Tiểu đoàn 59 đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

Tiểu đoàn 59 được thành lập ngày 10 tháng 6 năm 1950, tại Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ban Chỉ huy Tiểu đoàn gồm hai đồng chí: Nguyễn Lựu-Tiểu đoàn trưởng, Phạm Đạo-Chính trị viên.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình dâng hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ tại Khu lưu niệm Vườn Gòn-Đá Bàn. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình dâng hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ tại Khu lưu niệm Vườn Gòn-Đá Bàn. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Sáng 19/10, tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, Sư đoàn 305, Quân khu V tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ tại Khu lưu niệm Vườn Gòn-Đá Bàn và long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Tiểu đoàn 59 và các cá nhân thuộc Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 803.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình dự buổi lễ.Để ghi nhận và tôn vinh những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 30/9/2024, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 959/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Tiểu đoàn 59 và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 3 cá nhân, gồm: Đồng chí Nguyễn Lựu, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 59; liệt sỹ Nguyễn Bá Dương, nguyên Tiểu đội trưởng, thuộc Tiểu đoàn 59; liệt sỹ Trần Xưng, nguyên Trung đội trưởng, Đại đội 5, Tiểu đoàn 59.

Tiểu đoàn 59 được thành lập ngày 10 tháng 6 năm 1950, tại Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ban Chỉ huy Tiểu đoàn gồm hai đồng chí: Nguyễn Lựu-Tiểu đoàn trưởng, Phạm Đạo-Chính trị viên.

Sau khi thành lập, Tiểu đoàn được giao nhiệm vụ hoạt động độc lập trên địa bàn Quảng Nam-Đà Nẵng. Đến tháng 11 năm 1951 Tiểu đoàn được điều động về đội hình Trung đoàn 803 chủ lực cơ động Liên khu 5.

Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Tiểu đoàn 59 đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ huấn luyện và chiến đấu; trực tiếp tham gia nhiều trận đánh theo sự phân công của Chỉ huy Trung đoàn 803 và Bộ Tư lệnh Liên khu 5; lập được nhiều chiến công hiển hách trên các chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum.

Những chiến công của Tiểu đoàn đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận qua Lịch sử Đảng bộ của các địa phương, qua Bia chiến thắng tại các tỉnh nói trên.

Các năm 1951, 1953, 1954 Tiểu đoàn 59 được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương chiến công hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Ba đồng chí: Nguyễn Lựu, Nguyễn Bá Dương và Trần Xưng là những cán bộ của Tiểu đoàn 59 tiêu biểu sáng ngời về tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu và sự hy sinh cao cả.

Đồng chí Nguyễn Lựu (sinh năm 1913, quê ở xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, mất năm 2005) tham gia cách mạng từ năm 1945, là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 59 từ năm 1950 đến 1954, đã lập nhiều chiến công vang dội, chỉ huy đơn vị tiêu diệt nhiều cứ điểm quan trọng của địch. Ông là người chỉ huy tài năng, giỏi về quân sự, nhạy bén về chính trị, hết lòng vì dân, vì nước, được đồng đội kính trọng.

Đồng chí Nguyễn Bá Dương (sinh năm 1923, quê ở xã Bình An, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam; hy sinh năm 1952, tại Đồn Nhất-Hải Vân Quan, thành phố Đà Nẵng) là Tiểu đội trưởng dũng cảm, mưu trí, luôn sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ của đơn vị.

Đồng chí Trần Xưng (sinh năm 1924, quê ở Hòa Hiệp, Liên Chiểu, Đà Nẵng; hy sinh năm 1953, trong trận đánh đồn Kon Braih, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) là một cán bộ mẫu mực, đã tham gia nhiều trận đánh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục