TP Hồ Chí Minh tìm nguồn vốn triển khai dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 9.352 tỷ đồng, với 2.135 hộ dân bị ảnh hưởng; trong đó, giải phóng toàn phần 915 hộ, kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng khoảng 4.859 tỷ đồng.
TP Hồ Chí Minh tìm nguồn vốn triển khai dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm ảnh 1Rạch Xuyên Tâm, đoạn qua địa bàn quận Bình Thạnh, bị ô nhiễm trầm trọng. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Ngày 24/4, đoàn kiểm tra hiện trạng rạch Xuyên Tâm do ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu đã làm việc với các sở, ngành, đơn vị liên quan để tìm phương án huy động vốn triển khai dự án cải tạo tuyến rạch nội đô này.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đầu tư dự án, cho biết Rạch Xuyên Tâm dài 8,2km từ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đến sông Vàm Thuật gồm 3 tuyến nhánh: cầu Sơn, Bình Triệu và Bình Lợi đi qua địa bàn quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp. Để triển khai dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm, Thành phố sẽ cải tạo xây kè bảo vệ bờ, làm đường giao thông 4 làn xe hai bên rạch, xây dựng hệ thống thu gom nước thải đáp ứng thoát nước với phạm vi lưu vực 703ha.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 9.352 tỷ đồng, với 2.135 hộ dân bị ảnh hưởng; trong đó, giải phóng toàn phần  915 hộ, kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng khoảng 4.859 tỷ đồng.

TP Hồ Chí Minh tìm nguồn vốn triển khai dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm ảnh 2Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong kiểm tra hiện trạng rạch Xuyên Tâm. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Về cơ chế tìm nguồn vốn thực hiện, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay trước đây do hạn chế ngân sách nên Thành phố chủ trương cho doanh nghiệp tư nhân tham gia nghiên cứu và doanh nghiệp đề xuất thực hiện theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao).

Tuy nhiên, hiện nay theo quy định, hình thức đầu tư các dự án BT mới đã dừng nên các sở, ngành của Thành phố đang nghiên cứu, tham mưu phương án phù hợp theo hình thức đầu tư công.

Do vốn trung hạn của Thành phố không đủ nên sẽ kiến nghị Trung ương hỗ trợ thêm đối với phần chi phí đền bù, tái định cư; phần xây dựng sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia.

Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh việc triển khai dự án sẽ giúp thay đổi bộ mặt đô thị quận Bình Thạnh và Gò Vấp, tổ chức lại dân cư hai bên rạch, giảm ô nhiễm môi trường, ngập nước, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Hiện nay, việc triển khai dự án rất bức thiết, người dân đang mong mỏi, chờ đợi và đồng tình ủng hộ. Để có nguồn vốn thực hiện dự án, cần tính phương án đấu giá quỹ đất công, tổ chức các điểm du lịch vui chơi dọc tuyến rạch để thu hút du lịch.

Thành phố sẽ cân đối nhiều nguồn vốn chứ không chỉ dựa vào ngân sách địa phương và triển khai sớm; trong đó, sử dụng nguồn lực đất đai, tiền sử dụng đất của một số dự án chưa hoàn thành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục