Tổ chức lại mô hình cấp tổng cục để giảm trung gian, tinh gọn bộ máy

Theo đại diện Bộ Nội vụ, lĩnh vực nào chức năng, nhiệm vụ phân cấp mạnh cho địa phương sẽ tổ chức lại mô hình cấp tổng cục trên Trung ương để giảm cấp trung gian, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Tổ chức lại mô hình cấp tổng cục để giảm trung gian, tinh gọn bộ máy ảnh 1Chánh Văn phòng-người phát ngôn của Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cung cấp thông tin tại buổi họp báo. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Tại buổi họp báo định kỳ quý 4/2021 do Bộ Nội vụ tổ chức chiều 5/11, thông tin về việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, Chánh Văn phòng, Người Phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết để tổ chức triển khai Nghị quyết số 08/2021/QH15 của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, các nghị quyết và văn bản liên quan, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đang rà soát, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo yêu cầu của Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội và đáp ứng tiêu chí thành lập quy định tại các nghị định của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Trên cơ sở đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan mình, trình Chính phủ xem xét, quyết định trong thời gian tới.

Về sắp xếp tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP, trong đó quy định cụ thể về tiêu chí thành lập cơ quan chuyên môn đặc thù (dân tộc, du lịch, ngoại vụ, quy hoạch và kiến trúc); tiêu chí thành lập tổ chức và số lượng biên chế tối thiểu để được thành lập tổ chức thuộc sở, thuộc chi cục thuộc sở; tiêu chí xác định số lượng cấp phó của người đứng đầu làm cơ sở phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy, số lượng cấp phó thuộc sở, phòng theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

[Bộ trưởng Nội vụ: Muốn tinh giản biên chế phải giảm được đầu mối]

Căn cứ quy định của Chính phủ, các địa phương đã quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với hướng dẫn của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và quyết định cơ cấu tổ chức của sở, kiện toàn tổ chức các phòng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và các tiêu chí quy định của Chính phủ, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tạo được sự thống nhất, liên thông về đối tượng, phạm vi quản lý về ngành, lĩnh vực.

Việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện thời gian qua đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tính đến hết tháng 6/2021, có 1.173 cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, giảm 7 cơ quan so với thời điểm 30/6/2017.

Đối với tổ chức bên trong cơ quan chuyên môn, số phòng thuộc sở có 7.215 phòng, giảm 1.440 phòng so với thời điểm 30/6/2017, có 907 chi cục thuộc sở, giảm 208 chi cục so với thời điểm 30/6/2017. Số cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện là 8.490 phòng, giảm 451 phòng so với thời điểm 30/6/2017.

Làm rõ thêm, Vụ trưởng Vụ Tổ chức-Biên chế Vũ Hải Nam thông tin để triển khai Nghị quyết số 08/2021/QH15, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, tới đây sẽ thành lập Ban Chỉ đạo để chỉ đạo việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bên trong.

Vụ Tổ chức-Biên chế đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ chuẩn bị các nội dung báo cáo Ban Chỉ đạo, trong đó, sẽ đưa ra các nguyên tắc trên cơ sở bám sát Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII và các nghị định của Chính phủ.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khi rà soát chức năng, nhiệm vụ, xây dựng phương án kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong đều phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí. Ngành, lĩnh vực nào yêu cầu cần tập trung thống nhất sẽ duy trì tổng cục. Lĩnh vực nào chức năng, nhiệm vụ phân cấp mạnh cho địa phương sẽ tổ chức lại mô hình cấp tổng cục trên Trung ương để giảm cấp trung gian, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Về việc Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất xóa bỏ 3 tổng cục, nhưng lại sinh ra nhiều vụ, cục, trả lời báo chí, ông Vũ Hải Nam cho biết Bộ Nội vụ đã nhận được văn bản và đang xem xét các phương án để xác định tổ chức lại các tổng cục này hoạt động theo mô hình nào, số lượng cơ cấu tổ chức bên trong của Bộ hình thành bao nhiêu đầu mối… Bộ Nội vụ sẽ tập hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo, trên cơ sở ý kiến của Ban Chỉ đạo, Bộ sẽ có thẩm định chính thức.

Ông Vũ Hải Nam cho biết thêm việc sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong lần này ngoài giải quyết tình trạng giao thoa, chồng chéo giữa các bộ, còn giải quyết tình trạng giao thoa giữa các đơn vị trong bộ, theo nguyên tắc một việc chỉ giao một đầu mối thực hiện. Những ngành có mối quan hệ liên thông với nhau nên giao một đầu mối thực hiện.

“Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tập trung báo cáo Ban Chỉ đạo thẩm định với tinh thần khẩn trương để các Bộ tiếp thu, giải trình trong tháng 12, sớm ban hành nghị định, để bộ máy sớm được ổn định, đi hoạt động cả nhiệm kỳ hiệu lực, hiệu quả," ông Vũ Hải Nam cho hay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục