"Trái tim châu Âu'' khó khăn đối phó với khủng hoảng kép

Bỉ đã phải khó khăn đối phó với cuộc khủng hoảng y tế lớn chưa từng có, nay lại càng khó khăn hơn với cuộc khủng hoảng chính trị vô cùng bế tắc trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 mới đã xuất hiện.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện Ixelles ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện Ixelles ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Không nằm ngoài xu hướng tái bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại châu Âu, Vương quốc Bỉ đang đối mặt với số người nhiễm bệnh gia tăng và có dấu hiệu tăng rất nhanh.

Cùng với đó, Bỉ hiện đang phải gấp rút thành lập một chính phủ chính thức vì chính phủ khẩn cấp chống dịch của nữ Thủ tướng Sophie Wilmès sẽ chấm dứt quyền hạn vào ngày 1/10.

Đây là hai thách thức lớn nhất mà đất nước được mệnh danh là "trái tim châu Âu" này đang đối mặt.

Số ca mắc COVID-19 ở Bỉ hiện đã cao gấp đôi so với nửa cuối tháng 8. Trong một tuần trở lại đây, trung bình mỗi ngày có thêm gần 1.300 ca nhiễm mới, tăng 62%.

Đỉnh điểm như ngày 20/9 ghi nhận 1.717 ca nhiễm mới, một con số kỷ lục bởi trong giai đoạn đỉnh điểm của làn sóng dịch đầu tiên hồi tháng 3-4, số ca nhiễm theo ngày ở Bỉ chỉ khoảng 300.

Trung tâm xử lý khủng hoảng quốc gia Bỉ thông báo tính đến ngày 22/9, số trường hợp mắc COVID-19 tại Bỉ là hơn 102.000 người.

Bỉ hiện đứng thứ bảy châu Âu về tỷ lệ người nhiễm bệnh trên 100.000 dân trong hai tuần qua, với 93 ca, khiến quốc gia này xuất hiện trên bản đồ bệnh dịch châu lục với màu cam đậm.

Tây Ban Nha là quốc gia châu Âu ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm COVID-19 nhất với 292 ca trên 100.000 dân trong 14 ngày. Tiếp theo là Pháp (172 ca), Cộng hòa Séc (166 ca), Luxembourg (130 ca), Malta (127 ca) và Hungary (94 ca).

Tuy nhiên, Bỉ là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 theo đầu người cao nhất thế giới. Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người ở đất nước khoảng 11,5 triệu dân này.

Theo tính toán của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), Bỉ có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 trên dân số cao thứ hai thế giới với 86 người trên mỗi 100.000 dân, chỉ sau Peru với 94 người/100.000 dân.

"Trái tim châu Âu'' khó khăn đối phó với khủng hoảng kép ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng COVID-19 tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Có thể nói các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt với lệnh cách ly diện rộng được áp dụng tại Bỉ từ sau khi phát hiện ca mắc đầu tiên ngày 4/2 đã mang lại hiệu quả đáng khích lệ.

Sau hơn 3 tháng áp dụng phong tỏa, tốc độ lây lan virus giảm, có tuần trung bình chỉ còn khoảng 100 trường hợp nhiễm bệnh mỗi ngày, nhờ đó tới mùa Hè, bệnh dịch đã được khống chế đáng kể.

Bỉ bước vào giai đoạn thứ tư của quá trình nới lỏng các hạn chế từ đầu tháng 7, người dân được ra ngoài khá thoải mái. Tuy nhiên, chỉ số nhiễm bệnh đã tăng mạnh khi học sinh, sinh viên bắt đầu trở lại trường học và mùa Thu đến, cùng với đó là sự chủ quan và buông lỏng do tình trạng mệt mỏi của người dân, nhất là giới trẻ.

Cuối tháng 8, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã đưa thủ đô Brussels của Bỉ vào danh sách các vùng cảnh báo đỏ (cao nhất) về mức độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

ECDC quy định những khu vực có mức độ lây nhiễm trên 120 ca/100.000 dân trong vòng 2 tuần sẽ bị đưa vào danh sách cảnh báo đỏ này.

Chuyên gia dịch tễ học người Bỉ Emmanuel André đánh giá quá trình mở cửa trở lại, trong đó nhiều người Bỉ trở về nhà sau các chuyến du lịch, và năm học mới bắt đầu, đã tác động đến sự lây lan của virus.

Đơn cử ngày 16/9, tỉnh Tây Flandre có tới 77 thanh niên đi du lịch từ Bồ Đào Nha trở về có kết quả dương tính với virus SARS-Cov-2.

[Thế giới có 7,4 triệu ca nhiễm COVID-19 đang cần được điều trị]

Trong khi đó, theo thống kê của vùng Wallonie và Brussels (Cộng đồng nói tiếng Pháp của Bỉ), sau hơn 2 tuần mở cửa trường học trở lại, vùng này ghi nhận 310 học sinh và 44 giáo viên, nhân viên nhà trường bị nhiễm virus SARS-Cov-2.

Chuyên gia André cho rằng đây là một thời điểm quan trọng và cả giai đoạn này cho đến mùa Đông và mùa Xuân năm sau, mọi người sẽ chứng kiến sự bùng phát trở lại của virus.

Theo ông André, hiện có hai lý do để lo lắng và cảnh giác. Thứ nhất, số người nhiễm mới tại Bỉ đang tăng hằng ngày, có dấu hiệu tăng cấp số nhân. Thứ hai là hệ thống xét nghiệm và truy vết đang áp dụng đã quá tải bởi dòng người trở về từ nước ngoài đông, dẫn tới việc không kiểm soát được với hệ thống hiện tại.

Chuyên gia André nhấn mạnh toàn bộ chiến lược của Bỉ phải tập trung vào việc không để tình trạng dịch bệnh vượt quá tầm kiểm soát. Các biện pháp tiếp theo vẫn phải tuân thủ việc bảo đảm giãn cách xã hội và đeo khẩu trang hay hạn chế số người tiếp xúc, bởi phải kiểm soát ổn định dịch thì mới Bỉ mới có thể thực hiện khôi phục kinh tế-xã hội.

Trong khi đó, nhà dịch tễ học Yves Coppieters, giảng viên Trường đại học ULB, chỉ ra số người mắc COVID-19 tăng mạnh, tuy nhiên số ca bệnh chủ yếu liên quan đến những người dưới 50 tuổi (trong độ tuổi 20-40), những người phát các dạng bệnh ít nghiêm trọng hơn, ít triệu chứng hơn.

Mặc dù vậy, tỷ lệ những người bệnh trong độ tuổi 10-19 và 50-59 cũng tăng, đồng thời virus vẫn không buông tha những người trên 60 tuổi. Ngoài ra, những trẻ nhỏ tuổi nhất cũng có thể mắc các dạng bệnh nặng, như trường hợp bé gái 3 tuổi tử vong do COVID-19 ở Bỉ.

Trước diễn biến dịch phức tạp này, Hội đồng An ninh quốc gia Bỉ lên kế hoạch họp vào ngày 23/9 để xem xét, cân nhắc đưa ra các biện pháp ứng phó. Người phát ngôn của Trung tâm xử lý khủng hoảng Bỉ Benoit Ramacker lưu ý rằng các quyết định của hội đồng chỉ có thể mang lại hiệu quả nếu tất cả mọi người cùng hành động một cách thống nhất.

Ông Ramacker nhấn mạnh mỗi cá nhân phải hành động vì an toàn và sức khỏe của chính mình cũng như của những người khác, tinh thần này luôn luôn cần được nêu cao trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, trước những thay đổi của các biện pháp giãn cách xã hội, nhiều người dân Bỉ vẫn không hiểu họ có thể và không thể làm gì. Chưa kể với những người buông xuôi, đối với họ thì những biện pháp y tế đều là vô dụng. Đây sẽ là thách thức lớn đối với Bỉ khi làn sóng dịch mới đã bùng phát trở lại.

Trong tình hình đó, các đảng phái chính trị của đất nước này vẫn giằng co, không thể thỏa hiệp được để thành lập chính phủ kể từ sau cuộc bầu cử hồi tháng 5/2019. Nguyên nhân là do sự chia rẽ sâu sắc giữa những người nói tiếng Hà Lan sống chủ yếu ở vùng Flanders và cộng đồng người nói tiếng Pháp ở thủ đô Brussels và vùng Wallonie.

Từ giữa tháng 3 vừa qua, do dịch bệnh COVOD-19 lây lan, chính phủ khẩn cấp chống dịch do bà Sophie Wilmès làm Thủ tướng, với quyền lực giới hạn trong các quyết định về chống dịch, được thành lập.

"Trái tim châu Âu'' khó khăn đối phó với khủng hoảng kép ảnh 2Bỉ loay hoay trong việc gấp rút thành lập một chính phủ chính thức khi chính phủ khẩn cấp của bà Wilmès sẽ chấm dứt quyền hạn vào ngày 1/10. (Nguồn: lesoir.be)

Nhờ có chính phủ khẩn cấp mà các quyết sách chống dịch của Bỉ được nhanh chóng đưa ra, được thực thi đồng bộ trên toàn quốc và đã mang lại những kết quả khả quan nhất định trong làn sóng COVID-19 đầu tiên.

Vương quốc Bỉ hiện lại đang loay hoay trong việc gấp rút thành lập một chính phủ chính thức khi chính phủ khẩn cấp của bà Wilmès sẽ chấm dứt quyền hạn vào ngày 1/10.

Lãnh đạo 7 chính đảng đang họp bàn và đến ngày 23/9 phải đưa ra báo cáo cuối cùng về thành lập chính phủ để đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Tuy nhiên, chính phủ do 7 đảng liên kết được đánh giá là khó có khả năng được thành lập theo thời hạn đề ra, và hiện nhiều ý kiến nhắc đến một cuộc bầu cử sớm.

Cũng vì chưa có một chính phủ với đầy đủ thẩm quyền, Bỉ vẫn chưa thể đưa ra kế hoạch khôi phục kinh tế cho gói phục hồi của Liên minh châu Âu, như Đức và Pháp.

Nước Bỉ đã phải khó khăn đối phó với cuộc khủng hoảng y tế lớn chưa từng có, nay lại càng khó khăn hơn với cuộc khủng hoảng chính trị vô cùng bế tắc này, trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 mới đã xuất hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục