Trên 889.000 lao động ở nông thôn được học nghề

Từ khi thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã có trên 889.000 lao động nông thôn trong cả nước được học nghề.
Chiều 7/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về tình hình thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020,” từ khi thực hiện đề án đã có trên 889.000 lao động nông thôn được học nghề, trong đó gần 650.000 người có việc làm đúng với nghề đào tạo. Đến nay, đã có trên 23.500 hộ thoát nghèo; hơn 15.600 hộ trở thành hộ có kinh tế khá.

Các địa phương cũng đã chủ động tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trên 9.600 cán bộ công chức cấp xã, nâng tổng số cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng ở 51 địa phương khi thực hiện đề án lên hơn 80.000 người.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện sáu tháng đầu năm còn thấp, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều không đạt. Chỉ tiêu kế hoạch dạy nghề cho 500.000 lao động nông thôn và đào tạo, bồi dưỡng 100.000 cán bộ, công chức cấp xã năm 2012 có nhiều khả năng không thực hiện được. Việc tổ chức, tuyên truyền cho lao động nông thôn chưa sát thực tế; tổ chức chỉ đạo và triển khai thực hiện của các cấp chính quyền địa phương còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm vùng, ngành kinh tế. Kết quả và hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn còn hạn chế, chất lượng dạy nghề còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội….

Tại Hội nghị, các địa phương kiến nghị, các bộ, ngành cần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho lao động nông thôn cấp xã, có định hướng trong việc lồng ghép đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với việc xây dựng nông thôn mới; ngành lao động và ngành nông nghiệp cần xác định đào tạo ngành nghề cho phù hợp với nhu cầu dạy và học hiện nay của người lao động, trong đó cần gắn kết các cơ sở dạy nghề với các tổ chức hội đoàn thể tại địa phương….

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định rằng Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn là chương trình quan trọng trong công tác của Chính phủ nhằm phát triển nhân lực và phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, trước hết là các vùng địa bàn nông thôn. Qua hai năm triển khai, chương trình đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ về hoàn chỉnh văn bản hướng dẫn; công bố danh mục các nghề đưa vào chương trình đào tạo, nội dung chương trình đào tạo, danh mục các đơn vị tham gia dạy nghề tại các vùng nông thôn… Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, còn có hạn chế về mặt khách quan là kinh phí phê duyệt chậm nhưng mặt khác sự quan tâm của các địa phương chưa đúng mức.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: trong thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương phải tiếp tục coi dạy nghề cho lao động nông thôn là một giải pháp quan trọng, thực hiện đồng bộ với việc quy hoạch nông thôn, xây dựng nông thôn mới và quy hoạch nhân lực của từng địa phương. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cũng cần tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã; rà soát việc thực hiện quy trình xác định, phê duyệt danh mục nghề đào tạo; hoàn chỉnh bộ máy tổ chức tại địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động nông thôn tích cực tham gia học nghề hơn nữa...

Phó Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đến việc bổ sung biên chế cho cán bộ chuyên trách dạy nghề cấp xã; sớm hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề cấp huyện, phấn đấu 100% cấp huyện phải có cơ sở dạy nghề công lập đóng vai trò nòng cốt để thực hiện việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn...

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiên Nhân đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần có văn bản gửi Bí thư và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành trong toàn quốc yêu cầu tập trung quan tâm, chỉ đạo khắc phục những khó khăn đang gặp phải, phát huy những kết quả đã đạt được; đồng thời Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng cần phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn các địa phương xây dựng tiêu chí, kế hoạch trong ba năm tiếp theo (2013-2015).

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tổ chức tổng kết tình hình hoạt động vào tháng 2/2013 và phiên họp giao ban toàn quốc sơ kết ba năm triển khai thực hiện Đề án sẽ được tổ chức vào tháng 3/2013./.

Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục