Tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách đạt trên 197.000 tỷ đồng

Trong thời gian qua Đảng bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội đã chỉ đạo các chi nhánh tập trung giải ngân vốn tín dụng kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng.
Tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách đạt trên 197.000 tỷ đồng ảnh 1Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng và các đại biểu tại hội nghị. (Ảnh: CTV)

Báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết, tính đến hết tháng Sáu, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách dự kiến đạt trên 212.000 tỷ đồng, tăng 17.780 tỷ đồng (9,1%) so với cuối năm 2018.

Trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 14.130 tỷ đồng, tăng 2.321 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt trên 197.000 tỷ đồng, tăng 9.501 tỷ đồng so với cuối năm 2018; trong đó, dư nợ theo chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao đạt trên 172.000 tỷ đồng, tăng 7.677 tỷ đồng, hoàn thành 68,2% kế hoạch tăng trưởng được giao với gần 6,6 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ.

[Nguồn vốn tín dụng chính sách tạo sinh kế bền vững cho thanh niên]

Doanh số cho vay đạt 36.500 tỷ đồng, vốn tín dụng giúp cho trên 940.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần tạo việc làm cho trên 102.000 lao động, xây dựng trên 627.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, giúp gần 8.000 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập.

Đó là thông tin được Ngân hàng Chính sách Xã hội báo cáo tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội Trung ương lần thứ 19, nhiệm kỳ 2015-2020.

Để có được kết quả trên là do trong thời gian qua Đảng bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội đã chỉ đạo các chi nhánh tập trung giải ngân vốn tín dụng kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng.

Về báo cáo sơ kết 03 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nguồn vốn chính sách đã giúp cho gần 6,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để sản xuất kinh doanh, góp phần tạo việc làm cho trên 650.000 lao động, xây dựng hơn 4 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, trên 180.000 lượt học sinh sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập...

Tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách đạt trên 197.000 tỷ đồng ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Các ý kiến thảo luận tại hội nghị đều thống nhất nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2019 là tiếp tục chỉ đạo các chi, Đảng bộ trực thuộc, chuyên môn và đoàn thể rà soát, triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị tham mưu tỉnh ủy/thành uỷ thực hiện tốt việc tổ chức sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40. Chủ động khai thác, huy động các nguồn vốn; tổ chức giải ngân, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo khả năng thanh toán, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2019 được Thủ tướng Chính phủ giao.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng một cách bền vững; tập trung nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch tại xã, hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, công tác uỷ thác của các tổ chức chính trị-xã hội.

Phát biểu kết luận và chỉ đạo hội nghị, ông Dương Quyết Thắng, Bí thư Đảng uỷ Ngân hàng Chính sách Xã hội Trung ương, Tổng Giám đốc đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong dự thảo các báo cáo và yêu cầu các thành viên trong Tổ soạn thảo tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời đưa dự thảo báo cáo xuống các chi, Đảng bộ trực thuộc để thảo luận và tham gia, đóng góp ý kiến để chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo được đầy đủ, hoàn chỉnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục