Tiến trình 'phi USD hóa' tăng tốc mạnh mẽ trên toàn cầu

Thỏa thuận giữa Trung Quốc và Iran gia tăng sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Đông, đồng thời làm suy yếu sức ảnh hưởng “sự thống trị của đồng USD” đối với các nước sản xuất dầu mỏ.
Tiến trình 'phi USD hóa' tăng tốc mạnh mẽ trên toàn cầu ảnh 1Đồng USD và đồng nhân dân tệ. (Nguồn: cnbc.com)

Theo tờ Thương báo của Hong Kong (Trung Quốc), trong chuyến thăm Iran, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã cùng Ngoại trưởng Iran Javad Zarif ký “Thỏa thuận hợp tác toàn diện” 25 năm.

Trong thời gian này, Trung Quốc sẽ đầu tư vào Iran 400 tỷ USD, đổi lại Iran sẽ cung cấp dầu mỏ ổn định cho Trung Quốc.

Nội dung thỏa thuận liên quan đến nhiều phương diện từ chính trị, chiến lược cho đến hợp tác kinh tế… đã thu hút sự quan tâm của chính phủ các nước nước phương Tây và giới truyền thông.

Ngoài việc có thể đảm bảo nhận được nguồn cung năng lượng ổn định từ Iran, thỏa thuận còn gia tăng sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực được coi là “yết hầu” vận chuyển đường biển Trung Đông, đồng thời làm suy yếu sức ảnh hưởng “sự thống trị của đồng USD” đối với các nước sản xuất dầu mỏ Trung Đông.

[Đằng sau thỏa thuận đầu tư 400 tỷ USD của Trung Quốc vào Iran]

Kể từ khi bước vào kỷ nguyên dầu đá phiến đến nay, Mỹ đã chuyển đổi vị thế từ nước nhập khẩu năng lượng thành nước xuất khẩu năng lượng, đồng thời điều này cũng khiến sức ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực Trung Đông cũng dần suy giảm, hay nói cách khác địa vị của “Petrodollar” không còn vững chắc như trước đây.

Petrodollar chỉ việc đồng USD là tiền tệ chính được sử dụng trong giao dịch thanh toán các hợp đồng dầu mỏ trên thế giới.

Hiện nay, các nước Liên minh châu Âu (EU) là khách hàng mua dầu mỏ lớn nhất của khu vực Trung Đông, nên có thể dự đoán euro là đồng tiền có khả năng đe dọa địa vị của “Petrodollar” nhất trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các nước và khu vực khác như Trung Quốc, Nga, cũng như một số quốc gia châu Á cũng đang giảm dần sự phụ thuộc vào đồng USD, dường như tiến trình “phi USD hóa” đang tăng tốc.

Việc Trung Quốc và Iran công bố thỏa thuận hợp tác dài hạn lần này chắc chắn là cú “lật bài ngửa” đối với các biện pháp trừng phạt kinh tế mang tính áp đặt của Mỹ.

Trung Quốc và Iran không thể hoàn thành thỏa thuận hợp tác 25 năm trong một thời gian ngắn.

Những chi tiết liên quan đến hợp tác dường như đã sớm được xác định và cả hai bên đều có những tính toán riêng trước đó, nên chưa công bố nội dung chi tiết hợp tác ra bên ngoài.

Rõ ràng, sau khi tân Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, nước Mỹ không những không điều chỉnh chính sách theo chủ nghĩa đơn phương do cựu Tổng thống Donald Trump đặt ra.

Chính quyền của ông Biden mà dường như có ý định sử dụng sự thống trị của đồng USD. Điều này dường như đã góp phần thúc đẩy mong muốn tăng cường hợp tác chống lại sự thống trị của đồng USD giữa Trung Quốc và Iran.

Đồng nhân dân tệ được sử dụng để giao dịch trong thỏa thuận giữa Trung Quốc và Iran lần này, và Trung Quốc trực tiếp đầu tư vào Iran để đối lấy dầu mỏ vừa có thể nói là “nhất cử lưỡng tiện.”

Đó là cách Trung Quốc tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ, thiết lập cơ chế giao dịch không sử dụng đồng USD, chỉ sử dụng đồng nội tệ để thanh toán. Đây là điểm đột phá quan trọng từng bước tách khỏi hệ thống giao dịch bằng đồng USD của thị trường dầu mỏ trong tương lai.

Trên thực tế, thanh toán bằng đồng nội tệ và hoán đổi tiền tệ cũng là một phương hướng trọng điểm trong hợp tác tài chính giữa Trung Quốc với các nước như Nga, Đông Âu và Trung Đông…

Mục đích chủ yếu là từng bước làm suy giảm sức ảnh hưởng và sự kiểm soát của hệ thống giao dịch bằng đồng USD đối với thương mại quốc tế.

Ngay sau khi đối thoại cao cấp Mỹ-Trung kết thúc trong căng thẳng, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, thảo luận việc tăng cường thúc đẩy phát triển hệ thống giao dịch dựa vào đồng nội tệ.

Theo số liệu do Ngân hàng trung ương Nga công bố, tính đến cuối tháng 6/2020, nhân dân tệ chiếm 12% dự trữ ngoại hối của Nga.

Tỷ trọng sử dụng đồng USD để thanh toán trong thương mại xuất khẩu Nga-Trung đã giảm từ mức 90% năm 2013 xuống còn 61% trong ba quý đầu năm 2020, điều này phản ánh quyết tâm “phi USD hóa” của Nga.

Bên cạnh đó, số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho thấy tỷ trọng đồng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm mạnh xuống dưới 60% trong quý 4/2020, mức thấp nhất trong 25 năm qua.

Thực tế này chứng tỏ “phi USD hóa” đã dần trở thành xu hướng toàn cầu, hệ thống “dự trữ tiền tệ đa dạng” đang hình thành./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục