Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định tính an toàn của vắcxin COVID-19

Phát biểu với báo giới, Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu rõ: "Vắcxin (ngừa COVID-19) là an toàn. Hãy vì bản thân bạn, gia đình bạn, cộng đồng và đất nước... Đó là cách để chúng ta đánh bại dịch bệnh này."
Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định tính an toàn của vắcxin COVID-19 ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) trong chuyến thăm nhà máy sản xuất vắcxin ngừa bệnh COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer ở Kalamazoo, Michigan, Mỹ, ngày 19/2/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 19/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tận dụng chuyến thăm tới nhà máy sản xuất vắcxin ngừa bệnh COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer ở bang Michigan để trấn an người dân rằng chế phẩm này là an toàn và có vai trò then chốt trong việc đẩy lùi đại dịch nguy hiểm này.

Phát biểu với báo giới, Tổng thống Biden nêu rõ: "Những vắcxin (ngừa COVID-19) là an toàn. Hãy vì bản thân bạn, gia đình bạn, cộng đồng và đất nước, hãy tiêm vắcxin khi đến lượt và chúng đã sẵn có. Đó là cách để chúng ta đánh bại dịch bệnh này."

Theo ông, các công ty sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 đều rất thận trọng vì công tác kiểm tra độ an toàn của vắcxin còn mất nhiều thời gian hơn việc sản xuất chúng. Do đó, ông nhấn mạnh "nếu có một thông điệp muốn gửi đến mọi người dân trên cả nước, đó là vắcxin là an toàn."

Cũng theo Tổng thống Biden, chương trình tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 cũng không kém phần phức tạp so với những thách thức đối với việc sản xuất vắcxin với khối lượng lớn trong thời gian ngắn.

Ông cho biết nước Mỹ đang trên đà vượt mục tiêu mà ông đặt ra là tiêm chủng 100 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 trong 100 ngày đầu tiên nhậm chức kể từ ngày 20/1, với mức trung bình hiện tại là 1,7 triệu liều vắcxin được tiêm mỗi ngày.

Với số ca tử vong do COVID-19 dự báo sẽ sớm vượt 500.000 người ở Mỹ, Tổng thống Biden cho biết ông không muốn đưa ra dự đoán về thời điểm cuộc khủng hoảng sẽ được kiểm soát.

[Dịch COVID-19 sáng 20/2: Toàn thế giới có trên 111 triệu ca mắc]

Tuy nhiên, ông nói rằng 600 triệu liều vắcxin - đủ để cung cấp cho đa số người dân trên cả nước Mỹ - dự kiến sẽ sẵn sàng đưa vào tiêm chủng vào cuối tháng 7 tới.

Kể từ khi nhậm chức, ông Biden đã đặt mua thêm 100 triệu liều vắcxin của Pfizer/BioNTech, nâng tổng số lên 300 triệu liều, đủ cho 150 triệu người. Vắcxin ngừa COVID-19 của Pfizer và Moderna (Mỹ) đều phải tiêm hai mũi.

Cùng ngày, Thủ tướng Hungary Victor Orban kêu gọi người dân tiêm vắcxin ngừa COVID-19, đồng thời cảnh báo quốc gia này đang trải qua đỉnh dịch của làn sóng dịch thứ ba.

Phát biểu trên đài phát thanh địa phương MR1, Thủ tướng Orban nhấn mạnh nhiều người sẽ được cứu sống nếu càng có thêm nhiều người được tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19. Điều này sẽ phần nào giúp ngăn đường cong dịch bệnh đi lên.

Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định tính an toàn của vắcxin COVID-19 ảnh 2Tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 tại Budapest, Hungary, ngày 12/2/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cho đến nay, đã có 391.821 người ở Hungary được chủng ngừa ít nhất một mũi vắcxin và tất cả những người đã đăng ký sẽ được chủng ngừa trước Lễ Phục sinh. Ông nêu rõ: "Chúng ta sở hữu kho vắcxin lớn nhất ở Liên minh châu Âu. Vì vậy, tôi khuyến khích mọi người đăng ký, tiếp nhận vắcxin và đi tiêm chủng."

Trong ngày 19/2, Hungary ghi nhận 3.093 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên 397.116 ca.

Trong 24 giờ qua, nước này cũng ghi nhận thêm 110 người tử vong do COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi lên 14.145 người. Hiện tại, 4.024 bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện, trong đó có 352 phải thở máy.

Hungary đã cấp phép việc sử dụng vắcxin Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga cùng các vắcxin của Đại học Oxford/AstraZeneca (Anh), Sinopharm (Trung quốc) và Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức) và Moderna (Mỹ).

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Croatia đã tiến hành các cuộc đàm phán ban đầu để mua vắcxin Sputnik V của Nga dù chế phẩm này vẫn chưa được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) chấp thuận.

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic cho biết nước này muốn tìm kiếm các cơ hội khác để mua các loại vắcxin tiềm năng, như Sputnik V, vì việc phân phối vắcxin đã bị chậm ở cấp Liên minh châu Âu (EU).

Ông Plenkovic nêu rõ: "Nếu vắcxin này được EMA chấp thuận, chúng tôi muốn mua để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt hiện nay."

Croatia đã đặt hàng 1,9 triệu liều vắcxin của Pfizer, 1 triệu liều vắcxin của Moderna, 2,7 triệu liều vắcxin của của Đại học Oxford/AstraZeneca và 900.000 liều vắcxin bổ sung từ Johnson&Johnson (Mỹ). Hiện nước này đã bắt đầu thủ tục đăng ký tiêm chủng tại EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục