Tranh cãi dữ dội về quyền sở hữu kho báu hàng tỷ USD trong xác tàu chiến cổ

Xác tàu San José của hải quân Tây Ban Nha bị chìm năm 1708 ở ngoài khơi bờ biển Colombia đang trở thành vấn đề tranh cãi liên quan tới quyền sở hữu và trục vớt kho báu khổng lồ trên con tàu này.

Bức tranh miêu tả trận chiến giữa đoàn tàu chở kho báu của Tây Ban Nha với tàu chiến của Anh. (Ảnh: Samuel Scott)
Bức tranh miêu tả trận chiến giữa đoàn tàu chở kho báu của Tây Ban Nha với tàu chiến của Anh. (Ảnh: Samuel Scott)

Năm 1708, San José - chiếc thuyền buồm của hải quân Tây Ban Nha chở theo 200 tấn vàng, bạc và đá quý bị chìm cách bờ biển Colombia khoảng 16km, trong một trận hải chiến với tàu chiến Anh.

Thời điểm đó, San José đang dẫn đầu một hạm đội gồm 18 chiếc, nhiều tàu trong số đó chở đầy của cải từ Tân thế giới và hướng đến Pháp - đồng minh của Tây Ban Nha lúc đó.

Nhưng nó đã chạm trán với một đội gồm năm tàu chiến của Anh - kẻ thù của Tây Ban Nha và Pháp trong Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha.

Sau hơn một giờ chiến đấu, San José nổ tung và chìm xuống biển khi kho thuốc súng trên tàu phát nổ.

Năm 2015, Colombia tuyên bố họ đã tìm thấy xác tàu San José, được cho là ở một địa điểm khác với nơi mà một công ty trục vớt có trụ sở tại Mỹ tuyên bố đã tìm thấy xác tàu vào năm 1982.

Chính phủ Colombia tuyên bố họ sở hữu xác tàu San José cùng tất cả của cải trên con tàu và Tổng thống Gustavo Petro có ý định trục vớt xác tàu đắm vào cuối nhiệm kỳ của ông vào năm 2026.

Điều đó dẫn đến việc công ty trục vớt của Mỹ nộp đơn yêu cầu bồi thường 10 tỷ USD, cáo buộc chính phủ Colombia cố gắng né tránh thỏa thuận chia sẻ một nửa số kho báu được trục vớt từ xác tàu San José.

Theo nhà nghiên cứu Daniel de Narváez, vụ kiện pháp lý hiện đang được phân xử - công ty lập luận rằng địa điểm mới gần với địa điểm mà họ đã xác định vào năm 1982.

Ông nói tranh chấp có thể là một trong những vấn đề lớn nhất của chính phủ Colombia đối với San José, một phần vì mọi phán quyết pháp lý sẽ có hiệu lực ngay cả khi kho báu trong xác tàu không bao giờ được tìm thấy.

San José dam tau 2.jpg
Hình ảnh xác tàu San José do Quân đội Colombia chụp được. (Nguồn: Phủ Tổng thống Colombia)

De Narváez, Giám đốc Hiệp hội Thám hiểm Hàng hải Chuyên nghiệp có trụ sở tại Bogotá, người ủng hộ việc thương mại hóa một phần các vụ tìm kiếm xác tàu đắm bằng cách cho phép mọi người bán hiện vật như tiền vàng.

De Narváez cũng là một nhà nghiên cứu về San José, người tham gia tìm kiếm vị trí con tàu năm 2015 và đã giúp soạn thảo một đạo luật của Colombia phân loại những đồ vật được trục vớt từ xác tàu thành đồ tạo tác thương mại (có thể bán được) hoặc đồ tạo tác di sản (không thể bán được).

Tuy nhiên, luật này không áp dụng cho xác tàu San José vì chính phủ Colombia đã tuyên bố mọi đồ vật thu được từ xác con tàu này - kể cả kho báu trên tàu - đều là đồ di sản không thể bán được.

Tranh chấp quyền sở hữu xác tàu đắm dựa trên Luật biển

Tây Ban Nha đã lên tiếng phản đối tuyên bố sở hữu của Colombia, cho rằng họ vẫn có quyền sở hữu San José vì đây là tàu hải quân Tây Ban Nha khi bị chìm.

Theo một số luật sư, xác tàu được bảo vệ theo Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982, trong đó tuyên bố rằng tàu hải quân vẫn là tài sản của quốc gia ngay cả khi chúng bị chìm.

Điều đó có nghĩa là xác tàu vẫn thuộc về Tây Ban Nha, mặc dù nó đã chìm cách đây hơn 300 năm trong vùng lãnh hải của Colombia.

Nhưng De Narváez lưu ý rằng Colombia chưa bao giờ phê chuẩn Công ước Luật Biển, một phần vì tranh chấp lãnh hải với Venezuela và Nicaragua, điều sẽ làm phức tạp cuộc chiến pháp lý về quyền sở hữu xác tàu San José.

Nhà khảo cổ học hàng hải Sean Kingsley, Tổng biên tập tạp chí về tàu đắm Wreckwatch, cho biết quy tắc này được thực hiện để bảo vệ các xác tàu hiện đại khỏi hoạt động gián điệp, nhưng nó đang được áp dụng để yêu cầu xác tàu chở kho báu.

Theo nhà khảo cổ này, đây là quy tắc để bảo vệ bí mật trên tàu chiến hạt nhân, máy bay và tàu ngầm hiện đại. Tuy vậy, không có hộp đen hay bí mật hải quân nào trên một xác tàu mục nát hàng trăm năm tuổi như San José.

Ngoài ra, quá khứ thuộc địa của Tây Ban Nha có thể khiến nước này “khó nhận được thông cảm” với tuyên bố về quyền sở hữu. Vàng bạc trên tàu San José có liên quan đến việc hàng trăm nghìn người Mỹ bản địa và người châu Phi bị bắt làm nô lệ và bị buộc phải làm việc trong điều kiện tồi tệ tại các mỏ vàng, bạc, ngọc lục bảo của Tây Ban Nha.

Dưới đáy biển

Ngoài câu hỏi về giá trị của xác tàu, San José và kho báu của nó vẫn đang nằm dưới đáy biển.

San José dam tau 3.jpg
Hình ảnh những đồng tiền vàng trong đoạn video quay xác tàu San José do chính quyền Colombia cung cấp.

Một số nhà khảo cổ học hàng hải, bao gồm Ricardo Borrero ở Bogotá, cho rằng nó nên ở lại đó và bất kỳ sự xáo trộn nào cũng sẽ là "thiếu sáng suốt" và mang tính xâm phạm.

Nhưng những người khác cho rằng xác tàu nên được phục hồi vì giá trị lịch sử và khoa học của các hiện vật.

Những bức ảnh mới nhất cho thấy những khẩu đại bác và bình gốm - nhưng không có kho báu - nằm rải rác quanh đáy biển nơi chiếc thuyền buồm bị chìm ở độ sâu khoảng 700m.

De Narváez lưu ý nó quá sâu đối với thợ lặn, nhưng về mặt kỹ thuật có thể trục vớt bằng cách sử dụng các phương tiện dưới nước và tàu ngầm được điều khiển từ xa.

Tuy nhiên, những lo ngại về pháp lý, kỹ thuật và khảo cổ học đồng nghĩa với việc rất ít khả năng Colombia có thể hoàn tất khai quật xác tàu San José vào năm 2026./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục