Trao cơ hội cho gương mặt trẻ để thổi làn gió mới vào phim truyền hình

Những diễn viên xuất hiện quá nhiều đôi khi khiến khán giả bối rối, nhàm chán. Nguyên nhân là do truyền hình Việt thiếu diễn viên, hay các nhà sản xuất chưa mạnh dạn trao vai chính cho người trẻ?
Diễn viên Mạnh Trường thường xuất hiện trên phim với hình ảnh chàng trai giàu có, thành đạt. (Ảnh: VFC)
Diễn viên Mạnh Trường thường xuất hiện trên phim với hình ảnh chàng trai giàu có, thành đạt. (Ảnh: VFC)

Những năm gần đây, phim truyền hình Việt Nam ngày càng hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của khán giả. Số lượng phim được sản xuất nhiều hơn, khung sóng dành cho phim truyền hình cũng tăng lên. Tuy nhiên, điều đó lại khiến một số diễn viên có tần suất lên sóng dày đặc.

Điều đáng nói là nhiều gương mặt bị “đóng đinh” vào những môtip nhân vật có ngoại hình, tính cách na ná như nhau, chẳng hạn như Đình Tú thường vào vai một cậu trai lém lỉnh, Mạnh Trường được “đo ni đóng giày” cho hình ảnh “soái ca”…

Những gương mặt ‘bật kênh nào cũng thấy’

Xem phim truyền hình vào mỗi buổi tối là thói quen của bà Nguyễn Hồng Mai (Hà Nội). Không chỉ khóc cười cùng nhân vật, bà vẫn thường bàn tán rôm rả với các bà bạn cùng chung cư khi tập thể dục sáng hôm sau.

Một hôm, khi tivi đang chiếu “Hướng dương ngược nắng” thì chồng bà thắc mắc: “Sao hôm trước tôi thấy cậu này (diễn viên Việt Anh) hình như yêu cô khác cơ mà?”

Bà cau mặt lại: “Ông nhầm rồi, đấy là phim ‘Hồ sơ cá sấu.’ Phim này cậu ấy ăn diện hơn, lúc nào cũng thắt cái khăn ở cổ cơ.”

Có lẽ phải là những khán giả theo dõi rất chú tâm mới có thể phân biệt tạo hình của diễn viên trong từng bộ phim như vậy.

Không chỉ Việt Anh, nhiều diễn viên khác cũng có tần suất “phủ sóng” liên tục, thậm chí, một người xuất hiện trong hai, ba bộ phim đang cùng phát sóng là chuyện bình thường.

[Thanh Sơn, Khả Ngân lần đầu tiên đóng cặp trong phim mới trên VTV3]

Chẳng hạn như diễn viên Quỳnh Kool cùng lúc tham gia phim “Hướng dương ngược nắng”“Hãy nói lời yêu,” diễn viên Doãn Quốc Đam vào vai Phúc trong “Hướng dương ngược nắng” đồng thời lại là ông Sinh (thời trẻ) của “Hương vị tình thân,” cùng lúc đó VTV1 chiếu lại phim “Mê cung,” trong đó anh sắm vai tên tội phạm Fedora… 

Trao cơ hội cho gương mặt trẻ để thổi làn gió mới vào phim truyền hình ảnh 1Phương Oanh được đánh giá là có sự đột phá, mới mẻ trong "Hương vị tình thân." (Ảnh: VFC)

Dù rất thích phim truyền hình, nhưng bà Mai thừa nhận rằng việc các diễn viên xuất hiện với tần suất dày đặc với tạo hình không quá nhiều khác biệt đôi khi khiến khán giả bối rối.

“Tôi thấy nhiều diễn viên có sự biến hóa về hình ảnh, nhưng nhiều người có những dạng vai na ná giống nhau, không có sự đột phá, chẳng hạn như Mạnh Trường thì lúc nào cũng có tạo hình đẹp trai, thành đạt, giàu có…,” bà Mai nhận xét.

Với khán giả Đỗ Phương Linh (34 tuổi), chị không thấy phiền khi thường xuyên gặp “người quen” trên truyền hình bởi bản chất của việc xem phim là để giải trí, giết thời gian, vả lại chất lượng phim Việt những năm gần đây đã tốt hơn trước rất nhiều.

“Phim truyền hình là món ăn tinh thần để cả nhà cùng thưởng thức với nhau, vào một khung giờ nhất định. Thậm chí, việc trùng lặp diễn viên cũng là cái cớ để mọi người cùng tranh luận, bình phẩm. Đó cũng là một thú vui. Phim truyền hình hấp dẫn vì nội dung gắn với đời thường,” chị Linh cho biết.

Chị Linh nhận xét một số diễn viên có thể làm mới mình qua các bộ phim khác nhau như Phương Oanh, Thu Quỳnh. Song, đa phần các diễn viên không có sự khác biệt rõ rệt, không bật hẳn lên để thoát ra khỏi hình ảnh mà khán giả thường thấy ở họ.

Cần trao cơ hội cho diễn viên trẻ

Đạo diễn Trịnh Lê Phong (“Chiều ngang qua phố cũ,” “Những ngày không quên,” “Trở về giữa yêu thương”) thừa nhận lượng diễn viên truyền hình hiện nay quá thiếu, ở đủ mọi lứa tuổi. Các nhà làm phim cũng đã cố tránh điều này nhưng đôi khi bất khả kháng. Thỉnh thoảng tìm được một gương mặt mới là một điều may mắn.

Trao cơ hội cho gương mặt trẻ để thổi làn gió mới vào phim truyền hình ảnh 2Diễn viên Anh Vũ gây nhiều thiện cảm với khán giả dù mới chỉ đóng vai phụ. (Ảnh: VFC)

“Đúng là hiện nay có nhiều diễn viên xuất hiện với tần suất dày đặc nhưng điều này cũng xảy ra ở các nước khác. Những diễn viên có ngoại hình đẹp, khả năng diễn xuất tốt thì họ sẽ có cơ hội tham gia nhiều phim. Đạo diễn mời họ để đảm bảo yếu tố an toàn cho bộ phim. Thêm vào đó, họ là gương mặt có thể thu hút quảng cáo vì họ có nhiều fan theo dõi,” anh lý giải.

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, đạo diễn cho hay anh luôn chọn diễn viên cảm thấy hợp với vai diễn nhất. Đó là tiêu chí đầu tiên.

“Diễn viên có thể vào một vai ngược hẳn với cái chất họ hay làm nhưng vẫn hợp. Điều này liên quan đến khả năng của họ cũng như sự hỗ trợ, gợi mở của đạo diễn. Tôi tin là tất cả các diễn viên đều cố gắng sáng tạo cho nhân vật của mình,” anh cho biết.

Biên kịch Trịnh Khánh Hà cũng cho rằng không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước khác, khi diễn viên bước vào độ chín của nghề nghiệp, thì việc họ xuất hiện thường xuyên là điều dễ hiểu.

“Khả năng cảm thụ, biểu cảm tốt của diễn viên sẽ khiến nhân vật đi vào lòng người cũng như quyết định thành công của bộ phim. Tôi nghĩ là ai cũng mong muốn có những gương mặt mới nhưng để lựa chọn giữa ‘mới’ và ‘tốt’ thì đương nhiên sẽ nghiêng về phần ‘tốt’ nhiều hơn,” chị chia sẻ.

Lý giải về sự xuất hiện dày đặc của các gương mặt quen thuộc, nhà báo Ngô Bá Lục, khách mời trong nhiều talkshow của VTV, cho rằng đạo diễn muốn chắc chắn phim sẽ tốt, nhờ kinh nghiệm diễn xuất cũng như sự nổi tiếng của diễn viên.

Anh cho rằng nghệ sỹ trẻ không thiếu, điều quan trọng nhất là các nhà sản xuất cũng như đạo diễn có thực sự tạo cơ hội cho những diễn viên trẻ vào các vai chính hay không mà thôi.

Nhà báo Ngô Bá Lục lấy ví dụ về diễn viên Xuân Nghị trong phim “Nhà trọ Balanha.” Dù là gương mặt mới xuất hiện trên phim truyền hình của VTV nhưng ngay lập tức anh đã gây ấn tượng mạnh, đoạt Giải thưởng VTV Awards 2020.

“Điều đó cho thấy, nếu như chúng ta tin tưởng lớp trẻ, dám mạo hiểm trao cho họ cơ hội thì họ có thể làm được những điều vượt sự mong đợi. Từ đó, họ sẽ có được chỗ đứng trong lòng công chúng và cũng tạo ra làn gió mới cho phim truyền hình Việt,” nhà báo nêu ý kiến.

Trao cơ hội cho gương mặt trẻ để thổi làn gió mới vào phim truyền hình ảnh 3VFC đã chịu khó mời các diễn viên phía Nam (Khả Ngân) và diễn viên gạo cội, đã lâu không xuất hiện (nghệ sỹ Mạnh Cường), để tạo nên sự đa dạng cho lực lượng diễn viên truyền hình. (Ảnh: VFC)

Anh cho rằng lứa diễn viên như Huỳnh Anh, Bình An, Công Dương, Đình Tú có diễn xuất cũng ngang ngửa các đàn anh, chưa nói là sự tươi mới và trẻ trung luôn tràn đầy. Vấn đề của lớp diễn viên trẻ chỉ là thiếu kinh nghiệm, mà kinh nghiệm thì lại được trau dồi qua những vai diễn, vì thế, nếu không được giao những vai chính, có nhiều "đất" diễn để họ thể hiện đa sắc cá tính thì các nghệ sỹ trẻ sẽ không thể "chín" được trong nghề.

Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) là đơn vị sản xuất toàn bộ phim giờ vàng trên các kênh sóng của Đài Truyền hình Việt Nam. Để có nguồn lực lớn, VFC tìm kiếm diễn viên đến từ các nhà hát, các diễn viên được đào tạo bài bản từ Đại học Sân khấu-Điện ảnh, diễn viên tự do đồng thời mở các lớp đào tạo diễn viên truyền hình.

Thực tế, rất nhiều gương mặt đã thành danh từ "lò" đào tạo này như Việt Anh, Hồng Đăng. Đây được xem là giải pháp hiệu quả để tìm kiếm và đào tạo tại chỗ các gương mặt mới cho phim truyền hình.

Ngoài ra, các đạo diễn cũng mời các diễn viên phía Nam (Quốc Trường, Khả Ngân, Nhã Phương), những diễn viên vắng bóng đã lâu (nghệ sỹ nhân dân Thu Hà, nghệ sỹ ưu tú Phạm Cường, Võ Hoài Nam) để tạo sự đa sắc cho truyền hình Việt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục