong công tác chăm lo hộ nghèo, khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang Nguyễn Chí Trung đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai đầy đủ nội dung, văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác giảm nghèo; nhân rộng mô hình, dự án vì người nghèo. Mỗi tổ chức đoàn, hội hỗ trợ ít nhất một hộ nghèo ở khu dân cư...
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tăng cường công tác quản lý, giám sát, sử dụng Quỹ "Vì người nghèo" đúng mục đích, xét đúng đối tượng, công khai, minh bạch; vận động người nghèo tự thân vươn lên.
Đặc biệt, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh mong muốn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, tôn giáo trong, ngoài tỉnh tiếp tục gắn kết, chia sẽ, đóng góp Quỹ "Vì người nghèo." Bởi lẽ đây là nguồn lực quý báu cùng ngân sách chăm lo cho người nghèo, khó khăn để họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống…/.