TP.HCM: Truyền thông phải đi trước và song hành cùng các chính sách

Thời gian qua, Thông tấn xã Việt Nam đã luôn ưu tiên nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền về TP.HCM, trong đó đặc biệt chú trọng công tác truyền thông, thông tin đối ngoại về cơ chế, chính sách.
TP.HCM: Truyền thông phải đi trước và song hành cùng các chính sách ảnh 1Quang cảnh Tọa đàm. (Ảnh: Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh)

Góp phần định hướng và tạo đồng thuận của xã hội trong thực hiện các chủ trương, chính sách lớn, báo chí rất cần chất liệu từ thực tiễn và sự chủ động cung cấp thông tin của cơ quan chức năng.

Việc chủ động cung cấp thông tin của cơ quan chức năng, tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan báo chí tiếp cận thông tin chính thống một cách nhanh chóng, đầy đủ là rất quan trọng.

Đây là nội dung được nhấn mạnh tại Tọa đàm "Phát huy vai trò báo chí, xuất bản thực hiện các Nghị quyết về phát triển Thành phố Hồ Chí Minh" do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Thành phố phối hợp tổ chức ngày 2/11.

Thời gian qua, Trung ương ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển Thành phố, gần đây nhất là Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ Chính trị cũng ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là điểm nhấn, đầu tàu cho cả khu vực Đông Nam Bộ phát triển; Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố nhanh chóng xây dựng chương trình hành động và triển khai kế hoạch thực hiện các Nghị quyết với lộ trình thực hiện rõ ràng; kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa các Nghị quyết thành chương trình hành động, giải pháp thực hiện.

Công tác truyền thông chính sách nói chung và truyền thông về Nghị quyết phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đã được các cơ quan báo chí tại Thành phố chú trọng thực hiện với nội dung, hình thức thông tin đa dạng, sinh động.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh các Nghị quyết được Trung ương, Quốc hội ban hành về phát triển Thành phố thể hiện sự thống nhất với ý chí và quyết tâm cao, sự tin tưởng, đặt niềm tin đối với Thành phố.

Các cơ quan báo chí-xuất bản có vai trò quan trọng trong công tác truyền thông về các Nghị quyết, chính sách này.

Đây là kênh để Đảng bộ, chính quyền, các cấp, ngành tiếp nhận sáng kiến, hiến kế từ chuyên gia, doanh nghiệp, người dân, tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy ý chí, quyết tâm, đoàn kết, năng động, sáng tạo với ý thức, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Đồng thời, là kênh trao đổi hai chiều ghi nhận ý kiến đóng góp, thu hút đầu tư và người tài, gắn với xây dựng một hình ảnh tích cực về chính quyền Thành phố năng động.

[Báo chí với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong Chuyển đổi Số]

Ở góc độ quản lý Nhà nước, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng cũng nhìn nhận, để nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách, cơ quan chuyên môn cần chủ động cung cấp thông tin về quá trình xây dựng, kết quả triển khai chính sách đến cơ quan báo chí.

Tuy nhiên, Thành phố còn điểm “nghẽn” trong việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí.

TP.HCM: Truyền thông phải đi trước và song hành cùng các chính sách ảnh 2Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Truyền thông-Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu. (Ảnh: Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh)

Nhấn mạnh vai trò quan trọng cũng như hiệu quả từ công tác truyền thông chính sách, đưa các Nghị quyết đưa vào cuộc sống thông qua báo chí, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam cho rằng báo chí là công cụ quan trọng trong việc truyền thông, tạo sự đồng thuận chung trong xã hội cùng thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển chung của Thành phố.

Để công tác truyền thông phát huy hiệu quả cao nhất, thông tin báo chí phải có tính liên tục, tạo thành “vệt,” tuyến thông tin dài hạn từ trước, trong và sau khi chính sách, nghị quyết đi vào cuộc sống.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết thời gian qua, Thông tấn xã Việt Nam đã luôn ưu tiên nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền về Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó đặc biệt chú trọng công tác truyền thông, thông tin đối ngoại về cơ chế, chính sách phát triển mới cho Thành phố.

Với thế mạnh là cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực, nhiều tờ báo đối ngoại quốc gia, Thông tấn xã Việt Nam đã đẩy mạnh mảng thông tin đối ngoại về thành phố với số lượng hàng ngàn tin, bài mỗi năm ở nhiều ngữ khác nhau. Qua đó, góp phần lan tỏa sâu rộng hơn nữa các cơ chế, chính sách này đến cộng đồng, doanh nghiệp quốc tế; góp phần thu hút nguồn lực từ nước ngoài tham gia đóng góp cho sự phát triển của Thành phố.

Từ thực tiễn, ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng truyền thông rất cần thiết, phải đi trước và song hành cùng chính sách để vừa tuyên truyền, vừa vận động, vừa lắng nghe, vừa tương tác, từ đó hoàn thiện chính sách một cách bài bản, khoa học.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác truyền thông chính sách, cơ quan báo chí còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn thông tin chính thức. Thành phố cần quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế để các cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ như có cơ chế cung cấp thông tin, đặt hàng, hỗ trợ chuyển đổi số...

Để tăng tính hiệu quả công tác truyền thông chính sách, bên cạnh ý kiến của chuyên gia, trước những sự việc quan trọng, các cấp lãnh đạo cần xuất hiện nhiều hơn trên báo chí trao đổi một cách đầy đủ, cụ thể để người dân hiểu, tin tưởng.

TP.HCM: Truyền thông phải đi trước và song hành cùng các chính sách ảnh 3Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM tham luận tại tọa đàm. (Ảnh: Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh)

Nhận định những chính sách mới luôn tạo ra sự tranh luận trái chiều, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh niên cho rằng việc chủ động cung cấp thông tin giữ vai trò quyết định đến thành công của truyền thông chính sách. Trong đó, định hướng thông tin cung cấp phải rõ ràng và có chiều sâu, kế hoạch dài hơi, nội dung cụ thể; việc cung cấp thông tin cần chủ động, nhất quán và xuyên suốt...

Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, công tác truyền thông chính sách, nghị quyết cần được nghiên cứu đổi mới nội dung và hình thức, làm sao truyền tải thông tin đơn giản, dễ hiểu.

Ngoài ra cần tích cực thông tin về những mô hình, cách làm hay, sáng tạo liên quan đến quá trình thực hiện các Nghị quyết về phát triển Thành phố Hồ Chí Minh để nhân rộng.

Cùng với đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với kinh tế số và kinh tế báo chí truyền thông, các cơ quan báo chí cần chú trọng nâng cao năng lực, bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ để thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách, nhất là đội ngũ nhà báo phải nhạy bén, thông tin nhanh, phản biện đúng, trúng, góp phần đưa chính sách đi vào cuộc sống.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê đồng tình với kiến nghị của các cơ quan báo chí cho rằng cơ quan, đơn vị của Thành phố cần tạo điều kiện tốt hơn nữa cho báo chí tiếp cận thông tin, kịp thời phản ánh, truyền thông hiệu quả kết quả, nội dung thực hiện chính sách nói chung, Nghị quyết về phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Đơn cử, cùng với các buổi họp báo của Thành phố hằng tuần, sở, ngành Thành phố nên tổ chức cuộc gặp gỡ báo chí hàng tháng cung cấp thông tin một cách đầy đủ, rõ nét nhất về hoạt động chuyên môn, thông qua báo chí chuyển tải thông tin rộng rãi đến nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục