VIMC tái cơ cấu thành công, lãi hàng nghìn tỷ trong năm 2021

Bằng việc triển khai tái cơ cấu một cách quyết liệt và toàn diện, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã có những bước bứt phá mạnh mẽ cả về cảng biển, vận tải biển.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang phát biểu và chỉ đạo tại hội nghị triển khai công tác năm 2022 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang phát biểu và chỉ đạo tại hội nghị triển khai công tác năm 2022 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã có những bước “lột xác” ngoạn mục khi từ thua lỗ trong năm 2020 đã bứt phá lãi hàng nghìn tỷ đồng trong năm 2021 và lấy lại hình ảnh là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng hải.

Lãi kỷ lục 3.750 tỷ đồng

Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC, từ một doanh nghiệp Nhà nước luôn nằm trong "top đầu" về thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản, song với việc triển khai tái cơ cấu một cách quyết liệt, toàn diện, VIMC đã có những bước bứt phá mạnh mẽ.

[Cảng biển báo lãi, vận tải biển lợi nhuận dương sau nhiều năm lỗ]

Đặc biệt, tính đến hết năm 2021, doanh thu của tổng công ty ước đạt 19.604 tỷ đồng (tăng 124% cùng kỳ 2020; đạt 129% kế hoạch 2021), lợi nhuận tăng trưởng ước đạt 3.750 tỷ đồng. Nếu như năm 2020, VIMC lỗ tới 145,3 tỷ đồng thi sang năm 2021, mức lãi đã tăng 554% kế hoạch.

VIMC tái cơ cấu thành công, lãi hàng nghìn tỷ trong năm 2021 ảnh 1Trong năm 2021, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đạt doanh thu và lợi nhuận cao nhờ khối cảng biển và vận tải biển. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ông Tĩnh cũng cho biết sau giai đoạn tái cơ cấu toàn diện (2013-2015), VIMC đã hồi phục và duy trì ổn định được năng lực sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu vận tải, lưu thông hàng hóa của quốc gia. Hiện tại, vốn hóa của VIMC trên thị trường chứng khoán tính đến ngày 31/12/2021 là 36.617 tỷ đồng. Tổng số lao động khoảng 12.447 lao động, thu nhập bình quân 16 triệu đồng/người/tháng.

Quy mô của VIMC được thu gọn, tập trung nguồn lực trong 3 lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải và phát triển các hoạt động cốt lõi, đẩy mạnh dịch vụ chuỗi, cung ứng cho khách hàng các gói dịch vụ tổng thể, ưu việt trên cơ sở liên kết và phát huy thế mạnh của các lĩnh vực chính.

Duy trì thế "kiềng ba chân"

Phát biểu tại hội nghị triển khai công tác năm 2022 của VIMC vào sáng 11/1, đánh giá cao những thành tích đáng ghi nhận trong năm 2021, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết VIMC tiền thân là Vinalines trải qua thời gian đặc biệt khó khăn, nếu như không muốn nói là "bết bát," cùng với khủng hoảng ngành vận tải biển toàn cầu.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Sang khẳng định với sự chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải, tập thể lãnh đạo viên chức người lao động VIMC đã nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn, đã tái cơ cấu thành công, phát triển vươn lên và đạt kết quả tốt như hiện nay.

Nhìn nhận vận tải biển sau nhiều năm lỗ và lần đầu tiên có lãi là nhờ được hưởng lợi từ đại dịch COVID-19 nên giá dịch vụ vận tải trên thế giới tăng cao, tác động kéo theo cước vận tải tăng lên, ông Sang cho rằng vận tải biển phải phát triển bền vững, không chỉ dựa vào “té nước theo mưa” và đặt ra vấn đề thu được lợi nhuận cao nhưng VIMC cũng phải nhìn trực diện đội tàu đã thực sự mạnh, làm ăn có lãi chưa? liệu kết quả sản xuất kinh doanh có được năm 2021 có tiếp diễn năm tới hay không?

“Nước ta có tiềm năng lợi thế có bờ biển dài nhưng phát triển vận tải biển thời gian qua là chưa xứng với tiềm năng và đây là mục tiêu quan trọng của VIMC trong thời gian tới với hình ảnh của doanh nghiệp ngành hàng hải đứng đầu cả nước cả về vận tải biển và cảng biển, dẫn dắt sự phát triển kinh tế hàng hải của cả nước đồng thời kỳ vọng vai trò mở đường trong mở rộng thị trường vận tải biển quốc tế, nhất là thị trường vận tải biển container quốc tế,” ông Sang yêu cầu.

[Bộ trưởng GTVT: 'Trải thảm' mời các nhà đầu tư vào làm cảng biển]

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Sang cũng đặt hàng với VIMC tuyến vận tải biển, ven biển Việt Nam-Trung Quốc trước tình trạng ùn tắc đường bộ xe vận tải hàng hóa ở cửa khẩu, vậy đường sắt đường biển và thủy nội địa làm gì để chia sẻ gánh nặng với đường bộ.

Cho rằng ngoài quy hoạch cảng biển, còn quy hoạch cảng cạn và đường thủy nội địa, do đó Thứ trưởng đề nghị VIMC quan tâm có cảng biển, đội tàu biển làm cơ sở để phát triển các “cánh tay nối dài” của cảng biển là các cảng cạn và đội tàu đường thủy nội địa. Cảng biển hiện “chưa có tay, chỉ có mỗi chân.”

Khẳng định thời gian tới, cảng biển vẫn tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu trong thế “chân vạc” 3 mảng cảng biển-dịch vụ vận tải-vận tải biển, Thứ trưởng yêu cầu VIMC đẩy nhanh tiến trình di dời cảng Sài Gòn, cảng Hoàng Diệu; đẩy nhanh tiến độ xây dựng bến 3 và 4 cảng Lạch Huyện; nghiên cứu quy hoạch cảng biển để đầu tư cảng biển theo định hướng trong 10-30 năm tới./.

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, năm 2021, khối vận tải biển đạt sản lượng 23 triệu tấn (tăng 102% cùng kỳ 2020; đạt 121% kế hoạch 2021). Đối với cảng biển, sản lượng hàng thông qua cảng đạt 126 triệu tấn (tăng 114% cùng kỳ 2020), sản lượng container ước đạt 5,4 triệu TEU (tăng 105% cùng kỳ).

VIMC đang khai thác gồm 15 cảng biển và 1 cảng sông với 75 cầu cảng có tổng chiều dài 13.571m, chiếm hơn 26% tổng số cầu cảng và gần 17% tổng số chiều dài cầu cảng của cả nước.

Khối vận tải biển có đội tàu gồm 64 chiếc với tổng trọng tải 1,45 triệu DWT, tuổi tàu trung bình 19 tuổi, trọng tải trung bình là 22.656 DWT/tàu, chiếm khoảng 20% đội tàu quốc gia.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục