Gần đây, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Iran đã trở thành vấn đề nóng được cộng đồng quốc tế và hai nước quan tâm.
Ngày 27/3, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thực hiện chuyến thăm chính thức đến Iran và đã cùng Ngoại trưởng nước này Mohammad Javad Zarif ký kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện 25 năm Trung Quốc-Iran.
Tháng 1/2016, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Iran, hai nước đã quyết định cần phải thực hiện những trao đổi và đàm phán cần thiết để đạt được thỏa thuận hợp tác toàn diện 25 năm, kết quả hiện nay là nỗ lực của hơn 5 năm qua.
Người bạn tốt lâu năm
Giới quan sát nhận định rằng việc Trung Quốc và Iran ký thỏa thuận hợp tác toàn diện vào thời điểm này là vấn đề hiển nhiên, không thể đảo ngược.
Trong lịch sử, Trung Quốc và Iran đều là những nước lớn có sức ảnh hưởng trên thế giới, hơn nữa hai bên chưa bao giờ xảy ra xung đột.
Trong hơn 100 năm qua, Trung Quốc là một trong những nước lớn hiếm hoi trên trên thế giới không có hành động xâm lược Iran.
Sau khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1971, ngay cả vào thời điểm Iran bị cộng đồng quốc tế trừng phạt, thì hai nước vẫn luôn duy trì mối quan hệ thân thiện.
[Hợp tác Iran-Trung Quốc: Yếu tố thay đổi cuộc chơi ở Trung Đông]
Sau khi bước vào thập niên 90 thế kỷ XX, Trung Quốc có nhu cầu tăng cường tình hữu nghị với Iran.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế và xã hội, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc ở bên ngoài tăng mạnh, do đó cường quốc dầu mỏ Iran thu hút sự quan tâm nhiều hơn của giới hoạch định chính sách Trung Quốc.
Sau khi bước vào thế kỷ XXI, sự phát triển nhanh của Trung Quốc ngày càng đối mặt với nhiều thách thức và sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) là biện pháp quan trọng để bảo đảm sự phát triển tốt hơn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Dù xét ở góc độ vị trí địa lý hay sức ảnh hưởng quốc tế, Iran cũng đều là một trong những quốc gia hợp tác then chốt trong sáng kiến BRI của Trung Quốc.
Đồng thời, Bắc Kinh cũng là đối tác hợp tác quan trọng của Iran. Trong hơn 40 năm, quan hệ giữa Iran với các nước lớn phương Tây và các nước lớn trong khu vực như Saudi Arabia, Israel… tương đối “cơm không lành canh không ngọt.”
Các lệnh trừng phạt quốc tế dài hạn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của Iran, điều đó buộc nước này phải tìm mục tiêu mới về phương diện quan hệ đối ngoại.
Vì vậy, các “cường quốc phương Đông” bao gồm Trung Quốc dần trở thành phương hướng mới trong chính sách ngoại giao của Iran.
Cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã đưa ra chiến lược ngoại giao “Hướng về phía Đông” trong nhiệm kỳ của mình, dần nâng cao mức độ coi trọng đối với ngoại giao Trung Quốc.
Khi đối diện với sức ép tối đa của Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, Iran đã một lần nữa nhấn mạnh sự bức thiết của chính sách “Hướng về phía Đông.”
Ở mức độ rất lớn, hiện nay chính sách ngoại giao “Hướng về phía Đông” của Iran đã chuyển từ chính sách tạm thời ứng phó với sự trừng phạt của Mỹ thành chiến lược mới dài hạn trong quan hệ ngoại giao của Iran.
Việc thiết lập quan hệ song phương tích cực hơn với một nước lớn có tính độc lập về ngoại giao và năng lực đầu tư ra nước ngoài mạnh mẽ như Trung Quốc rõ ràng có lợi cho sự phát triển của Iran.
Trung Quốc và Iran luôn thân thiết với nhau, xuất phát từ tính toán lợi ích quốc gia của mỗi nước.
Sau khi Chính quyền ông Donald Trump lên cầm quyền, mặc dù cái gọi là “gây sức ép tối đa” đối với Trung Quốc và Iran cũng là một nhân tố bên ngoài khiến Trung Quốc và Iran thân thiết nhau hơn, song rất rõ ràng nhu cầu tương tác lẫn nhau nội tại của hai nước là động cơ bản thúc đẩy hai Trung Quốc và Iran ký thỏa thuận hợp tác toàn diện.
Phương Tây nghĩ gì?
Mặc dù Thỏa thuận hợp tác 25 năm Trung Quốc-Iran là sáng kiến đã được nêu ra 5 năm trước, song sáng kiến này chỉ thực sự nhận được sự quan tâm rộng rãi từ tháng 6/2020.
Tháng 6/2020, Chính phủ Iran tuyên bố thông qua dự thảo Thỏa thuận hợp tác toàn diện 25 năm Iran-Trung Quốc. Do phạm vi hợp tác liên quan của thỏa thuận là sâu rộng, cộng thêm một số thế lực không thiện cảm trong cộng đồng quốc tế có ý phá hoại quan hệ hữu nghị Trung Quốc-Iran, nên sau khi Iran tuyên bố dự thảo đã xuất hiện những ý kiến bất đồng rõ ràng ở trong nước.
Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những nước có quan hệ tồi tệ với Iran như Mỹ, Israel… cũng đặc biệt quan tâm đến thỏa thuận hợp tác Trung Quốc-Iran, hơn nữa luôn có góc nhìn mang tính tiêu cực.
Việc các quốc gia phương Tây do Mỹ đứng đầu và các nước Trung Đông như Israel có quan điểm tiêu cực đối với thỏa thuận hợp tác toàn diện Trung Quốc-Iran là điều rất dễ hiểu.
Đối với các nước lớn phương Tây, việc kiềm chế Trung Quốc đã trở thành chính sách mặc định, nên đương nhiên có cái nhìn tiêu cực đối với những biện pháp có thể tăng cường thực lực và sức ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trong khi đó, Iran cũng là đối tượng trừng phạt hàng đầu của các nước lớn phương Tây do Mỹ dẫn đầu ở khu vực Trung Đông.
Cho dù xét dưới góc độ cạnh tranh nước lớn, hay quan hệ giữa các nước phương Tây và Iran hiện nay, thì các nước lớn phương Tây do Mỹ đứng đầu đều không thoải mái khi chứng kiến Trung Quốc và Iran ký kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện.
Đối với đối thủ cạnh tranh của Iran ở khu vực Trung Đông như Israel, Saudi Arabia…, hiển nhiên họ không muốn nhìn thấy cảnh tượng Iran dựa vào thỏa thuận hợp tác toàn diện Trung Quốc-Iran để phát triển trỗi dậy, bởi những nước này cho rằng một Iran phát triển sẽ trở nên “đáng sợ hơn.”
Tuy đối thủ ở khu vực Trung Đông của Iran có thể tạm thời không hài lòng với Trung Quốc do thỏa thuận hợp tác toàn diện 25 năm, nhưng xét về dài hạn, thỏa thuận hợp tác này có thể mang lại hướng phát triển mới về ngoại giao Trung Đông của Trung Quốc.
Nội dung trọng tâm hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Trung Đông là thúc đẩy hai bên cùng phát triển, hơn nữa Trung Quốc luôn thúc đẩy Trung Đông đi theo con đường phát triển hòa bình.
Sau những bất ổn kéo dài, các nước Trung Đông khó lòng từ chối quan niệm “phát triển hòa bình” của Trung Quốc và sẽ ngày nhận thức được giá trị ngoại giao Trung Đông của Trung Quốc.
Đối với Iran, việc ký Thỏa thuận hợp tác toàn diện 25 năm rất có thể sẽ mang lại một số thu hoạch ngoại giao khác.
Hiện nay, ở Mỹ đã xuất hiện rất nhiều tiếng nói chỉ trích chính phủ đẩy Iran về phía Trung Quốc, xuất phát từ toan tính cạnh tranh nước nước nên nhiều khả năng Chính quyền ông Joe Biden sẽ nới lỏng chính sách đối với Iran.
Ngoài ra, cùng với việc triển khai hợp tác toàn diện với Trung Quốc, thực lực của Iran cũng sẽ từng bước được tăng cường, có lợi cho việc triển khai chính sách ngoại giao đa dạng hóa của nước này.
Trong tương lai, chắc chắn các nước Trung Đông sẽ chú trọng hơn đến phát triển, thay vì đấu tranh. Do đó, việc một quốc gia Trung Đông có thể đạt được sự phát triển nhanh và tốt hơn rất dễ dàng trở thành hình mẫu cho khu vực này trong tương lai.
Những thách thức trước mắt
Mặc dù hợp tác toàn diện Trung Quốc-Iran có lợi cho cả hai nước dưới góc độ lợi ích quốc gia, nhưng hiện nay giữa hai nước cũng có một số quan điểm khác nhau về vấn đề này.
Một là, truyền thống “Hướng về phía Tây” vốn có của ngoại giao Iran, một bộ phận người Iran kiên trì cho rằng châu Âu và Mỹ, đặc biệt là các nước lớn châu Âu mới là phương hướng lựa chọn nên có của chính sách ngoại giao Iran.
Hai là, nhận thức về Trung Quốc không khách quan, cách nhìn tiêu cực đối với Trung Quốc đã ảnh hưởng đến thái độ của những người này với thỏa thuận hợp tác toàn diện Trung Quốc-Iran.
Ba là, thái độ của chính quyền, có một số người bất mãn với chính quyền hiện tại đã hình thành tâm lý “phản đối sự ủng hộ của chính phủ."
Bốn là, các thế lực bên ngoài tuyên truyền sai sự thực về hợp tác toàn diện Trung Quốc-Iran, khiến cho một bộ phận người dân Iran cảm thấy lợi ích của Iran có thể sẽ bị tổn hại trong quá trình hợp tác.
Đương nhiên, hiện nay cũng tồn tại một số ý kiến khác nhau trong giới học thuật Trung Quốc đối với việc ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện Trung Quốc-Iran, nhưng vấn đề này là không bất thường.
Trên thực tế, quan hệ quốc tế khu vực Trung Đông vô cùng phức tạp, không nhiều người có thể lý giải việc Trung Quốc tăng cường hợp tác với Iran.
Dù cho chính sách ngoại giao của Iran đối với Trung Quốc hay chính sách ngoại giao Trung Đông, thì thỏa thuận hợp tác toàn diện 25 năm Trung Quốc-Iran là một điều mới mẻ, đòi hỏi phải có thời gian để nghiên cứu và tìm hiểu.
Tuy nhiên, vấn đề đặc biệt cần lưu ý là có không ít quan điểm và nội dung không phù hợp, thậm chí sai lầm liên quan đến thỏa thuận hợp tác toàn diện 25 năm Trung Quốc-Iran được truyền tải trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc.
Hiện nay, Trung Quốc và Iran đều chưa công bố văn bản chính thức của thỏa thuận hợp tác toàn diện 25 năm Trung Quốc-Iran, do đó một số dữ liệu thông tin về bản thỏa thuận hợp tác này từ các phương tiện truyền thông cơ bản đến từ truyền thông phương Tây chưa được chứng thực.
Trong khi đó, việc một số phương tiện truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh quá mức việc Trung Quốc và Iran ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện là một sự hỗ trợ lớn đối với Iran cũng là quan điểm không đúng đắn, bởi vì việc phát triển quan hệ song phương dựa trên nhu cầu tương tác lẫn nhau, không thể quá đề cao sự giúp đỡ của bên này đối với bên kia trong hợp tác.
Hiện nay, mặc dù Trung Quốc và Iran đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện, nhưng hai nước có thể đạt được mức độ hợp tác cụ thể như thế nào trong thời gian tới dường như vẫn tồn tại một số vấn đề.
Quan hệ Trung Quốc-Iran tương tự như rất nhiều quan hệ song phương khác, cũng cần sự chung tay xây dựng và phát triển của hai bên./.