Tìm thấy những động vật đầu tiên trên thế giới

Khai quật tại một công viên ở Namibia, các nhà khoa học thấy một số hóa thạch được xem là của những động vật đầu tiên trên thế giới.
Tiến hành khai quật tại một công viên quốc gia ở Namibia, các nhà khoa học đã tìm thấy một số hóa thạch được xem là của những động vật đầu tiên trên thế giới.

Phát hiện này có thể đẩy mốc thời gian xuất hiện các động vật trên Trái Đất lên sớm hơn hàng triệu năm.

Một đội các nhà khoa học quốc tế gồm 10 người đã tìm thấy các hóa thạch rất nhỏ của những sinh vật mang hình dáng một chiếc hũ tròn trong các mẫu đá có niên đại từ 760-550 triệu năm tuổi ở Công viên quốc gia Etosha tại Namibia và quanh một số khu vực khác của nước này.

Điều này có nghĩa các loài động vật, được cho là xuất hiện từ 600-650 triệu năm trước đây, có thể đã xuất hiện sớm hơn mốc này từ 100-150 triệu năm.

Theo nhận xét của ông Tony Prave, một nhà địa chất học ở Đại học St Andrews, Scotland, phát hiện này cũng làm sáng tỏ một điều rằng các sinh vật trên, với kích cỡ chỉ bằng một hạt bụi, sống gắn bó với nhau và cấu trúc cơ thể cho phép chất lỏng ra vào người chúng, là tiền nhân của chúng ta.

"Nếu ai đó nhìn vào phả hệ của con người và lần lại nguồn gốc phát triển tới tận cái gọi là nhóm thân cây, thủy tổ của mọi động vật, thì họ hẳn sẽ biết rằng đây chính là hóa thạch của các tiền bối đã sinh ra chúng ta," ông nói.

Prave nói rằng các hóa thạch là bằng chứng cho thấy động vật đã xuất hiện từ 760 triệu năm trước, phù hợp với giả thuyết của các nhà nghiên cứu di truyền học về mô hình "đồng hồ phân tử," phương thức đo đạc tuổi của một chủng loài bằng cách nhìn vào tỷ lệ phân bổ gen di truyền của chúng trong các chủng loài khác./.

Gia Bảo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục