Tổng thống Mỹ Trump không từ bỏ cuộc chiến chống Iran?

Theo bài viết mới trên trang Bloomberg, một trong những tranh cãi phổ biến nhất chống lại quyết định rút lực lượng Mỹ khỏi Syria của Tổng thống Donald Trump là điều này sẽ củng cố sức mạnh của Iran.
Tổng thống Mỹ Trump không từ bỏ cuộc chiến chống Iran? ảnh 1Binh sỹ Mỹ tuần tra tại Al-Darbasiyah, khu vực biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 4/11/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo bài viết mới đây trên trang bloomberg.com, một trong những tranh cãi phổ biến nhất chống lại quyết định rút lực lượng Mỹ khỏi Syria của Tổng thống Donald Trump là điều này sẽ củng cố sức mạnh của Iran.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người vừa có chuyến công du Trung Đông kéo dài một tuần, đã đưa ra một tình huống đáng lưu ý lý giải tại sao điều này sẽ không xảy ra.

Tại cuộc họp nội các diễn ra hồi tuần trước, chính ông Trump đã tự chỉ trích bản thân khi ông nhận thấy rằng Iran đã sẵn sàng “làm những gì họ muốn” tại Syria. Tuy nhiên, nhận định của ông đơn thuần chỉ là miêu tả, chứ không phải là dự đoán những gì sẽ xảy ra khi lược lượng Mỹ rời khỏi Syria.

Và trong một cuộc phỏng vấn 2 ngày sau cuộc họp nội các nói trên, ông Pompeo nhấn mạnh rằng nước Mỹ vẫn duy trì cam kết phản đối Iran và triển khai việc rút quân khỏi Syria - và tiến tới một chiến lược chống lại Iran lớn hơn trên toàn khu vực.

Trao đổi với báo giới, ông nói: “Chiến dịch này chưa hề thay đổi chút nào. Một phần của nó đang được điều chỉnh, việc cắt giảm lực lượng tại Syria đang được thay đổi, tuy nhiên sứ mệnh đặt ra không hề thay đổi chút nào.” Nước Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực để giảm sự ảnh hưởng của Iran tại Syria, Iraq, Liban và Yemen.

Vài tuần trước, tuyên bố của ông Pompeo có vẻ “ngây thơ.” Song, hóa ra việc Mỹ rút quân khỏi Syria không kịch tính như dự đoán ban đầu.

Tờ The Wall Street Journal không cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang yêu cầu Mỹ tiếp tục cung cấp hỗ trợ hậu cần, vận chuyển và các cuộc không kích ngay khi quân đội nước này chuẩn bị tiến vào Syria.

Ngoại trưởng Pompeo lưu ý rằng chiến dịch chống lại Iran tại Syria và khu vực rộng lớn hơn có nhiều thành tố, một vài trong số đó được công khai: ví dụ như lệnh trừng phạt đối với hầu hết các ngân hàng và lĩnh vực dầu khí của Iran và những nỗ lực ngoại giao nhằm ép các quốc gia châu Âu nghiêm túc nhìn nhận các vụ khủng bố và âm mưu ám sát bị phát giác gần đây của Iran.

Tuy nhiên, cựu Giám đốc CIA cũng đã bóng gió về một vài nhân tố khác. “Có nhiều điều đang diễn ra một cách công khai, nhưng cũng có nhiều hoạt động khác đang diễn ra,” ông Pompeo nói.

Chuyến công du Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ có điểm đến là Jordan, Ai Cập, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Qatar, Saudi Arabia, Oman và Kuwait.

Một mục tiêu quan trọng của chuyến công du là tái khẳng định với các đồng minh này là Mỹ duy trì cam kết ngăn chặn sự hung hăng của Iran.

[Truyền thông: Mỹ cân nhắc khả năng duy trì một số lực lượng ở Syria]

Lời bình luận của ông Pompeo cũng có tác dụng như một sự nhắc nhở rằng ảnh hưởng của Thượng nghị sỹ Rand Paul đối với ông Trump là có giới hạn.

Thượng nghị sỹ Paul là một trong những thành viên duy nhất của đảng Cộng hòa ủng hộ những quyết định rút quân ra khỏi Afghanistan và Syria của ông Trump hồi tháng trước, đồng thời làm dấy lên những đồ đoán rằng vị Thượng nghị sỹ của bang Kentucky đã “cầm lái” chính sách đối ngoại của ông Trump.

Tình hình bây giờ không giống vậy. Như thông tin hồi năm ngoái, Paul đã hoàn toàn thất bại trong việc thuyết phục Trump khởi động một vòng đàm phán về kiểm soát vũ khí mới với Nga.

Thượng nghị sỹ Paul cũng là một người nhiệt tình ủng hộ các cuộc đàm phán với Iran, một khả năng mà Trump thi thoảng vẫn nhắc tới.

Ông Pompeo cho rằng hiện Mỹ không có kế hoạch mở rộng đàm phán. Và trong khi ông không nói rằng thay đổi chế độ Iran là chính sách của Mỹ, ông đã nói điều này: “Bài toán của nền dân chủ Iran là điều mà chúng ta đang hy vọng sẽ sửa đổi. Chúng tôi muốn tiếng nói của người dân Iran được lắng nghe, chúng tôi muốn chính phủ sẽ phản hồi những tiếng nói ấy.”

Ngoài Iran, hậu quả quan trọng nhất của việc rút quân khỏi Syria sẽ là mối quan hệ của Mỹ với người Kurd ở quốc gia này, những người đã sát cánh cùng lực lượng đặc nhiệm Mỹ chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) từ năm 2015.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đe dọa thực hiện một cuộc tấn công quân sự vào căn cứ người Kurd hồi đầu tháng 12/2018, tuy nhiên ông đã tự thay đổi ý định sau tuyên bố rút quân của ông Trump.

Tại các cuộc thảo luận cấp cao ở Ankara tháng này với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và chính phủ của ông, ông Pompeo nhấn mạnh: “Chúng ta cần có một cuộc đối thoại dài hạn với người Thổ Nhĩ Kỳ về những điều sẽ xảy ra sau rút quân.”

Theo ông Pompeo, một yếu tố trong chiến lược của Mỹ sẽ là duy trì mối quan hệ với người Kurd tại Syria. "Chúng tôi sẽ tìm kiếm mối quan hệ với họ phù hợp với mọi lợi ích của các bên. Không chỉ là mối quan hệ giữa lực lượng quân đội với quân đội mà còn là gắn kết về ngoại giao.”

Ông nói thêm: “Chúng tôi hiểu những việc làm tốt mà họ đã làm, chúng tôi đánh giá cao điều đó và chúng tôi sẽ làm mọi thứ để vinh danh điều đó.”

Người Kurd tại Syria sẽ phải đợi những thông tin chi tiết hơn về vai trò của họ trong kế hoạch lớn hơn của Mỹ tại Trung Đông. Và họ chắc chắn có lý do để lo lắng về động cơ của Mỹ.

Cho đến thời điểm hiện tại, họ có thể tìm thấy niềm vui nhỏ bé trong tuyên bố của Ngoại trưởng rằng Mỹ không có ý định phản bội họ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục