TP.HCM hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết thỏa đáng vấn đề lao động

Các doanh nghiệp đã đưa ra gần 100 câu hỏi trực tiếp và bằng văn bản có nội dung liên quan đến đào tạo, nguồn nhân lực, giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
TP.HCM hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết thỏa đáng vấn đề lao động ảnh 1Ông Phạm Trung Kiên, Trưởng phòng Đăng ký Đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp tại hội nghị. (Ảnh Xuân Anh/TTXVN)

Sáng 12/10, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa Doanh nghiệp và Chính quyền thành phố.

Hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn liên quan việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lao động, việc làm, an toàn lao động và giáo dục nghề nghiệp.

Hội nghị thu hút hơn 350 doanh nghiệp tham dự với gần 100 câu hỏi trực tiếp và bằng văn bản, nội dung xoay quanh các vấn đề về chính sách liên quan đến đào tạo, nguồn nhân lực, giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Các chính sách hợp đồng lao động; đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề; thử việc, trợ cấp thôi việc; di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; bảo mật thông tin trong quan hệ lao động; danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; kỷ luật lao động; khám bệnh nghề nghiệp... cũng được quan tâm.

Theo ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, Hội nghị lần này hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong việc thực thi các chính sách liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm, an toàn lao động và giáo dục nghề nghiệp.

[Thành phố Hồ Chí Minh cắt, giảm lao động ở nhiều ngành nghề]

Hội nghị còn là dịp cung cấp, thông tin về một số nội dung mới tại Nghị định số 70/2023/NĐ-CP ngày 18/9/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020, quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Bên cạnh hai hình thức đối thoại trực tuyến thông qua website https://doithoaidn.hochiminhcity.gov.vn và trực tiếp thông qua các hội nghị đối thoại, hoạt động đối thoại của thành phố chú trọng các hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến để có thể kết nối, chia sẻ thông tin với cộng đồng các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

"Trong trường hợp câu hỏi vượt quá thẩm quyền, chúng tôi sẽ tập hợp và gửi các kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền để trả lời, sau đó sẽ phản hồi về cho doanh nghiệp bằng văn bản hoặc thư điện tử," ông Trần Phú Lữ chia sẻ.

Từ năm 2009 đến nay, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hơn 20 hội nghị đối thoại trực tiếp và trực tuyến, thu hút hơn 5.100 doanh nghiệp tham dự.

Hơn 1.900 câu hỏi của doanh nghiệp về các vấn đề liên quan lĩnh vực lao động, việc làm, an toàn lao động, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội... đã được trả lời tại các hội nghị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục