Cảng biển báo lãi, vận tải biển lợi nhuận dương sau nhiều năm lỗ

Lần đầu tiên sau nhiều năm thua lỗ kéo dài, khối vận tải biển của Tổng công ty Hàng hải đã ghi nhận lợi nhuận dương trong năm 2021 dù bất chấp có dịch COVID-19.
Trong năm 2021, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đạt doanh thu và lợi nhuận cao nhờ khối cảng biển và vận tải biển. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Trong năm 2021, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đạt doanh thu và lợi nhuận cao nhờ khối cảng biển và vận tải biển. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trong năm 2021, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đáng ghi nhận khi khối cảng biển đồng loạt báo lãi và lần đầu tiên sau nhiều năm thua lỗ kéo dài lĩnh vực vận tải biển của Tổng công ty đã ghi nhận lợi nhuận dương.

“Ăn nên làm ra” dù COVID-19 phức tạp

Theo báo cáo của VIMC, năm 2021, doanh thu hợp nhất đạt 13.280,7 tỷ đồng (122,7% kế hoạch), trong đó Công ty mẹ đạt 1.753 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 3.363,3 tỷ đồng.

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, sản lượng vận tải biển vẫn đạt 22,8 triệu tấn (chiếm 102,2% cùng kỳ 2020; 121,2% kế hoạch 2021). Hệ thống 16 cảng biển của VIMC trên toàn quốc đã thực hiện bốc xếp trên 125 triệu tấn hàng hóa, tăng trưởng 13,5% so với năm 2020 (cao hơn mức trung bình 2% của cả nước).

Nhờ nỗ lực trong công tác thị trường, toàn hệ thống cảng VIMC đã phát triển thêm được 13 tuyến dịch vụ mới của các hãng tàu container như Maersk, MSC, Cosco, ZIM. .... Với việc mở vận tải container bằng đường biển tuyến xa của ngành hàng hải, Việt Nam sẽ chủ động trong vận tải hàng hóa, tránh bị chèn ép tăng giá cước của các hãng tàu ngoại.

Đặc biệt, lĩnh vực khai thác cảng biển vẫn tiếp tục là hoạt động mang lại hiệu quả kinh doanh cao nhất cho VIMC khi chiếm 78% tổng lợi nhuận hợp nhất (đạt 2.234,9 tỷ đồng). Trong đó, một số cảng có kết quả nổi bật như Cảng Sài Gòn, Quy Nhơn, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cam Ranh...

Ngoài ra, khối dịch vụ hàng hải đã vượt kế hoạch được giao về doanh thu (đạt 2.370 tỷ đồng, tăng 42% so với kế hoạch). Doanh thu toàn khối tăng do tăng doanh thu từ cước vận tải hàng không tăng trong đợt dịch COVID-19 và từ các dự án vận chuyển hàng điện gió.

“Các lĩnh vực hoạt động của VIMC đều hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2021 về chỉ tiêu sản lượng và doanh thu. Đặc biệt, lần đầu tiên sau nhiều năm thua lỗ kéo dài, khối vận tải biển của Tổng công ty đã ghi nhận lợi nhuận dương trong năm 2021 (lợi nhuận ước đạt 694,3 tỷ đồng),” lãnh đạo VIMC nhấn mạnh.

[Vận tải và hàng hóa qua cảng biển vẫn giữ đà tăng dù có COVID-19]

Trong bối cảnh thị trường thị trường liên tục biến động do ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, VIMC đã thường xuyên theo dõi, cập nhật, nghiên cứu, phân tích và dự báo thị trường vận tải biển, cảng biển và logistics trong nước và quốc tế để cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp vận tải biển như việc tận dụng cơ hội thị trường, điều chỉnh phương án khai thác, đàm phán nâng giá cho thuê, tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh.

Tuy nhiên, lãnh đạo VIMC thừa nhận một số tàu của các đơn vị vẫn đang cho thuê hoặc tự khai thác với mức giá cách xa với giá thị trường và thấp hơn đáng kể so với tàu cùng cỡ khác; tốc độ tăng trưởng của một số cảng còn thấp hơn mức tăng trưởng của khu vực; phát triển dịch vụ ngoài bốc xếp, dịch vụ sau cảng còn hạn chế.

Đại dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng tiêu cực làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và tình trạng thiếu vỏ container đã dẫn tới cước vận tải biển và cước hàng không tăng vọt.

Đẩy mạnh chuỗi sinh thái “kiềng 3 chân”

Theo lãnh đạo VIMC, dự báo GDP Việt Nam năm 2022 khoảng 6%, hoạt động xuất nhập khẩu dự kiến tiếp tục khởi sắc khi các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, đặc biệt các hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP, ... sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, từ đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh.

[Doanh nghiệp cảng biển đồng loạt báo lãi nhờ hoạt động xuất nhập khẩu]

Năm 2022, VIMC ưu tiên chiến lược phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng cảng biển, đặc biệt là các cảng nước sâu, cảng trung chuyển container và sẽ khởi công và triển khai xây dựng dự án bến số 3, 4 cảng container quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng); tiếp tục phát triển các dự án cảng biển tại Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng).

Cảng biển báo lãi, vận tải biển lợi nhuận dương sau nhiều năm lỗ ảnh 1VIMC cũng mở rộng và phát triển hoạt động vận tải container để kết nối với các hãng tàu lớn, để tiếp tục triển khai các tuyến. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, VIMC cũng mở rộng và phát triển hoạt động vận tải container kết nối với các hãng tàu lớn để tiếp tục triển khai các tuyến, dịch vụ mới tại khu vực và quốc tế; đẩy mạnh hợp tác để phát triển thêm hạ tầng cảng thủy nội địa và hệ thống cảng cạn nhằm hoàn thiện tổng thể chuỗi cung ứng và nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút và tăng trưởng khách hàng, nguồn hàng.

Tổng công ty đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, khách hàng, lan tỏa mạnh mẽ văn hóa “lấy khách hàng làm trung tâm", tận dụng tối đa cơ hội thị trường để nâng cao hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh phát triển dịch vụ chuỗi trên nền tảng hệ sinh thái “kiềng 3 chân” gồm cảng biển-vận tải biển-dịch vụ hàng hải./.

Đội tàu biển của VIMC gồm 64 chiếc với gần 4.000 thuyền viên vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, đặc biệt là đối với các thuyền viên khi thời gian làm việc trên tàu quá dài (12-18 tháng) nhưng không thể thay thế do dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến tâm sinh lý thuyền viên.

Một số doanh nghiệp vận tải biển đã có thuyền viên bị nhiễm COVID-19 trên các tàu đang hoạt động tại nước ngoài (Vitranchart, Đông Đô) nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án khi có ca F0 đã triển khai rất tốt công tác chữa bệnh cho thuyền viên ngay cả khi không được lên bờ nên hoạt động của các tàu không bị gián đoạn hải trình.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục