Tiết kiệm 1,4 tỷ USD từ cải cách thủ tục hành chính

Việc đơn giản hóa trên 5.000 thủ tục hành chính, hủy bỏ 480 thủ tục... sẽ tiết kiệm cho người dân và doanh nghiệp tới 1,4 tỷ USD mỗi năm.
Ngày 9/11, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII nghe và thảo luận báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010.

Bên hành lang kỳ họp, trả lời phỏng vấn của báo giới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh xã hội hóa việc đơn giản hóa thủ tục hành chính với sự giám sát của người dân và doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề trên cơ sở minh bạch hóa, công khai hóa để nhân dân được biết các thủ tục, từ đó góp ý và giám sát việc thực hiện.

"Trên tinh thần đơn giản hóa trên 5.000 thủ tục hành chính, hủy bỏ 480 thủ tục, đổi tên 1.000 thủ tục... như trong báo cáo đã nêu thì chúng ta sẽ tiết kiệm được cho người dân và doanh nghiệp trên 30.000 tỷ đồng, tương đương với 1,4 tỷ USD/năm," ông Phúc nói.

- Thực hiện giai đoạn II (2006 - 2010) của Chương trình tổng thể cải cách hành chính đã thu được kết quả ra sao, thưa Bộ trưởng, Chủ nhiệm?

Ông Nguyễn Xuân Phúc: Tiếp tục thực hiện giai đoạn II (2006 - 2010) của Chương trình tổng thể cải cách hành chính, ngày 10/1/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 (gọi tắt là Đề án 30) để triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc.

Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính tại bốn cấp chính quyền đã được công bố và công khai trên mạng Internet, với trên 5.700 thủ tục hành chính, trên 9.000 văn bản có quy định về thủ tục hành chính và trên 100.000 biểu mẫu thống kê thủ tục hành chính.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam thiết lập và công bố công khai Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý nhà nước. Kết quả này được nhân dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, coi đây là đóng góp quan trọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng hội nhập.

Chính phủ cũng ban hành được Nghị quyết về đơn giản hóa 258 thủ tục hành chính ưu tiên thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu quản lý của Nhà nước.

Chúng ta cũng đã thống nhất được 63 bộ thủ tục hành chính cấp huyện, 63 bộ thủ tục hành chính cấp xã, khắc phục tình trạng trước đây thì hai huyện gần nhau, hai xã gần nhau nhưng thủ tục thì lại có khác nhau.

Bước đầu, đã đơn giản hóa các thủ tục hành chính về đất đai, giấy phép xây dựng, khám chữa bệnh, thuế, hải quan... Nhiều địa phương, nhiều bộ ngành đã đạt kết quả tốt khi triển khai việc này.

Tuy nhiên, cũng còn một số địa phương, bộ ngành chưa coi công tác cải cách thủ tục hành chính là công việc trọng tâm, cần thiết.

Chính vì thế, chúng tôi kiến nghị Quốc hội hỗ trợ trong việc sửa đổi một số luật, pháp lệnh để thực hiện việc này, đồng thời tiếp tục giám sát tối cao để đưa công việc này vào nề nếp. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thời gian tới.

- Bộ trưởng, Chủ nhiệm có thể cho biết trong thời gian tới, việc thực hiện cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ được tiếp tục như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Phúc: Chính phủ đã có Nghị định số 63, trong đó có việc thành lập các cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính. Bây giờ, từng thủ tục mới phải được phân tích, đánh giá, giám sát trách nhiệm trước khi trình và Nghị định 20 về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, tạo khung pháp lý cho người dân tham gia, giám sát thực hiện thủ tục hành chính.

Sắp tới tiếp tục công khai hóa, duy trì tính minh bạch thủ tục hành chính, sửa đổi phương án một cửa, một cửa liên thông như Quốc hội đã nêu.

Chúng ta hiểu rằng người dân và doanh nghiệp họ vẫn đang còn khó khăn rất nhiều. Tất cả mới chỉ bước đầu nên phải thúc đẩy một cách toàn diện, mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính ở mọi cấp mọi ngành. Vai trò của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ rất quan trọng, vai trò của người dân cũng rất quan trọng trong việc giám sát, thúc đẩy việc thực hiện.

Có chương trình tổng thể cải cách hành chính trong 10 năm đến rồi, đang làm rồi để tiếp tục thực hiện những vấn đề còn đặt ra trong vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới.

- Như vậy, nhân lực bố trí để thực hiện việc này là quan trọng, thưa Bộ trưởng, Chủ nhiệm?

Ông Nguyễn Xuân Phúc: Con người là quan trọng. Cán bộ phải gương mẫu, có trình độ, năng lực, tận tụy phục vụ người dân và doanh nghiệp, không tiêu cực, nhũng nhiễu, tham nhũng. Đấy mới là yếu tố quyết định đến việc thực hiện thành công cải cách nói chung và cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính nói riêng. Phải bố trí cán bộ đúng người, đúng việc, xem xét về vấn đề tiền lương cho hợp lý, đó cũng là điều kiện quan trọng để đề án thành công.

Xin cảm ơn Bộ trưởng, Chủ nhiệm./.

Vũ Anh Minh (ghi)

Tin cùng chuyên mục