Thu hoạch vụ mùa của Nga đã đạt 153-155 triệu tấn, mức cao kỷ lục trong lịch sử hiện đại của Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết thông tin trên trong phát biểu khi ông tới thăm công ty hàng không Ulan-Ude Aviation Plant (UUAP) ngày 14/3.
Tổng thống Putin cũng nêu rõ tỷ lệ thất nghiệp tại Nga hiện ở mức thấp kỷ lục là 3,6%, thấp hơn so với tỷ lệ 4,5% trong thời gian trước đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, thu nhập ở Nga tăng nhẹ. Tất cả những yếu tố này đã góp phần dẫn đến tăng trưởng thương mại nội địa - theo nhà lãnh đạo Nga.
Ông Putin bày tỏ tin tưởng rằng các doanh nghiệp Nga có thể dễ dàng thay thế các công ty nước ngoài rút khỏi thị trường Nga.
Khi các doanh nghiệp phương Tây rời đi, họ cho rằng kinh tế Nga sẽ gặp khó khăn nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp Nga vẫn phát triển, trở nên mạnh hơn và có mạng lưới kết nối trên toàn thế giới, nhờ đó có thể dễ dàng thay thế những công ty đã rời đi - ông nhấn mạnh.
Tổng thống Putin cũng khẳng định các doanh nghiệp trong nước đã ngay lập tức đáp ứng nhu cầu hàng hóa trên thị trường, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang tăng trưởng; và các doanh nghiệp Nga "đã bắt đầu quá trình mua lại những doanh nghiệp nước ngoài."
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã quyết định rút khỏi thị trường Nga kể từ khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang. Các thương hiệu trên toàn cầu đang chịu tổn thất lớn bởi rút khỏi Nga đồng nghĩa đánh mất thị trường này - ông Putin cho biết trong tuyên bố hôm 9/2.
[Nga lần đầu tiên lọt vào top 5 đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ]
Các thương hiệu quốc tế khi rút khỏi Nga đã để lại cơ sở hạ tầng và nhân viên được đào tạo bài bản, các công ty trong nước có thể tiếp nhận các doanh nghiệp này, tận dụng cơ hội để mở rộng quy mô sản xuất và hoạt động kinh doanh - Tổng thống Nga lưu ý.
Tổng thống Putin nhận định nền kinh tế Nga đã vượt qua được những tác động tồi tệ nhất của các lệnh trừng phạt và sẽ tăng trưởng nhẹ trong năm nay.
Đầu tháng Ba này, hãng tin Bloomberg đã có bài viết nhận định Nga thành công vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Bloomberg ngày 4/3 dẫn lời một nguồn tin ngoại giao cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng Liên bang Nga nhìn chung đã thành công trong việc lách luật trừng phạt của EU, và kim ngạch nhập khẩu của nước này phần lớn đã trở lại "mức trước chiến tranh" năm 2020.
Sau khi nổ ra chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có nhằm vào Nga với hy vọng "làm suy yếu nền kinh tế nước này."
Tuy nhiên, theo Bloomberg, các phân tích dữ liệu thương mại cho thấy "tác động thực sự ở một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với những gì giới chức phương Tây có thể đã hy vọng."
Bloomberg chỉ ra rằng bề ngoài, các biện pháp trừng phạt dường như có hiệu quả khi nền kinh tế Nga bị thu hẹp, nhiều ngân hàng và công ty của nước này bị loại khỏi các hệ thống thương mại và tài chính quốc tế.
Tuy nhiên, Moskva đã thay thế hầu hết các sản phẩm mà họ cần, kể cả những sản phẩm công nghệ cao - theo phân tích của Cơ quan giám sát Thụy Sĩ Trade Data Monitor.
Nga vẫn nhận được hầu hết hàng hóa mà mình cần chủ yếu thông qua tái xuất khẩu từ Cộng đồng các Quốc gia Độc lập và Trung Quốc, và trong số các quốc gia đã tăng xuất khẩu sang Nga hàng nghìn phần trăm mỗi năm có Thổ Nhĩ Kỳ và Serbia.
Một số báo cáo hồi tháng Hai nhận định kinh tế Nga vẫn vững vàng trước các lệnh trừng phạt của phương Tây trong năm ngoái, nhưng có thể mất nhiều thời gian mới quay về mức trước khi xảy ra xung đột với Ukraine.
Nhà phân tích Grigory Zhirnov của kênh My Investments Telegram cho rằng kinh tế Nga sẽ không đạt quy mô của năm 2021 cho đến năm 2025, và quy mô kinh tế có thể đạt được vào năm ngoái nếu không xảy ra xung đột sẽ bị đẩy lùi đến 10 năm tới.
Bộ Tài chính Nga cam kết sẽ không để tình trạng thâm hụt ngân sách mất kiểm soát, nhưng việc thâm hụt ngân sách khiến khả năng chi của Nga trong tương lai có nguy cơ giảm và làm tăng rủi ro lạm phát./.