Triển vọng tăng quan hệ hợp tác toàn diện giữa Nhật Bản và ASEAN

Tokyo được kỳ vọng sẽ tăng cường gắn kết với Đông Nam Á do sức hấp dẫn của khu vực này về nguồn nguyên liệu, lao động, thị trường và các chuỗi cung ứng thay thế.
Triển vọng tăng quan hệ hợp tác toàn diện giữa Nhật Bản và ASEAN ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo bài viết đăng trên trang mạng của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore, các ưu tiên của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide hiện nay là đối phó với đại dịch COVID-19, sắp xếp lại các chuỗi cung ứng của Nhật Bản và giải quyết tác động kinh tế từ đại dịch.

Tokyo được kỳ vọng sẽ tăng cường gắn kết với Đông Nam Á do sức hấp dẫn của khu vực này về nguồn nguyên liệu, lao động, thị trường và các chuỗi cung ứng thay thế.

Ngoài ra, Nhật Bản sẽ tìm cách hỗ trợ khu vực xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng, đối phó với đại dịch và cung cấp một giải pháp thay thế cho những "cái bẫy kinh tế" của Trung Quốc.

Nhiều nhà quan sát cho rằng chính sách đối ngoại của Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Suga Yoshihide sẽ có sự liên tục hơn là những gián đoạn. Mặc dù được thừa hưởng phần lớn thành quả từ các thành tựu chính sách đối ngoại của cựu Thủ tướng Shinzo Abe, nhưng ông Suga cũng bị hạn chế bởi các quy tắc thực hành và những ràng buộc mang tính hệ thống mà ông Abe đã thiết lập.

Các ưu tiên trước mắt của ông Suga là đối phó với đại dịch COVID-19, sắp xếp lại chuỗi cung ứng của Nhật Bản và đối phó với suy thoái kinh tế do đại dịch.

Sự thành công của ông Suga trong triển khai các nhiệm vụ này sẽ quyết định mức độ ủng hộ đối với sự lãnh đạo của ông trong cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào hoặc trước ngày 22/10/2021.

Tại thời điểm tháng 1/2021, tỷ lệ ủng hộ/không ủng hộ của ông Suga đã giảm xuống tương ứng 39%/49% trong một cuộc thăm dò của báo Yomiuri vào thời điểm đại dịch đang tồi tệ tại Nhật Bản.

Do đó, Đông Nam Á nên dự đoán một số điều chỉnh trong quan hệ đối ngoại của Nhật Bản, đặc biệt là về giọng điệu và lời lẽ, đồng thời mong đợi các mối quan ngại cơ bản và quỹ đạo chính sách của Tokyo sẽ không thay đổi.

[Nhật Bản nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực]

Các mối quan hệ của Nhật Bản với Đông Nam Á đã được cải thiện đáng kể với sự ra đời của học thuyết Fukuda. Tokyo tăng cường liên kết kinh tế và mở rộng Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để giúp các nước Đông Nam Á phát triển và thịnh vượng.

Trong một thế giới hậu Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của mình bằng cách thực hiện các hoạt động gìn giữ hòa bình và xây dựng hòa bình cũng như gia tăng ODA cho khu vực.

Dưới sự lãnh đạo của ông Abe, Đông Nam Á trở nên quan trọng hơn đối với Nhật Bản như một hành lang chính trị và đối trọng chiến lược với Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải.

Ông Suga cũng quan tâm đến Đông Nam Á theo cách tương tự. Giống như ông Abe, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Suga trên cương vị Thủ tướng là đến Việt Nam và Indonesia, chứ không phải đến Mỹ. Nhật Bản tìm cách tăng cường quan hệ với Đông Nam Á để củng cố an ninh của chính mình.

Nhận thức này đã trở nên đại dịch COVID-19 nhấn mạnh khi chuỗi cung ứng toàn cầu và dòng hàng hóa quan trọng bị gián đoạn do phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Trong tương lai, Nhật Bản sẽ tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc bất đối xứng vào nền kinh tế Trung Quốc. Một mặt, Nhật Bản sẽ "tách" các ngành công nghệ cao tiên tiến của mình, đặc biệt là những ngành công nghệ lưỡng dụng, khỏi thị trường Trung Quốc.

Mặt khác, Nhật Bản sẽ tiếp tục tận dụng sự tăng trưởng của Trung Quốc bằng cách tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực không nhạy cảm, bao gồm sản xuất hóa chất, thiết bị và linh kiện cho các sản phẩm được lắp ráp tại Trung Quốc.

Với hai đối tác chiến lược chính của Nhật Bản là Mỹ và Ấn Độ vẫn sa lầy trong đại dịch và tình hình kinh tế còn đối mặt với nhiều khó khăn, việc duy trì khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc giờ đây còn quan trọng hơn đối với Nhật Bản.

Đông Nam Á sẽ là một trọng điểm trong chiến lược đa dạng hóa thị trường của Tokyo. Ngay cả trước đại dịch, các nhà máy đã áp dụng chiến lược "Trung Quốc+1" để đa dạng hóa rủi ro và giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Nỗ lực của Tokyo dành 243,5 tỷ yen (2,2 tỷ USD) trong năm 2020 để giúp các công ty Nhật Bản chuyển từ Trung Quốc sang các nước ASEAN như Việt Nam, Thái Lan và Philippines đã mang lại kết quả.

Đến cuối năm 2020, 37 trong số 81 công ty Nhật Bản đã nhận được trợ cấp của chính phủ và chuyển nhà máy của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam. Thái Lan là lựa chọn phổ biến thứ hai, với 19 công ty.

Năm 2020, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ sáu tại Việt Nam với 786 triệu USD, với 57% doanh nghiệp Nhật Bản tại đây cho thấy họ có ý định mở rộng hoạt động.

Bằng cách tăng cường quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Đông Nam Á, Nhật Bản cũng tăng cường khả năng tiếp cận nguồn nguyên liệu và lao động, đồng thời có thể xây dựng các chuỗi cung ứng linh hoạt hơn.

Ngược lại, Đông Nam Á được hưởng lợi từ cơ hội việc làm lớn hơn và các công nghệ mà các công ty Nhật Bản mang lại, từ đó thúc đẩy triển vọng tăng trưởng kinh tế của họ. Ông Suga đã bày tỏ sự quan tâm của Nhật Bản về việc tham gia vào nhiều dự án hợp tác song phương trong khu vực trong tương lai, nhưng việc nhận ra điều này còn phụ thuộc vào tình hình tài chính của Nhật Bản sau đại dịch.

Hầu hết các nước Đông Nam Á, trừ Singapore, Thái Lan và Brunei, đã tiếp tục được hưởng lợi từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản trong suốt đại dịch. Ngoài các hạng mục hợp tác ODA lâu nay trong các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng và hành lang kinh tế, Tokyo đã nhanh chóng viện trợ liên quan đến đại dịch.

Hỗ trợ COVID-19 của Nhật Bản bao gồm việc mở rộng vốn tài trợ để giúp khu vực có được nguồn cung vật tư y tế (bộ xét nghiệm) và thiết bị cho các bệnh viện của họ và đào tạo nhân viên của họ để chống lại các bệnh truyền nhiễm, đến hỗ trợ tài chính cho các công ty địa phương để chống lại tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Các gói tài trợ lớn nhất thuộc về Philippines, Indonesia, Myanmar và Campuchia.

Không giống như Trung Quốc, Nhật Bản không áp dụng chính sách ngoại giao vaccine ở Đông Nam Á. Điều này vì hai lý do chính. Đầu tiên là tỷ lệ nhiễm COVID-19 ở Nhật Bản đa phần được kiểm soát trong năm 2020, do đó nước này không có đủ lượng ứng viên để thử nghiệm vaccine.

Lý do thứ hai, và có lẽ là lý do quan trọng hơn, là người Nhật vốn dĩ rất thận trọng với vaccine. Điều này là do các vụ kiện trong quá khứ liên quan đến tác dụng phụ của vaccine nhằm vào Chính phủ Nhật Bản. Do đó, chính phủ nước này đã rất thận trọng trong việc phê duyệt việc sử dụng vaccine.

Ví dụ, dù đã có thông báo hồi tháng 8/2020 rằng thuốc chống virus cúm Avigan do Fujifilm Holdings của Nhật Bản phát triển sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng ở Philippines như một loại thuốc điều trị COVID-19, nhưng tham vọng toàn cầu của công ty này sau đó đã bị "vùi dập" khi các quan chức chính phủ hoãn phê duyệt việc sử dụng Avigan như một loại thuốc điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 vào tháng 12/2020.

Tháng 2/2021, Nhật Bản cuối cùng cũng bắt đầu nhận được những liều vaccine đầu tiên từ nước ngoài, chỉ sau khi ông Suga vượt qua cơ quan quản lý để đảm bảo nguồn cung trực tiếp từ nhà sản xuất thuốc.

Trong lĩnh vực an ninh, Nhật Bản đã tăng cường nỗ lực thuyết phục các quốc gia Đông Nam Á về tầm quan trọng của khái niệm "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Mở" (FOIP) trong suốt năm 2020.

Tokyo nhấn mạnh tầm quan trọng của khái niệm FOIP không chỉ với các quốc gia Đông Nam Á ven biển, mà cả với các quốc gia Đông Nam Á lục địa.

Ngoài việc duy trì vị thế ngoại giao chủ động, Nhật Bản đã điều chỉnh lại chiến lược ODA của mình để giúp các quốc gia tranh chấp với Trung Quốc nâng cao năng lực hàng hải của họ để giám sát tốt hơn các hoạt động của Trung Quốc. Nhật Bản kết ký thỏa thuận xuất khẩu vũ khí đầu tiên vào năm 2020 sau khi lệnh cấm xuất khẩu được dỡ bỏ vào năm 2014, theo đó Mitsubishi Electric sẽ cung cấp hệ thống radar cảnh báo sớm trị giá 10 tỷ yen (94,5 triệu USD) cho Philippines.

Nhật Bản đang đàm phán để xuất khẩu các mặt hàng như tàu biển và máy bay sang một số nước Đông Nam Á.

Dù vậy, Nhật Bản vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn ở khu vực này. Trong khi Nhật Bản và Đông Nam Á dường như đang xích lại gần nhau hơn do mối quan tâm chung về Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa là lợi ích chung sẽ thúc đẩy họ đồng lòng hành động chống lại những hành động bành trướng của Trung Quốc.

Nhìn chung, ưu tiên của các nước Đông Nam Á là làm bạn với các cường quốc bậc trung và lớn. Mặc dù họ có thể nhìn nhận Nhật Bản một cách ưu ái hơn, nhưng Tokyo cũng có thể sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì lượng ODA khi nhu cầu tiếp nhận ngày càng tăng, đặc biệt nếu sức mạnh kinh tế Trung Quốc có thể tăng lên và nhu cầu của các nước trong khu vực cũng tăng sau đại dịch.

Cũng có thể Nhật Bản sẽ bước vào một thời kỳ thay đổi lãnh đạo khác nếu ông Suga không nắm giữ được quyền lực. Sự can dự bền vững của Nhật Bản vào Đông Nam Á trong vài năm qua chỉ có thể thực hiện được nhờ vào thời kỳ trị vì lâu dài của ông Abe. Tương lai cầm quyền của ông Suga vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Điều này sẽ liên quan trực tiếp đến mức độ cam kết và sự nhất quán của chính sách hợp tác đã được thấy trong các mối quan hệ giữa Nhật Bản và Đông Nam Á trong thập kỷ qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục