Tình hình chính trường Ukraine với tương lai bất định

Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài suốt ba tháng qua tại Ukraine đã tạm thời lắng xuống sau lễ ký thỏa thuận hòa bình 21/2.
Tình hình chính trường Ukraine với tương lai bất định ảnh 1Khoảng 10.000 người Ukraine ủng hộ chính sách thân Nga đã tuần hành tại thành phố cảng miền nam Sevastopol. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài suốt ba tháng qua tại Ukraine đã tạm thời lắng xuống sau lễ ký thỏa thuận hòa bình 21/2.

Phải chăng bế tắc chính trị tại quốc gia có vị trí địa chính trị chiến lược nằm giữa châu Âu và Nga này đã được khai thông, hay đây chỉ là khoảng lặng trước cuộc khủng hoảng mới với tương lai chưa rõ ràng?

Có lẽ tình hình chính trị Ukraine đã có kết cục hoàn toàn khác nếu thỏa thuận nhằm giải quyết cuộc xung đột đẫm máu được Tổng thống Viktor Yanukovych và ba thủ lĩnh đối lập gồm Areseni Yatsenuk thuộc Đảng Batkivshina (Tổ Quốc), Vitali Klitschko của Đảng Dân chủ vì cải cách (UDAR) và Oleg Tyagnibok của Đảng Tự do ký ngày 21/2 dưới sự chứng kiến của Liên minh châu Âu (EU) và Nga, được thực thi nghiêm túc.

Theo thỏa thuận này, các bên đồng ý chấm dứt các cuộc xung đột đẫm máu làm hàng trăm người thương vong, khôi phục Hiến pháp năm 2004 - đưa Ukraine trở thành nước Cộng hòa nghị viện - tổng thống, đồng thời bắt đầu thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc.

Cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra sau khi Hiến pháp mới được thông qua, song không chậm hơn tháng 12. Thế nhưng, khi các chữ ký của thỏa thuận này chưa được ráo mực thì lực lượng đối lập lợi dụng sự kiện Tổng thống Yanukovych vắng mặt tại thủ đô Kiev và Chủ tịch Quốc hội Vladimir Rybak in từ chức, đã thực thi những biện pháp mang tính "nốc ao" và đi ngược lại Thỏa thuận.

Nhờ vậy, đã giành quyền kiểm soát chính quyền Trung ương, đồng thời tuyên bố phế truất ông Yanukovich và bầu ông Alexandre Turchinov làm Chủ tịch Quốc hội kiêm Tổng thống lâm thời Ukraine.

Sự thay đổi lãnh đạo lần này sẽ đưa đất nước Ukraine đi về đâu? Đặc biệt trong bối cảnh ông Yanukovych tuyên bố ông vẫn là Tổng thống hợp hiến của Ukraine và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nghi ngờ về tính hợp pháp của bộ máy lãnh đạo mới ở Ukraine. Đồng thời, ông Medvedev cũng cho rằng công nhận chính quyền mới này là "hành động sai lầm."

Chính điều này đang làm dấy lên lo ngại về một tương lai đầy bất trắc đang chờ đón Ukraine ở phía trước. Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở nếu xét trên các bình diện lịch sử, chính trị và kinh tế.

Do lịch sử để lại, tại Ukraine đã hình thành ba khu vực có quan điểm chính trị khác nhau. Ở miền Đông và miền Nam Ukraine gồm 11 tỉnh-thành, nơi có 24/45 triệu người dân gốc Nga và ủng hộ chủ trương liên kết chặt chẽ với Nga.

Cử tri ở khu vực này đã đóng vài trò quan trọng giúp ông Yanukovych trở thành Tổng thống Ukraine năm 2010. Người dân nơi đây không chịu khoanh tay đứng nhìn cảnh tượng vị Tổng thống được họ trao gửi niềm tin bị phế truất bằng bạo lực.

Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi làn sóng biểu tình phản đối hành động phế truất ông Yanukovych với sự tham gia của hàng chục nghìn người, đã bùng phát trong những ngày qua ở nhiều thành phố khác nhau, trong đó có thành phố cảng Sevastopol và toàn bán đảo Crimea...

Sự kiện này khiến nhiều quốc gia phương Tây, vốn ủng hộ mạnh mẽ lực lượng đối lập biểu tình ở Quảng trường Độc lập, vội vàng lên tiếng kêu gọi Ukraine duy trì toàn vẹn đất nước.

Còn tại khu vực miền Trung với bảy tỉnh-thành thì người dân lại có quan điểm dung hòa giữa chính sách hội nhập châu Âu và tham gia Liên minh hải quan gồm Nga, Belarus và Kazakhstan.

Ở 8 tỉnh miền Tây, cư dân ủng hộ chủ trương hội nhập với châu Âu nên đã tham gia chiến dịch kéo về thủ đô làm nên cái gọi là "Cách mạng Cam lần 2." Trong khi đó, người dân sinh sống ở tỉnh Zakarpaty thuộc cực Tây Ukraine (giáp Slovakia và Hungary) thì ủng hộ chính sách hướng Đông.

Như vậy, rõ ràng bản thân đường hướng phát triển đất nước Ukraine cũng gây chia rẻ sâu sắc trong xã hội quốc gia này. Điều này có thể lý giải được câu hỏi vì sao kể từ khi tuyên bố độc lập năm 1991 đến nay, chưa có bất cứ chính khách nào của Ukraine, dù thân phương Tây hay ngã về Nga, lại có thể “hạ cánh” an toàn trong hòa bình.

Chính vì thế, ban lãnh đạo lâm thời hiện nay của Ukraine lên nắm quyền thông qua hành động gây bạo lực đẫm máu, chắc sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn và thách thức xuất phát từ các khu vực trong nước.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là một trong những vấn đề hóc búa nhất mà ban lãnh đạo mới ở Ukraine buộc phải nhanh chóng giải quyết.

Nền kinh tế Ukraine đang rơi vào tình trạng nguy kịch, ngân sách trống rỗng, dự trữ ngoại tệ cạn kiệt, nợ nước ngoài tăng cao, trong khi tất cả các lĩnh vực sản xuất đình đốn, đồng nội tệ mất giá nghiêm trọng, tỷ lệ thất nghiệp không ngừng tăng lên…

Ngay tại quý I năm 2014, Ukraine sẽ phải trả nợ đến gần 4 tỷ USD, còn hai quý tiếp theo mỗi quý là 5 tỷ USD.

Theo Bộ trưởng Tài chính lâm thời Ukraine, ông Yuriy Kolobov, đến cuối năm 2015, nước này cần số tiền 35 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế vĩ mô. Và bài toán đặt ra cho Kiev là họ sẽ lấy đâu ra số tiền khổng lồ này?

Ngày sau khi lực lượng biểu tình kiểm soát được thủ đô Kiev, nhiều nước phương Tây và một số thể chế tài chính quốc tế, trong đó có Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cam kết hỗ trợ nhiều tỷ USD cho Ukraine.

Nhưng thực tế cho thấy giữa lời nói và hành động luôn tồn tại một khoảng cách tương đối xa. Ukraine đã từng nhiều lần thất bại trong các cuộc đàm phán về các khoản vay tín dụng. Giả sử lần này ban lãnh đạo mới tại Ukraine nhận được khoản viện trợ như mong muốn thì theo giới phân tích, nền công nghiệp nước này sẽ bị các ông chủ phương Tây nuốt chửng. 

Trong khi đó, rất có thể Nga sẽ xem xét lại thỏa thuận mua lại khoản nợ trị giá lên tới 15 tỷ USD của Chính phủ Ukraine trong vòng 12 tháng và chủ trương giảm giá khí đốt bán cho nước này từ mức 380-400 USD/1.000m3 xuống còn 286,5 USD/1.000m3.

Nếu Moskva không hành động ngay bây giờ thì thỏa thuận hạ giá khí đốt bán cho Ukraine cũng chỉ có hiệu lực trong quý này nữa và nếu không có thỏa thuận mới được ký kết cho quý 2, thì giá "nhiên liệu xanh" sẽ quay trở lại mức ban đầu.

Các hợp đồng đã ký cũng cho phép Nga quyền ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine và yêu cầu nước này trả tiền trước nếu muốn mua tiếp. Nếu điều này xảy ra, nền kinh tế Ukraine hầu như không có khả năng trụ nổi.

Đó là chưa tính đến những biện pháp tự vệ mà Nga sẽ áp đặt trong trường hợp Kiev ký thỏa thuận thành lập khu vực thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU).

Moskva đã nhiều lần công khai tuyên bố sẽ “cấm cửa” tất cả hàng hóa Ukraine nếu Kiev kiên quyết thành lập FTA với EU, đồng thời bán khí đốt cho nước này với mức giá thị trường.

Đây mới thực sự là cú đòn quyết định đối với nền kinh tế ốm yếu của Ukraine. Nếu không được xuất khẩu hàng hóa sang Nga và các nước thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), thì doanh nghiệp Ukraine sẽ đứng trước nguy cơ bị phá sản hàng loạt.

Nguyên nhân là các mặt hàng của nước này sản xuất phần lớn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng của EU nên không dễ gì tiêu thụ được tại thị trường được coi là khó tính bậc nhất thế giới này.

Trái lại, hàng hóa của các nhà sản xuất châu Âu sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Ukraine và “hất cẳng” các doanh nghiệp của nước này ra khỏi cuộc chơi.

Cuối cùng, liệu ban lãnh đạo lâm thời của Ukraine có tiếp tục đoàn kết để chèo lái còn tàu ốm yếu mang tên Ukraine thoát khỏi cơn bão khủng hoảng?

Một thử thách nghiêm trọng khác đang đặt ra trước chính quyền mới tại Ukraine là phe đối lập nước này vốn có truyền thống sau khi lên nắm quyền thường lún sâu vào các cuộc đấu đá nội bộ và tranh giành lợi ích.

Bài học “Cách mạng Cam 2004” thất bại thảm hại với hai thủ lĩnh đối lập Viktor Yushchenko và Yulia Timoshenko cho đến nay vẫn còn nhức nhối. Với nòng cốt gồm Batkivshina, UDAR và Tự Do lần này, phe đối lập cũng không hứa hẹn sẽ có thể đoàn kết với nhau nhằm điều hành đất nước.

Batkivshina do bà Timoshenko làm thủ lĩnh và phụ tá hàng đầu là cựu Chủ tịch Quốc hội Yaseniuk, từng bị cáo buộc tham nhũng, lợi dụng chức quyền và bị chỉ trích về khả năng quản lý kém cỏi.

UDAR mới thành lập năm 2010 và thủ lĩnh của chính đảng này là ông Klischko ít có kinh nghiệm hoạt động chính trường, chưa nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong dân chúng Ukraine và chỉ nổi danh trên võ đài quyền anh quốc tế.

Ông Tyagnibok từng bị chỉ trích nhiều khi lãnh đạo Đảng Dân tộc cực đoan Ukraine và “lý lịch không mấy nổi danh” đã buộc chính đảng này đổi tên thành Đảng Tự Do.

Bất chấp những khó khăn và thách thức trên đây, dư luận Ukraine và quốc tế đều mong muốn nước Đông Âu này sẽ có nhà lãnh đạo và chính quyền mới đủ khả năng đoàn kết toàn dân tộc, phát triển đất nước đi lên theo con đường độc lập, đáp ứng lợi ích của đại đa số dân chúng trên cơ sở bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ như Kiev đã tuyên bố cách đây 23 năm./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục