Tọa đàm thân thế, sự nghiệp giáo sư Trần Đại Nghĩa

Tại buổi tọa đàm, các ý kiến của các đại biểu thống nhất đánh giá giáo sư Trần Đại Nghĩa là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ noi theo.
Ngày 12/9, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức tọa đàm về thân thế và sự nghiệp của giáo sư, viện sỹ Trần Đại Nghĩa với sự tham gia của các đại biểu đến từ Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Trường đại học Quốc gia Hà Nội, Hội Khoa học kỹ thuật Robot Việt Nam, gia đình giáo sư Trần Đại Nghĩa.

Nhớ về giáo sư Trần Đại Nghĩa, các đại biểu cùng nhớ đến một con người dám từ bỏ công việc với lương tháng 22 lượng vàng để theo Bác Hồ về nước phụng sự Tổ quốc, từ bỏ cuộc sống sung sướng nơi Paris hoa lệ, chấp nhận khó khăn thiếu thốn nơi rừng sâu Việt Bắc để được nghiên cứu chế tạo vũ khí góp phần đánh đuổi quân xâm lược Pháp.

Ông là Cục trưởng quân giới đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, một trong những người đặt nền móng cho nền công nghiệp quốc phòng non trẻ của Việt Nam. Ông còn là một vị anh hùng, một nhà bác học uyên thâm, một vị tướng thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ, suốt đời giữ trọn đạo làm tướng.

Theo đại tá Trần Ngọc Long, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, trong đạo làm tướng, trung, trí, dũng, nhân, tín tuy có nội dung khác nhau nhưng được hòa quyện trên cơ sở lấy đức nhân làm nền tảng, tạo nên phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh của một vị tướng.

Với tướng Trần Đại Nghĩa, điều này không chỉ dừng lại ở tư tưởng, ý chí, ở chỗ giữ cho cá nhân mình được trong sạch liêm khiết, mà trở thành hành động, phẩm chất năng lực của một vị tướng – nhà khoa học. Hình ảnh của ông trong lòng bộ đội, nhân dân, trong lòng bạn bè, đồng nghiệp… là thước đo chân chính nhất. Thời nào cũng vậy, phấn đấu để trở thành tướng đã khó, giữ được đạo làm tướng càng khó hơn và thiếu tướng Trần Đại Nghĩa đã làm được điều đó.

Tiếp cận từ đời thường, qua lời kể của bà Nguyễn Thị Khánh - vợ giáo sư Trần Đại Nghĩa thì ông say mê nghiên cứu và chế tạo vũ khí đến quên hết mọi thứ, cả tuần không tắm, đến mức có lần đi suối tắm quá nửa ngày không về, anh em đi tìm thì thấy ông đang ngồi trên tảng đá viết những công thức ngoằn ngoèo. Có lần Bác Hồ phải kêu lên “Thím Nghĩa đâu mà để chú Nghĩa ra nông nỗi này.” Với ông, cuộc sống lúc nào cũng giản dị và đạm bạc nhưng ông luôn cảm thấy thoải mái và hạnh phúc.

Giáo sư, tiến sỹ khoa học, nhà giáo nhân dân Nguyễn Thiện Phúc, Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ Rôbốt Việt Nam nhớ về giáo sư Trần Đại Nghĩa, một người thầy mà giáo sư từng được gần gũi "Lời dạy của thầy khi làm giáo dục là phải tự xác định vị trí của mình, để ý thức được phải dạy với trách nhiệm quốc gia và phải học với ý thức tự tôn của một dân tộc."

Từ những câu chuyện về khoa học với thầy Trần Đại Nghĩa, giáo sư Phúc nhớ mãi để luôn nhắc nhở sinh viên phải nắm rất chắc những kiến thức cơ bản để có thể nhìn ra ngay các nội dung khoa học khi giải quyết những nhiệm vụ kỹ thuật...

Các kỹ sư công nghiệp quốc phòng luôn nhớ tư duy chiến lược của giáo sư Trần Đại Nghĩa là “Không phải lúc nào cũng cần đầu tư những khí tài cái gì cũng hiện đại nhất, mà quan trọng hơn là phải đầu tư cho sự sáng tạo khai thác những gì đang có.”

Ít có nước nào như Việt Nam , chế tạo và sản xuất được hàng loạt vũ khí hiện đại, từ súng Bazoka, súng phóng lựu đạn chống tăng nổ 2 lần đến tên lửa vác vai… Khi tên lửa được phóng thì nó như quả pháo, còn khi đã bay ra thì nó như một con rôbốt, biết tự tìm mục tiêu.

Giáo sư Phúc kể rằng: Từ câu chuyện này, chúng tôi bàn luận đến đội Robocon của trường Đại học kỹ thuật quân sự, mang tên Trần Đại Nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh và Trường đại học Lạc Hồng ở Đồng Nai.

Trong 12 lần thi Robocon quốc tế thì 3 lần đoạt chức vô địch, 4 lần giành giải nhì. Bài học thành công của Robocon là để chiến thắng phải biết sáng tạo, để sáng tạo phải biết tiếp thu các thành tựu khoa học hiện đại. Thế hệ kỹ sư trẻ Việt Nam phải noi gương tinh thần giáo sư Trần Đại Nghĩa để xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam. /.

Minh Nguyệt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục