Tốc độ chuyển giao doanh nghiệp về SCIC đang bị chậm lại

Hiện còn 173 doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao nhưng chưa được thực hiện vì chưa có sự thống nhất giữa các bên, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung; trong đó các bộ có 32 doanh nghiệp.
Tốc độ chuyển giao doanh nghiệp về SCIC đang bị chậm lại ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: VNM)

Sáng 21/2, tại Hà Nội, Viện Nghiên Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo chuyển giao doanh nghiệp về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Vấn đề đáng lưu ý được đưa ra tại hội thảo là tốc độ chuyển giao doanh nghiệp về SCIC đang trong xu hướng chậm lại.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp từ các bộ, ​Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh về SCIC là giải pháp quan trọng trong quá trình tái cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp Nhà nước.

Đồng thời, việc chuyển giao quyền này góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài sản, cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh theo hướng bình đẳng, công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp. Vì vậy, đây là công tác quan trọng, được Chính phủ quan tâm, đốc thúc triển khai trong thời gian qua.

Đến nay, SCIC đã tiếp nhận hơn 1.000 doanh nghiệp với tổng số vốn 9.900 tỷ đồng. SCIC đã phối hợp với các bộ, địa phương xây dựng danh sách doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC.

Sau đó, phân loại, kiện toàn tổ chức bộ máy, áp dụng phương thức quản trị tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh.

Nhìn chung, các doanh nghiệp sau chuyển giao đều hoạt động có lãi, có bước phát triển mới, bảo đảm tiêu chí bảo toàn và phát triển vốn.

Tuy nhiên, hiện còn 173 trường hợp doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao và tiếp nhận như quy định trên nhưng chưa được thực hiện vì chưa có sự thống nhất cuối cùng giữa các bên, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Trong số đó, các bộ còn 32 doanh nghiệp; các địa phương phía Bắc còn 15 doanh nghiệp; miền Trung còn 5 doanh nghiệp và miền Nam còn 67 doanh nghiệp.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM, có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan trong quá trình thực hiện; trong đó, còn hiện tượng một số bộ, địa phương chưa tích cực triển khai, thậm chí trì hoãn việc chuyển giao, muốn giữ doanh nghiệp lại để mình quản lý.

Cũng có ý kiến cho rằng, có trường hợp SCIC không muốn nhận doanh nghiệp vì tình hình sản xuất kinh doanh không thuận lợi.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cơ quan chức năng cần có quan điểm dứt khoát và đồng bộ để thúc đẩy tiến độ chuyển giao; trong đó, gắn liền với trách nhiệm các cá nhân liên quan; đặc biệt tránh thất thoát vốn và thoái thác nghĩa vụ.

Các cơ quan hữu quan cũng nên tìm hiểu, đặt câu hỏi về việc sau khi SCIC tiếp nhận doanh nghiệp và vốn Nhà nước đầu tư vào những đâu, lĩnh vực nào và đạt kết quả ra sao…

Đại diện SCIC cho biết qua hơn 10 năm hoạt động, đa số các doanh nghiệp được SCIC tiếp nhận bàn giao đã được tái cơ cấu, đạt kết quả khả quan, đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân chung từ 15-17%, riêng giai đoạn 2011-2015 đạt 18-20%.

Từ đó đã thu về 25.700 tỷ đồng cổ tức, thu hơn 19.000 tỷ đồng lãi do bán lại vốn.

Ngoài ra, SCIC đã nghiên cứu, chủ động đầu tư hơn 1 tỷ USD vốn vào một số dự án giầu tiềm năng, có tương lai tốt để thu lời, gia tăng giá trị vốn hoặc tăng cổ phần trong các doanh nghiệp đó bên cạnh một số khoản mục đầu tư gián tiếp…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục