Triển vọng hợp tác thương mại của tam giác Hàn-Trung-Nhật

Cuộc gặp gỡ tại Trung Quốc đã không bị đình chỉ, cho thấy ba nước có thể vượt qua sự cách biệt song phương từ đại cục quan hệ ba bên, chứa đựng cơ hội "biến chiến tranh thành tơ lụa."
Triển vọng hợp tác thương mại của tam giác Hàn-Trung-Nhật ảnh 1Toàn cảnh cuộc hội đàm ba bên giữa Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Thành Đô, Trung Quốc, ngày 24/12/2019. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Theo tờ Minh báo (Hong Kong), sau 7 năm, Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật lần thứ 8 lại tiếp tục được tổ chức ở Trung Quốc.

Ý tưởng hợp tác ba bên được khởi nguồn từ Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hàn-Trung-Nhật (10+3) cách đây 20 năm và ra đời vào năm 2008, nhằm thiết lập cơ chế gặp gỡ thường xuyên giữa lãnh đạo 3 nước.

Trong 11 năm qua, Hội nghị này mới chỉ được tổ chức 7 lần và từng bị đình chỉ trong 4 năm.

11 năm lịch sử với nhiều thăng trầm

Khởi đầu sớm, tiến triển chậm có thể được mô tả như một bản tóm tắt sơ bộ về sự hợp tác của ba nước trước đây. Là ba quốc gia mang tính đại diện ở Đông Á, Hàn-Trung-Nhật thực sự có nhu cầu mạnh mẽ và triển vọng rộng mở về hợp tác thương mại và giao lưu nhân dân.

Tuy nhiên, do bị cuốn theo những gánh nặng lịch sử và địa chính trị, mối quan hệ song phương đã bị tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình hợp tác ba bên.

Năm 2012, sau khi Nhật Bản tuyên bố kế hoạch "quốc hữu hóa" quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư), dẫn đến sự xấu đi của quan hệ Trung-Nhật, hội nghị thượng đỉnh ba bên đã bị đình chỉ trong ba năm.

Sau đó, có những mâu thuẫn giữa Hàn-Nhật và tranh cãi giữa Trung-Hàn về vấn đề triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc.

[Lãnh đạo Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hội đàm 3 bên]

Kể từ đầu năm nay, mặc dù quan hệ Trung-Nhật đã dần được cải thiện, nhưng xích mích giữa Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn leo thang từ các vấn đề lịch sử sang lĩnh vực thương mại và thậm chí là an ninh, đến nay, vẫn chưa đạt được hòa giải.

Tuy nhiên, đến nay cuộc gặp gỡ tại Trung Quốc đã không bị đình chỉ, cho thấy ba nước có thể vượt qua sự cách biệt song phương từ đại cục quan hệ ba bên, chứa đựng cơ hội "biến chiến tranh thành tơ lụa."

Ý nghĩa kinh tế-chính trị

Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực đang phải đối mặt với những biến đổi sâu sắc và phức tạp, tầm quan trọng của hợp tác ba bên ngày càng nổi bật ở một số khía cạnh.

Thứ nhất là sự thịnh vượng chung về kinh tế thương mại. Hợp tác thương mại luôn là một mắt xích quan trọng trong hợp tác ba bên. Điều này được thể hiện ở chỗ trước đây ngay cả khi cuộc họp thượng đỉnh ba bên bị gián đoạn, các cuộc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) Hàn-Trung-Nhật cũng chưa dừng lại.

Năm nay, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã đạt được tiến triển về thực chất, đàm phán FTA Hàn-Trung-Nhật vòng 16 đã được tổ chức cũng phải tăng tốc.

Trong phạm vi toàn cầu hiện nay, quy mô thương mại giữa ba nước đã vượt qua Liên minh châu Âu (EU), chỉ đứng sau Khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ. Việc xây dựng cơ chế thương mại tự do chắc chắn sẽ thúc đẩy sự hội nhập nhanh chóng của các nền kinh tế khu vực.

Vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu chưa đủ mạnh mẽ và chủ nghĩa bảo hộ thương mại vẫn tồn tại, sự hợp tác thương mại giữa ba nước có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của mỗi nước.

Nền kinh tế và kết cấu công nghiệp của ba nước bổ sung cao độ cho nhau, có không gian hợp tác rộng mở trong tương lai trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường...

Đặc biệt là đề xuất mô hình "Hàn-Trung-Nhật + X", trong tương lai, Hàn-Trung-Nhật sẽ cùng tăng cường hợp tác ở thị trường bên thứ tư và thứ năm, giảm những cạnh tranh vốn không cần thiết và hội nhập sức mạnh của ba nước để thúc đẩy sự phát triển của châu Á.

Thứ hai, Hội nghị thượng đỉnh ba bên được tổ chức sẽ là chất xúc tác góp phần gia tăng sự tin cậy chính trị.

Hãng tin Tân Hoa Xã ngày 23/12 dẫn lời Giang Thụy Bình, Giáo sư thuộc Học viện Ngoại giao cho rằng, sau Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật năm 2018, quan hệ Nhật-Hàn rơi vào trạng thái căng thẳng vì cọ sát thương mại.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật năm 2019 có thể là cơ hội để Trung Quốc phát huy vai trò dẫn dắt quan trọng.

Một số nhà phân tích cho rằng trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có những thay đổi sâu sắc và phức tạp, các nhà lãnh đạo của ba nước sẽ tận dụng cơ hội không dễ gì có được này để tăng cường trao đổi chiến lược về các vấn đề chung của quốc tế và khu vực. Điều này sẽ giúp gia tăng sự tin cậy chính trị lẫn nhau và củng cố nền tảng chính trị cho hợp tác trong tương lai của ba nước.

Thứ ba, trang mạng yicai.com dẫn lời Trần Tử Lôi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật bản, Đại học Ngoại thương Thượng Hải cho biết, việc đối phó với sự già hóa dân số, hợp tác đổi mới và giao lưu nhân dân là các lĩnh vực cụ thể mà ba bên có thể đi sâu hợp tác nhằm nỗ lực thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực.

Ngoài ra, 3 nước còn có thể thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác như ngành sản xuất cao cấp, ngành dịch vụ hiện đại. Theo ông, sự xuất hiện ngày càng nhiều các dự án mang tính biểu tượng của hợp tác 3 bên có nghĩa là hợp tác Khu thương mại tự do (FTA) Hàn-Trung-Nhật sẽ trưởng thành hơn.

Trong khi đó, Tân Hoa xã dẫn lời Lưu Khanh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương của Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, cho biết Hội nghị lần này cùng một loạt hoạt động kỷ niệm 20 năm hợp tác ba bên là dịp để tổng kết những thành tựu của hợp tác ba bên trong nhiều lĩnh vực như kinh tế thương mại, lên kế hoạch hợp tác trong tương lai của ba nước.

Theo ông, Nhật Bản và Hàn Quốc rất coi trọng ngoại thương, đầu tư, và có ưu thế trong các lĩnh vực công nghệ cao. Trung Quốc có quy mô thị trường lớn, và có ưu thế trong các lĩnh vực 5G, mạng Internet… Nền kinh tế và cấu trúc ngành nghề ba nước có tính bổ sung cho nhau cao, do đó có tiềm năng, triển vọng hợp tác lớn.

Thứ tư, các chuyên gia cho rằng củng cố mối quan hệ Hàn-Trung-Nhật sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác khu vực.

Theo Tân Hoa Xã, tổng dân số của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là hơn 1,6 tỷ người và tổng khối lượng kinh tế là hơn 20.000 tỷ USD, lần lượt chiếm 21% và 24% so với thế giới. Do đó, hợp tác ba bên có ý nghĩa rất lớn đối với hòa bình và phát triển ở Đông Á, Đông Bắc Á và toàn thế giới.

Ngoài ra, Hội nghị lần này công bố "Triển vọng cho thập kỷ tiếp theo của hợp tác Hàn-Trung-Nhật."

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương Lưu Khanh cho rằng đây sẽ là văn kiện quan trọng khác nhằm tiến hành quy hoạch vĩ mô cho hợp tác ba nước trong tương lai, tiếp sau "Tuyên bố chung về quan hệ đối tác ba nước" được ban hành trong Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật năm 2008. Theo ông, văn kiện này sẽ đóng vai trò định hướng cho quan hệ ba nước bước vào thời đại mới.

Giáo sư Giang Thụy Bình cho rằng việc ba nền kinh tế lớn của châu Á cùng nhau lên tiếng bảo vệ chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do, đồng thời dùng hành động thiết thực để thúc đẩy tự do hóa, thuận tiện hóa trong đầu tư, thương mại với các tiêu chuẩn cao hơn, là sự đáp trả hữu hiệu đối với làn sóng chống toàn cầu hóa như chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương.

Yếu tố cuối cùng là sự ổn định khu vực. Trên thực tế, ba nước là láng giềng, do đó việc tồn tại những khác biệt trong các vấn đề lịch sử, lãnh hải là điều bình thường.

Điều quan trọng là kiểm soát hiệu quả những bất đồng, ngăn chặn kịp thời những tổn thất sau khi xuất hiện sự cọ xát, không để lan sang các lĩnh vực khác.

Chính trị là một nghệ thuật của sự thỏa hiệp, bất kỳ sự hợp tác khu vực xuyên quốc gia nào cũng đều vượt lên trên những trắc trở và thỏa hiệp. Sự ổn định của quan hệ song phương là nền tảng của hợp tác ba bên, sự hài hòa trong quan hệ ba bên là "công cụ ổn định" của khu vực Đông Á.

Ngoài ra, vấn đề bán đảo Triều Tiên đang ở giai đoạn nhạy cảm và chắc chắn đã làm dấy lên mối lo ngại chung giữa ba nước. Triều Tiên đã đặt ra "thời hạn cuối năm" và đang chờ Mỹ đưa ra quyết định trước khi kết thúc năm 2019, vấn đề bán đảo chưa bao giờ kết thúc bằng các cuộc đàm phán Mỹ-Triều. Hàn-Trung-Nhật là các bên có liên quan mật thiết đến nhau, cũng sẽ kịp thời trao đổi quan điểm, cùng nhau thúc đẩy tiến trình hòa giải trên bán đảo Triều Tiên.

Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng ba nước có thể xuất phát từ khởi điểm mới, thúc đẩy xây dựng lòng tin lẫn nhau, để đưa mô hình hợp tác ba bên Hàn-Trung-Nhật trở thành một trong những hình mẫu của hợp tác khu vực châu Á./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục