Tính bền vững của mô hình giảm tổn hại cho trẻ ở trong tay địa phương

Giảm thiểu tổn hại trẻ em: Gia đình, chính quyền phải xắn tay vào cuộc

Thời gian qua, các cơ quan chức năng triển khai rất nhiều các mô hình, các giải pháp hỗ trợ can thiệp để giảm thiểu tổn hại cho trẻ em nhưng tính bền vững của nó nằm trong tay chính quyền địa phương.
Các bậc cha mẹ cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng để phòng, chống xâm hại, bảo vệ trẻ em. (Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)
Các bậc cha mẹ cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng để phòng, chống xâm hại, bảo vệ trẻ em. (Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)

Ngay sau đại dịch COVID-19, khi nhịp sống dần quay trở lại bình thường cũng là lúc trẻ em phải đối mặt với những vấn đề như bạo lực học đường, nguy cơ bị tai nạn thương tích, đuối nước, xâm hại… Chính vì lẽ đó, Tháng hành động vì trẻ em năm nay láy chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em."

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) về những thông điệp, hoạt động của Tháng hành động vì trẻ em năm nay.

Ở đâu chính quyền quan tâm, ở đó đuối nước giảm

- Xin ông chia sẻ về lý do lựa chọn chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”của Tháng hành động vì trẻ em năm 2023?

Ông Đặng Hoa Nam: Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 được phát động với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” nhằm mục đích để các cơ quan, tổ chức cộng đồng xã hội cũng như gia đình, cá nhân sẽ chọn ra những giải pháp tốt nhất, thực hiện tốt nhất các quy định của pháp luật để làm sao chúng ta giải quyết những vấn đề nóng liên quan đến việc xâm hại trẻ em, liên quan đến vấn đề về phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là phòng, chống đuối nước cho trẻ em trong thời gian vừa qua cũng như trong thời gian cao điểm mùa hè năm 2023.

Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19 có rất nhiều những vấn đề xã hội tác động đến trẻ em chúng ta cần phải tiếp tục chung tay để giải quyết.

Tháng hành động vì trẻ em lần này cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp tỉnh trong việc chăm lo quan tâm đầu tư nguồn lực như ngân sách địa phương, bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em tại cấp xã, bố trí cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở cấp cộng đồng, thôn, ấp, bản, phum, sóc dân cư… để thực hiện đẩy mạnh việc phòng ngừa xâm hại trẻ em, trong đó đặc biệt là xâm hại tình dục, bạo lực trong gia đình; bạo lực học đường; phòng ngừa tiến tới là giảm tai nạn thương tích trẻ em, nhất là tử vong do đuối nước.

- Thưa ông, tại sao Tháng hành động vì trẻ em năm nay lại nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính quyền địa phương?

Ông Đặng Hoa Nam: Về phía các cơ quan Trung ương, trong đó Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các bộ, ngành khác có liên quan triển khai rất nhiều các mô hình, các giải pháp hỗ trợ can thiệp để giảm thiểu tổn hại cho trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em hay giảm thiểu các tai nạn thương tích trẻ em. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh rằng những mô hình, các giải pháp này phải mang tính bền vững và tính bền vững của nó nằm trong tay chính quyền các địa phương.

Nếu chúng ta không quan tâm, chúng ta không đầu tư hợp lý nguồn nhân lực cũng như nguồn ngân sách địa phương để bảo vệ trẻ, cứu sinh mạng trẻ thì những vấn đề tồn tại dai dẳng bấy lâu nay như xâm hại trẻ em, bạo lực, tử vong do đuối nước rất khó có thể kéo giảm trong thời gian sắp tới để đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế xã hội cho giai đoạn đến  năm 2025, cũng như trong giai đoạn 2021 đến năm 2030.

Tôi mong muốn địa phương đầu tư nguồn lực một cách hợp lý để cứu sinh mạng trẻ, đặc biệt là các vụ đuối nước trẻ em diễn ra rất thương tâm. Tuy chúng ta đã giảm được tình trạng trẻ em chết đuối hàng năm (mỗi năm hiện nay tính trung bình chúng ta giảm được khoảng 100 trẻ em tử vong do đuối nước so với giai đoạn trước).

Giảm thiểu tổn hại trẻ em: Gia đình, chính quyền phải xắn tay vào cuộc ảnh 1Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tôi thấy địa phương nào quan tâm đầu tư ví dụ như: Lắp đặt các bể bơi thông minh, tổ chức các lớp học bơi an toàn trong môi trường nước, tổ chức dạy bơi an toàn cho trẻ em… hoặc chính quyền địa phương cùng với cộng đồng tham gia vào kiểm soát môi trường nước an toàn, cảnh báo nguy cơ an toàn môi trường nước cho trẻ em từ giếng, bể nước, ao, chuôm, rồi các công trình xây dựng thì ở đó tỷ lệ và tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước giảm rất tốt.

Chủ động học kỹ năng làm cha mẹ

- Trách nhiệm trước hết trong bảo vệ trẻ em thuộc về gia đình, cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Vậy thì ông có điều gì muốn gửi gắm tới các bậc cha mẹ trong việc bảo vệ con em mình?

Ông Đặng Hoa Nam: Dù  Nhà nước phát triển đến đâu, những dịch vụ đầu tư các nguồn lực đưa ra các giải pháp tốt đến đâu nhưng nếu cha mẹ, gia đình mà không cập nhật các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, cũng như thường xuyên giám sát và bảo vệ trẻ em khỏi những tai nạn thương tích trong gia đình, cộng đồng, đặc biệt là đuối nước thì nguy cơ với trẻ em vẫn xảy ra.

Trách nhiệm của cha mẹ, trách nhiệm của gia đình cần phải được nhấn mạnh trong việc thực thi các quy định của pháp luật.

[UNICEF: Việt Nam đạt được tiến bộ to lớn trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em]

Tôi cũng muốn nhấn mạnh muốn bảo vệ tốt con mình, muốn phát triển toàn diện cho con em mình có một tương lai tốt đẹp thì cần phải chủ động tìm kiếm những nguồn kiến thức, kỹ năng tin cậy, đặc biệt là môi trường mạng tin cậy để học làm cha mẹ.

Trong thời gian vừa qua, với sự nỗ lực hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như Unicef, Cứu trợ trẻ em, ChildFund… Cục Trẻ em cùng với các cơ quan, tổ chức khác như: Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã phát triển rất nhiều tài liệu hướng dẫn những chương trình học trực tuyến trên mạng về phổ biến các kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ.

Giảm thiểu tổn hại trẻ em: Gia đình, chính quyền phải xắn tay vào cuộc ảnh 2Cần chú trọng phòng ngừa đuối nước bằng cách dạy bơi, trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tôi một lần nữa khuyến nghị các bậc cha mẹ, đặc biệt là đang nuôi con nhỏ cần phải chủ động tìm kiếm những thông tin tốt, thông tin tin cậy để tự mình đào tạo kiến thức, kỹ năng để phòng, chống xâm hại trẻ em cũng như bảo vệ trẻ em khỏi những tai nạn thương tích.

- Ông đánh giá như thế nào về những quy định của pháp luật cũng như trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc thực thi pháp luật bảo vệ trẻ em thời gian qua?

Ông Đặng Hoa Nam: Về cơ bản, tôi cho rằng những quy định pháp luật của Việt Nam hiện nay đã đảm bảo được góc độ là xử lý về mặt trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, đặc biệt là người đứng đầu các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức và các bậc cha mẹ, gia đình trong trường hợp nếu để xảy ra tình trạng trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực hay trẻ em bị tai nạn thương tích. Tuy nhiên, cơ quan thực thi pháp luật chúng ta cần phải làm triệt để hơn nữa việc xử lý những vi phạm này.

Ví dụ với những trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước hay do tai nạn thương tích khác, khi chúng ta thấy rõ là lỗi do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào mà trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra thì phải xử lý một cách rốt ráo, quyết liệt, kể cả về mặt hành chính, thậm chí là hình sự.

Tôi thấy đáng tiếc là nhiều vụ việc tử vong trẻ em do đuối nước hay do tai nạn thương tích nhưng các cơ quan tư pháp, các cơ quan bảo vệ pháp luật nhiều khi vẫn bỏ qua. Do đó, cần phải tăng cường công tác phòng ngừa không chỉ là trách nhiệm trong việc xử lý giải quyết mà trách nhiệm về mặt phòng ngừa.

Ví dụ một vụ đuối nước trẻ em xảy ra thì việc chúng ta thăm hỏi, động viên gia đình để lo hậu sự cho trẻ là cách tiếp cận hoàn toàn mang tính chất từ thiện, nhân đạo. Nếu tiếp cận dựa trên quyền, dựa trên trách nhiệm pháp lý thì chính quyền, cộng đồng dân cư, gia đình ở đó phải khắc phục những nguyên nhân dẫn đến tử vong trẻ em như: Phải tăng cường dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn, rà soát lại môi trường an toàn để những vụ việc tương tự không tiếp diễn, không xảy ra.

Tôi muốn nhấn mạnh công tác phòng ngừa, kể cả trong xâm hại trẻ trong phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em hay phòng chống đuối nước trẻ em.

Tháng hành động vì trẻ em năm nay chúng ta hướng tới mục tiêu sẽ chuyển biến mạnh mẽ không chỉ trong hỗ trợ xử lý giải quyết mà cả công tác phòng ngừa. Muốn phòng ngừa thì phải tăng cường trách nhiệm các bên, tăng cường nguồn lực đầu tư hợp lý.

Cho dù có một số địa phương còn khó khăn, cho dù Việt Nam chúng ta còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết nhưng chúng ta vẫn đủ nguồn lực để tăng cường trách nhiệm, tăng cường thực hiện chương trình mục tiêu, các mô hình, giải pháp để trẻ em chúng ta có một cuộc sống an toàn lành mạnh hơn.

- Trân trọng cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục