Trật tự kinh tế và chính trị quốc tế mới sau Hội nghị thượng đỉnh G7

Theo OECD, Trung Quốc sẽ đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau dịch bệnh nên sẽ có vai trò và quyền phát ngôn lớn hơn trên vũ đài chính trị và kinh tế quốc tế.
Trật tự kinh tế và chính trị quốc tế mới sau Hội nghị thượng đỉnh G7 ảnh 1Quang cảnh cảng hàng hóa tại Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) có quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chiếm 70% toàn cầu vào thập niên 1990. Tuy nhiên, do sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, tỷ trọng này ước tính chỉ còn khoảng 50% trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Hiện nay, tuy GDP của các nước G7 đã giảm mạnh xuống mức chỉ chiếm 1/3 toàn cầu do tác động của các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch, song khối này vẫn có sức ảnh hưởng trên trường quốc tế. Mặc dù không được mời tham dự, song Trung Quốc lại trở thành tiêu điểm thảo luận của Hội nghị.

Sáu ưu tiên cơ bản của G7

Các đoàn đại biểu tham dự Hội nghị đã đơn phương đưa ra những chỉ trích đối với Trung Quốc về sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), vấn đề nhân quyền và dịch COVID-19. Trong tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị, G7 đã đề xuất một loạt biện pháp và cải cách về dịch bệnh, kinh tế, bảo vệ môi trường, khí hậu và nhân quyền.

Các kiến nghị trong tuyên bố chung cơ bản bao gồm nhiều ưu tiên, trong đó đầu tiên là mục tiêu ứng phó với dịch bệnh. Theo đó, các nước G7 sẽ cung cấp 2 tỷ liều vaccine để tiêm chủng trên toàn cầu.

G7 sẽ tăng cường năng lực sản xuất vaccine, cải thiện hệ thống cảnh báo và rút ngắn thời gian nghiên cứu sản xuất vaccine từ 300 ngày xuống còn 100 ngày.

Thứ hai, chấn hưng nền kinh tế các nước G7. Khối này sẽ đầu tư tổng cộng 12.000 tỷ USD để tái thiết kinh tế, bao gồm tạo cơ hội việc làm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đổi mới và bảo đảm mọi thành phần đều có thể được thụ hưởng bất kể tuổi tác, dân tộc và giới tính.

Thứ ba, đảm bảo sự phồn thịnh của kinh tế trong tương lai, thông qua các biện pháp thương mại công bằng, bình đẳng và thu thuế hợp lý để thúc đẩy lưu thông hàng hóa và con người.

Thứ tư, bảo vệ Trái Đất. Thông qua cuộc cách mạng xanh và mục tiêu giảm phát thải, các nước muốn tăng cường đầu tư để cải thiện tình trạng biến đổi khí hậu, theo đó đến năm 2030 sẽ bảo vệ ít nhất 30% diện tích đất và đại dương trên Trái Đất.

[Hội nghị G7 có phải là khởi đầu cho Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung]

Thứ năm, tăng cường chương trình hợp tác đối tác. G7 đưa ra khẩu hiệu “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W), trong đó chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế xanh đối với các nước thu nhập thấp, đặc biệt là một số nước châu Phi, đồng thời yêu cầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tài trợ 100 tỷ USD.

Thứ sáu, theo đuổi quan điểm giá trị bao gồm bảo vệ dân chủ, nhân quyền, pháp quyền và bình đẳng, chẳng hạn như mang lại cơ hội giáo dục cho 40 triệu bé gái.

Trung Quốc sẽ có vai trò lớn hơn?

Tuyên bố chung của G7 cơ bản thống nhất với chính sách của Trung Quốc, nhưng có sự khác nhau về mức độ và phương thức, nguyên nhân chủ yếu là do tình hình các nước khác nhau.

Về phương diện ứng phó với dịch bệnh, hai bên đều nỗ lực tối đa. Theo tạp chí Nature, hiện nay 60% vaccine tiêm mỗi ngày trên toàn cầu là do Trung Quốc sản xuất. Trung Quốc đã sản xuất 350 triệu liều vaccine, xuất khẩu sang hơn 75 nước.

Trung Quốc dự kiến sẽ sản xuất 3 tỷ liều vaccine trong năm nay và có thể đạt 5 tỷ liều vào năm 2022. Đề xuất B3W do G7 đưa ra thực chất là phiên bản phương Tây của BRI.

Trên thực tế, cuộc điện đàm ngày 26/3 năm nay giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã đề cập đến việc các nước phương Tây cần tiến hành một kế hoạch như BRI để cạnh tranh với Trung Quốc.

Nhiều năm qua, BRI do Trung Quốc dẫn dắt, nhưng vì thiếu nguồn lực và công nghệ, cộng thêm dịch bệnh nghiêm trọng nên 20% dự án phải tạm dừng. Nếu các nước G7 tham gia vào các dự án tương tự như BRI, thì không những Trung Quốc có thể giảm nhẹ gánh nặng, mà còn có thể đẩy nhanh phát triển kinh tế của các nước thụ hưởng và khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là những thị trường mục tiêu mới giúp họ có nhiều không gian sinh tồn hơn.

Bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu là vấn đề nhận được sự quan tâm của Trung Quốc và tất cả các nước, ngoài việc xoa dịu mối quan hệ ngoại giao căng thẳng, còn có thể mang lại cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc) ở Trung Quốc, cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hong Kong.

Do đó, Chính quyền Hong Kong cần nhanh chóng thành lập nhóm công tác chuyên trách, hỗ trợ giới doanh nhân tìm kiếm các dự án bảo vệ môi trường và năng lượng xanh, tập hợp và điều phối các tổ chức và nguồn lực nghiên cứu khoa học có liên quan của Hong Kong, chẳng hạn như các trung tâm nghiên cứu của các trường đại học, trung tâm nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ ô tô, ủy ban đổi mới công nghệ và bảo vệ môi trường.

Mặc dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng tham vọng của G7 chủ yếu nằm trên giấy. Ngoài vấn đề ứng phó với dịch bệnh và bảo vệ môi trường tương đối có tính bức thiết và khả thi, các kiến nghị khác cần có nguồn vốn đầu tư khổng lồ và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các nước.

Trong khi đó, các nước G7 đều muốn dành nguồn lực lớn để phục hồi kinh tế sau đại dịch, các vấn đề khác cơ bản ngoài tầm với. Ví dụ, liên quan đến vấn đề nhân quyền, các nước G7 nói không đi đôi với làm.

Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Trung Quốc sẽ đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau dịch bệnh. Trung Quốc có những đóng góp nổi bật trên phương diện phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế, nên sẽ có vai trò và quyền phát ngôn lớn hơn trên vũ đài chính trị và kinh tế quốc tế, đây sẽ là trật tự kinh tế và chính trị quốc tế mới trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục