'Tránh đổ máu và mất người khi đấu tranh với tội phạm ma túy'

Nhắc lại sự việc cán bộ cảnh sát giao thông hy sinh sau khi phối hợp truy bắt tội phạm ma túy, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị xây dựng phương án đấu tranh đảm bảo an toàn cho lực lượng phá án.
'Tránh đổ máu và mất người khi đấu tranh với tội phạm ma túy' ảnh 1Lực lượng chức năng giám định trọng lượng tang vật trong một vụ vận chuyển ma túy. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 9/5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) tổ chức Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo Phương án nghiệp vụ số 3633 (ban hành ngày 24/8/2021) về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến Tây Nam.

Tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, phải tránh việc đổ máu và mất người, phải bắt được các đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Đây là giải pháp căn cơ của công tác phòng, chống ma túy.

Nhắc lại sự việc cán bộ cảnh sát giao thông hy sinh sau khi phối hợp truy bắt tội phạm ma túy, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị phải xây dựng phương án đấu tranh đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia phá án, không để xảy ra mất mát, hy sinh.

"Chúng ta phải rất chuyên nghiệp trong đấu tranh chống tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng," Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.

[Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm vụ đâm xe vào CSGT tại Long An]

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, ma túy từ Campuchia vận chuyển qua tuyến biên giới Tây Nam, tập trung tại các tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp và đang có xu hướng dịch chuyển sang tỉnh Bình Phước, An Giang. Ma túy từ Lào qua các tỉnh Bắc miền Trung rồi tập kết tại các kho thuộc các tỉnh giáp ranh Thành phố Hồ Chí Minh như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An…

Các đối tượng tội phạm sử dụng các phương thức, thủ đoạn như thành lập các công ty bình phong để hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; cất giấu ma túy trong người hoặc trong khoảng trống tự nhiên của các phương tiện giao thông, mũ bảo hiểm, đồ mỹ nghệ; cất giấu ma túy lẫn trong hàng hóa cồng kềnh như kiện hàng, máy móc, hàng hóa nông, hải sản... Sau đó, chúng đóng thành kiện hàng gửi các xe khách xuyên Việt từ nước ngoài thẩm lậu vào Việt Nam.

Một phần ma túy được tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, một phần ma túy tiếp tục được vận chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ.

Tội phạm cũng đang lợi dụng tuyến đường hàng không để vận chuyển trái phép chất ma túy từ các nước thuộc châu Âu như Đức, Cộng hòa Séc, Hà Lan về địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận (phần lớn qua sân bay Tân Sơn Nhất) dưới hình thức quà biếu.

Theo C04, tội phạm ma túy trên tuyến Tây Nam hoạt động rất manh động, liều lĩnh. Chúng sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng bằng vũ khí nóng, hoặc đâm xe vào lực lượng chức năng để chạy trốn khi bị phát hiện, bắt giữ…

Sau một năm rưỡi triển khai thực hiện Phương án nghiệp vụ số 3633 của C04 về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến Tây Nam, Công an 6 tỉnh trên tuyến và Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau đã chủ động ban hành các kế hoạch, triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt các yêu cầu đặt ra của phương án nghiệp vụ.

Trong thời gian trên, triển khai phương án 3633, công an 6 tỉnh biên giới tuyến Tây Nam và Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau đã phát hiện, bắt giữ 4.077 vụ, 8.795 đối tượng.

Vật chứng thu giữ là trên 1,8 tấn ma túy tổng hợp, 136kg heroin, trên 278kg cần sa; 6kg cocain; 37 khẩu súng, 306 viên đạn và 1 lựu đạn. Bắt, vận động ra đầu thú, thanh loại 93 đối tượng truy nã.

Toàn tuyến đã triệt xóa 133 điểm, 27 tụ điểm phức tạp về ma túy; triệt xóa 448 cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và dịch vụ nhạy cảm có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội về ma túy.

Theo Cục C04, dự báo thời gian tới, tuyến Tây Nam vẫn là địa bàn trọng điểm về ma túy. Do đó, để thực hiện Phương án nghiệp vụ số 02 và phương án 3633 có hiệu quả, đi vào chiều sâu, thực chất và đúng chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, công an các địa phương phải đẩy mạnh công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm tuyến, nắm địa bàn, chú trọng phòng, chống ma túy theo hướng chuyên sâu, đồng bộ, quán xuyến được tình hình địa bàn, đối tượng, chủ động phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy trên tuyến; kiểm soát được tình hình, không để tội phạm ma túy câu kết, móc nối hoạt động trên tuyến Tây Nam với địa bàn ngoại biên và các tuyến, địa bàn khác ở trong nước, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm phía Nam.

'Tránh đổ máu và mất người khi đấu tranh với tội phạm ma túy' ảnh 2Tang vật một vụ vận chuyển ma túy từ Campuchia về Việt Nam. (Ảnh: TTXVN phát)

Lực lượng chức năng tập trung triệt xóa các điểm, tụ điểm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trên tuyến; các tụ điểm tập kết ma túy ở khu vực biên giới giáp Việt Nam-Campuchia; truy bắt các đối tượng truy nã về ma túy đang lẩn trốn tại các địa bàn trên tuyến và ở nước ngoài.

Công an địa phương phối hợp với các đơn vị chức năng làm tốt công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và khuyến khích cai nghiện tự nguyện, tham mưu cho Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố hoàn thiện hệ thống cơ sở cai nghiện công lập và tư nhân; tăng cường phối hợp kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh xuất, nhập khẩu và phân phối sử dụng các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú ý, thực phẩm chức năng, thức ăn chăn nuôi có liên quan đến tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần.

Công an các địa phương thường xuyên phối hợp, hiệp đồng tác chiến giữa Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy với công an các địa phương trên toàn tuyến và với bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan trong phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn ma túy tại khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển, tạo thế trận thống nhất, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện, hàng hóa qua lại biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở và tại các cảng hàng không, cảng biển.

Công an địa phương tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp xác lập chuyên án chung với Campuchia để đấu tranh với các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia; chủ động nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ, phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với tội phạm về ma túy từ xa, từ sớm, từ nơi xuất phát, xây dựng "lá chắn thép" trên tuyến biên giới, không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.

Tại hội nghị, ghi nhận thành tích xuất sắc của các tập thể, cá nhân thuộc C04 và công an các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện Phương án nghiệp vụ số 3633, Bộ trưởng Bộ Công an đã quyết định tặng bằng khen cho 5 tập thể, 11 cá nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục