"Tình hình sẽ chuyển biến nếu quy được trách nhiệm cho người đứng đầu"

Đại biểu Bùi Thị An cho rằng, vai trò cá nhân của lãnh đạo rất quan trọng và cần quy trách nhiệm người đứng đầu cụ thể để tạo sự chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, điều hành công việc.
"Tình hình sẽ chuyển biến nếu quy được trách nhiệm cho người đứng đầu" ảnh 1Đại biểu Bùi Thị An cho biết bà đồng tình với phương thức chất vấn mới mẻ được áp dụng tại kỳ họp Quốc hội lần này. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13 được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả lớn so với các kỳ họp trước, khi mà các đại biểu sẽ chất vấn tổng thể việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ XIII đến 2015.

Bên lề kỳ họp, Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) đã trao đổi với báo giới về vấn đề này.

- Thưa Đại biểu Bùi Thị An, bà có cảm nhận như thế nào về sự đổi mới trong phiên chất vấn tại kỳ họp lần này khi mà người được chất vấn sẽ không biết các vị đại biểu hỏi ai và hỏi về nội dung gì?

Đại biểu Bùi Thị An: Tôi rất đồng tình về phương thức chất vấn lần này. Việc đổi mới phương thức chất vấn để cho các Đại biểu Quốc hội có thể hỏi toàn bộ các lĩnh vực mà nhân dân, cử tri có nhiều bức xúc chứ. Đây là phương thức được đánh giá là hay và sẽ đem lại hiệu quả hơn những lần trước.

Tôi cũng cho rằng Quốc hội khóa tới nên tiếp thu phương thức chất vấn này, tuy nhiên cần đổi mới một chút. Hôm nay, phần báo cáo còn hơi dài và chiếm nhiều thời gian. Cần phải dành nhiều thời gian để các Đại biểu Quốc hội hỏi và nếu thời gian trả lời còn thiếu thì thành viên Chính phủ trả lời bằng văn bản về những vấn đề bức xúc của cử tri, để có phương hướng giải quyết triệt để trong thời gian tới.

- Thực tế, mục đích của phiên chất vấn không phải làm căng thẳng vấn đề, mà là nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết vấn đề cho đúng. Vậy, ý kiến của bà về vấn đề này thế nào?

Đại biểu Bùi Thị An: Đây không phải là làm căng thẳng vấn đề, mà là nhìn thẳng vào vấn đề xem mình đã giải quyết được gì, chọn các giải pháp, phương pháp để giải quyết đã đúng chưa. Và đi đến cuối cùng là phải chọn phương pháp giải quyết hiệu quả công việc, không để tình trạng bức xúc triền miên.

Quốc hội, Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm nói rõ thực trạng, tìm giải pháp hữu hiệu nhất, có mục tiêu, nội dung và thời gian để giải quyết những bức xúc đó.

- Nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong phiên chất vấn, thưa bà…?

Đại biểu Bùi Thị An: Vai trò cá nhân của lãnh đạo là rất quan trọng. Nếu đưa được trách nhiệm của người đứng đầu và quy rõ trách nhiệm ấy thì thời gian sắp tới tình hình sẽ được chuyển biến.

Khi người đứng đầu nhận thức rõ trách nhiệm của mình thì sẽ quan tâm đến những nội dung, lĩnh vực chỉ đạo và nâng cao trách nhiệm hơn trong công việc.

Cho rằng phải quy định trách nhiệm cho người đứng đầu, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị đưa việc này vào trong luật. Tức là, cho các đồng chí đứng đầu nhiều quyền, song phải quy trách nhiệm. Nếu sự cố xảy ra ở địa phương, ngành nào thì người đứng đầu địa phương, ngành ấy phải chịu trách nhiệm chứ không đổ lỗi cho người giúp việc và như vậy các đồng chí phải xây dựng bộ máy tốt.

Quan điểm của tôi là nếu quy định được việc này thì sẽ có chuyển biến thực sự.

- Sáng nay (16/11), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đọc Báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015. Bà đánh giá thế nào về bản báo cáo này?

Đại biểu Bùi Thị An: Báo cáo của Chính phủ đã đề cập toàn diện các vấn đề và đã nêu được những vấn đề chính mà các Đại biểu Quốc hội chất vấn và việc thực hiện của các ngành.

Tuy nhiên, về việc thực hiện của các ngành, do là báo cáo tóm tắt nên không nêu hết được, chưa thể hiện hết được nội dung trước đây mà Đại biểu Quốc hội chất vấn.

Do đó, cần xoáy sâu vào những tồn tại để đưa ra những giải pháp, mục tiêu tới đây sẽ giải quyết các vấn đề đó như thế nào. Cử tri đang chờ điều đó.

- Xin cảm ơn đại biểu!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục