Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) sẽ chào bán cổ phiếu tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển của doanh nghiệp.
Tại Đại hội cổ đông của VIMC năm 2022 diễn ra vào sáng 20/4, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch VIMC cho biết theo chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, doanh nghiệp dự kiến sẽ thực hiện các dự án đầu tư phát triển trong cả 3 lĩnh vực kinh doanh vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải với tổng mức đầu tư đến năm 2030 là 25.000 tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn 2021-2025 dự kiến giá trị thực hiện khoảng 2.200 tỷ đồng, đến năm 2030 dự kiến khoảng 10.700 tỷ đồng.
Mặt khác, tại phương án cổ phần hóa của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 751/QĐ-TTg ngày 20/6/2018, vốn điều lệ của VIMC là 14.046 tỷ đồng, trong đó, tỷ lệ sở hữu Nhà nước là 65% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, do việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược không thực hiện được và tỷ lệ bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng thấp nên vốn điều lệ hiện tại của VIMC là 12.005,8 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại VIMC là 99,469% vốn điều lệ.
“Vì vậy, việc tăng vốn điều lệ của VIMC giai đoạn này là cần thiết để đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển của doanh nghiệp nhằm tận dụng cơ hội về nguồn lực để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh (đầu tư phát triển cảng nước sâu, đầu tư phát triển đội tàu, đầu tư tăng vốn tại các công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả...), phù hợp với định hướng chiến lược phát triển, cơ cấu vốn điều lệ của Tổng công ty sau cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt,” ông Sơn khẳng định.
[VIMC tái cơ cấu thành công, lãi hàng nghìn tỷ trong năm 2021]
Về kế hoạch chào bán cổ phần, theo VIMC, hiện có 3 hình thức gồm chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu; phát hành cổ phiếu ra công chúng và chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Tuy nhiên, phía Tổng công ty Hàng hải cũng phân tích đối với hình thức chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, cổ đông Nhà nước khó được chấp thuận tiếp tục mua thêm do tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại VIMC đang vượt quá tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước theo quy định.
Với hình thức phát hành cổ phiếu ra công chúng phải đáp ứng được điều kiện “Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký chào bán.” Đến 31/12/2021, VIMC vẫn có lỗ lũy kế là 886 tỷ đồng. Nếu thực hiện phát hành trong năm 2022, VIMC không đáp ứng được điều kiện “không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.”
Như vậy, trong 3 hình thức phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ, VIMC chỉ đủ điều kiện để thực hiện hình thức phát hành cổ phần riêng lẻ.
Trên cơ sở đó, VIMC sẽ chào bán số lượng 100 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, đáp ứng kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng./.
Tính đến thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của VIMC là 13.886 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu là hơn 11.100 tỷ đồng, nợ phải trả là 2.767 tỷ đồng. Tài sản của VIMC chủ yếu tập trung ở tài sản cố định (đội tàu) và các khoản đầu tư tài chính dài hạn. |