Tiếp tục tìm kiếm nạn nhân và hộp đen của máy bay QZ8501

Các thợ lặn thuộc lực lượng Hải quân Indonesia đã nối lại tìm kiếm chiếc máy bay QZ8501 bị mất tích của hãng hàng không AirAsia, trong điều kiện thời tiết thuận lợi hơn.
Tiếp tục tìm kiếm nạn nhân và hộp đen của máy bay QZ8501 ảnh 1Đội tìm kiếm và cứu hộ của Nga tới Pangkalan Bun, tỉnh Trung Kalimantan ngày 3/1/2015, tham gia hoạt động tìm kiếm máy bay QZ8501. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 5/1, các thợ lặn thuộc lực lượng Hải quân Indonesia đã nối lại hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay Airbus A320-300 số hiệu QZ8501 bị mất tích của hãng hàng không AirAsia, trong điều kiện thời tiết thuận lợi hơn nhiều so với những ngày trước đó - tầm nhìn xa khoảng 6km, trời quang mây và biển lặng.

Chiến dịch tìm kiếm mảnh vỡ máy bay và trục vớt thi thể nạn nhân đã bước sang ngày thứ chín, với sự tham gia của khoảng 60 tàu hải quân và gần 20 máy bay từ các nước Indonesia, Mỹ, Nga, Malaysia, Singapore, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Khu vực tìm kiếm mở rộng cách bờ biển đảo Borneo 90 hải lý trên biển Java, nơi đội tìm kiếm đã định vị được năm mảng vỡ lớn được cho là thuộc chiếc máy bay xấu số này, trong đó mảng vỡ lớn nhất có chiều dài 18m và rộng 5,4m.

Lực lượng cứu hộ đã vớt được 34 thi thể, trong đó hầu hết là hành khách người Indonesia và các thành viên phi hành đoàn, 30 thi thể đã được đưa về thành phố Surabaya của Indonesia để khám nghiệm và xác định danh tính, trong đó sáu thi thể đã được nhận dạng và bàn giao cho gia đình.

Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được vị trí các hộp đen của máy bay. Thông thường, các hộp đen máy bay sẽ tiếp tục phát tín hiệu trong 30 ngày kể từ khi máy bay gặp nạn.

Chiếc máy bay Airbus A320-300 của AirAsia mang số hiệu QZ8501, chở 162 hành khách và phi hành đoàn, đã rơi xuống Biển Java ngày 28/12 vừa qua khi đang trên hành trình từ thành phố Surabaya đến Singapore. Các hành khách trên chuyến bay gồm 149 người Indonesia, ba người Hàn Quốc, một người Singapore, một người Malaysia và một người Anh. Phi hành đoàn gồm sáu người Indonesia và một người Pháp.

Theo Cơ quan khí tượng Indonesia, thời tiết xấu có thể là nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn. Dựa vào những dữ liệu vệ tinh hồng ngoại thu được từ vị trí máy bay mất liên lạc, cơ quan trên cho rằng nhiều khả năng máy bay đã bay vào vùng mây bão ở điều kiện thời tiết âm 85 độ C, dẫn đến động cơ bị đóng băng.

Những liên lạc cuối cùng giữa chuyến bay QZ8501 và đài kiểm soát không lưu cho thấy cơ trưởng Iriyanto - vốn là một người rất dày dặn kinh nghiệm, đã thông báo muốn đổi hướng bay để tránh bão. Sau đó, mọi liên lạc đã bị cắt đứt khoảng 40 phút sau khi chiếc máy bay cất cánh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục