TP. Hồ Chí Minh sắp có 2 tuyến vận tải đường thủy nội địa

Mục tiêu của 2 tuyến vận tải đường thủy nội địa là phục vụ nhu cầu đi lại của người dân thành phố, hỗ trợ cho hệ thống giao thông đường bộ vốn đã quá tải và phát triển du lịch đường thủy.

Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh vừa trình Ủy ban Nhân dân thành phố phương án đầu tư dự án vận tải khách công cộng bằng đường thủy trên địa bàn theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOO) do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thường Nhật đề xuất.

Theo đó, dự án đi qua địa bàn các quận: 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Thạnh và Thủ Đức, trên các tuyến sông Sài Gòn, kênh Thanh Đa, rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hũ.

Dự án có tổng vốn đầu tư đề xuất 124,5 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của doanh nghiệp là 20%, còn lại là thuê mua tài chính và tín dụng.

Mục tiêu của 2 tuyến vận tải đường thủy nội địa là phục vụ nhu cầu đi lại của người dân thành phố, hỗ trợ cho hệ thống giao thông đường bộ vốn đã quá tải và phát triển du lịch đường thủy.

Ngoài ra, việc triển khai dự án còn nhằm khai thác lợi thế về mạng lưới giao thông đường thủy khá phát triển tại thành phố (tổng chiều dài đường thủy có thể khai thác vận tải khoảng 1.000km).

Tuyến số 1 (Bạch Đằng-Linh Đông), dài 10,8 km, lộ trình từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa, ra lại sông Sài Gòn đến khu vực phường Linh Đông (quận Thủ Đức) tại vị trí bến khách ngang sông Bình Quới và ngược lại.

Tuyến có 7 bến đón trả khách. Trong khi đó tuyến số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm), dài khoảng 10,3 km, có lộ trình từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hũ đến khu vực bến Lò Gốm (phường 7, quận 6) và ngược lại. Tuyến số 2 cũng có 7 bến trả đón khách.

Cũng theo đề xuất trên, giai đoạn từ nay đến 2020 đầu tư 10 phương tiện có sức chứa 60 chỗ cho tuyến số 1 và 30 chỗ cho tuyến số 2; giai đoạn tiếp theo sẽ đầu tư phương tiện có sức chứa lớn hơn phù hợp với nhu cầu vận hành trên tuyến.

Dự tính nếu được thông qua thì dự án sẽ được thực hiện từ năm 2015 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2016.

Ủy ban nhân dân các quận huyện nơi dự án đi qua cơ bản thống nhất và ủng hộ nhà đầu tư thực hiện dự án, đồng thời đề nghị cần rà soát cụ thể và chỉ rõ từng vị trí bến làm cơ sở cho việc thỏa thuận địa điểm, khả năng kết nối với giao thông với các loại hình giao thông công cộng khác; trong đó xem xét sự phù hợp tại các vị trí bến: Sài Gòn Pearl, Lò Gốm và Vân Đồn.

Đối với khu đất làm Bến Trung tâm tại địa chỉ số T.21, khu phố 3, đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, Sở Tài nguyên Môi trường thành phố cho rằng cần xem xét kỹ lưỡng vì đây là khu đất do Công ty Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên  Đóng tàu và Công Nghiệp Hàng Hải Sài Gòn thuê của thành phố, sau đó giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đóng tàu Bình Triệu quản lý khai thác sản xuất đóng tàu.

Đến nay hợp đồng thuê đất đã hết hạn, đồng thời, khu đất thuộc trường hợp phải di dời do ô nhiễm môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục