Triển khai các phương án ứng phó với bão số 11

Tại tỉnh Bình Định bão số 11 đã làm 1 người mất tích, 2 người bị thương, 17 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 169 nhà bị hư hỏng nặng...
Ban chỉ huy phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, theo số liệu ban đầu, đến 16 giờ ngày 2/11, bão số 11 đã làm một người bị mất tích và 2 người bị thương.

Người mất tích là anh Nguyễn Văn Thôi, khu vực 2, phường Trần Phú Quy Nhơn bị sóng đánh bạt ra cửa biển Quy Nhơn sáng 2/11.

Trên địa bàn tỉnh Bình Định còn có 17 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 169 nhà bị hư hỏng nặng, 1 trạm y tế và 26 phòng học đã bị tốc mái; 830ha lúa lúa bị ngập nặng và 60ha hoa màu bị hư hỏng và gần 1km đường giao thông bị sạt lở.

Ban chỉ huy phòng chống bão lụt tỉnh Bình Định đang tích cực chỉ đạo các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 11 gây ra. Kiểm tra hàng hóa nhu yếu phẩm, thuốc men chữa bệnh, nước uống để ngày 3/11 bắt tay  cứu trợ các hộ dân, đặc biệt những hộ bị sập nhà cửa hòan toàn và đồng thời triển khai các biện pháp ứng phó lũ lớn đang tiếp tục lên nhanh.

Phóng chống lũ tại các sông lên nhanh

Đến chiều nay, lũ tại các sông trên địa bàn tỉnh Bình Định đang lên cao và đêm nay và ngày mai khả năng mực nước tại các sông chính như Sông Kôn, Lại Giang, Hà Thanh và La tinh sẽ lên báo động cấp 2, cấp 3 và có nơi trên báo động cấp 3. Các lực lượng quân đội, công an và biên phòng phối hợp với các địa phương nhấtt là nơi ngập lụt nặng triển khai phương án ứng cứu dân khi cần thiết và cảnh báo tình hình đi lại sau bão sẽ bị lũ cuốn trôi.

Đến chiều 2/11, các địa phương đã sơ tán 1.774 hộ với 7.693 nhân khẩu ở những vùng nguy hiểm đến nơi trú bão lũ an toàn.

Ban tác chiến Bộ đội biên phòng Khánh Hòa cho biết, đến thời điểm này, toàn bộ số tàu thuyền, thuyền viên đánh bắt thuỷ sản trên biển và ngư dân trên các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản ở Khánh Hòa đã vào bờ và neo đậu an toàn.

Một số địa phương như Lương Sơn (Nha Trang) bà con ngư dân đã đưa hẳn tàu thuyền lên bờ để tránh sóng va đập khi có sóng lớn. Bộ đội biên phòng còn phối hợp với chính quyền địa phương các xã ven biển đưa hơn 3.000 người dân, chủ yếu là người già và trẻ em đến nơi tránh bão an toàn. Đến 1 giờ chiều 2/11, huyện Vạn Ninh đã có mưa to, gió lớn cấp 7-8.

Gió mạnh gây ra nhiều thiệt hại

Phóng viên TTXVN đang có mặt tại Vạn Ninh điện về cho biết, gió mạnh đã làm cho nhiều nhà mái tôn và mái ngói bị tốc. Cột thu phát sóng của Viettel quân đội tại xã Vạn Khánh bị đổ, làm em Huỳnh Ngọc Hải Sơn bị thương phải vào viện. Mưa to trắng nước tại khu vực ngã ba Tu Bông làm cho các xe ôtô phải dừng lại tại đây hơn 1 giờ.

Mưa lớn làm nước sông Đồng Điền dâng cao gây ngập lụt các tuyến đường ở các xã Vạn Long, Vạn Bình, Vạn Khánh. Một số cọc neo đậu tàu thuyền ở khu vực Đại Lãnh bị đánh bật lên.

Các chủ phương tiện đang tập trung gia cố lại nhằm bảo đảm an toàn cho tàu thuyền trong suốt thời gian bão gió. PhóCchủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Xuân Thân đang có mặt tại huyện Vạn Ninh để kiểm tra và chỉ đạo công tác chuẩn bị phòng chống bão số 11.

Đến chiều ngày 2/11, tất cả các tàu thuyền của tỉnh Ninh Thuận đã vào neo đậu tại các bến cảng trong và ngoài tỉnh. Tỉnh đã triển khai phương án di dời hơn 6.700 hộ với 27.600 người (kể cả tài sản) ở những vùng ven sông, ven biển, vùng trũng thấp đến nơi an toàn khi có bão tố, nước dâng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã có kế hoạch xả lũ để bảo đảm an toàn vùng hạ lưu...

Nhiều địa phương triển khai phương án phòng tránh

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện khẩn trương triển khai phương án phòng tránh, ứng phó với bão số 11 tại địa bàn.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ tình hình diễn biến của bão thực hiện các biện pháp ứng phó hiệu quả.

Các lực lượng chức năng thông báo thường xuyên và hướng dẫn các thuyền trưởng, chủ tàu hoạt động nghề cá; các phương tiện vận tải trên biển và dân cư ven biển biết vị trí, hướng đi của bão số 11 và vùng nguy hiểm do bão, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu đúng quy định, kiên quyết không cho người ở lại trên tàu thuyền, các chòi canh...

Riêng huyện Cần Giờ chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời dân khi có lệnh của Ủy ban Nhân dân Thành phố.

Các quận, huyện có khu vực thường xuyên bị ngập úng ven sông, đặc biệt là các quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp; huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh triển khai ngay các biện pháp phòng tránh, ứng phó với những bất lợi do triều cường, mưa bão, xả lũ gây ra.

Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Công ty Trách nhiệm Hữu hạn 1 thành viên Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng tích nước hồ chứa hợp lý, để ứng phó với Hòan lưu của bão số 11 có thể gây ra mưa lớn kết hợp với triều cường đầu tháng 11/2009. Hạn chế xả lũ trong thời gian thành phố có triều cường lên cao, nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho vùng hạ du, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi cơn bão số 11 đổ bộ vào đất liền các tỉnh Bình Định-Khánh Hòa và suy yếu, di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, 15 giờ ngày 2/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ra công điện giải tỏa lệnh cấm tàu thuyền, cho ngư dân ra biển hoạt động, đánh bắt hải sản trở lại bình thường.

Công điện cũng nêu rõ các địa phương, cơ quan, đơn vị duy trì lực lượng sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu điều động; đề phòng thời tiết xấu gây mưa lũ lớn trong khu vực. Tại đảo Phú Quý, đến 16 giờ chiều 2/11, gió tại đảo theo ghi nhận là cấp 4, toàn đảo không bị thiệt hại gì từ cơn bão số 11./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục