Triển vọng thị trường giao dịch carbon kém khả quan tại Hội nghị COP26

Nhiều nước, trong đó có Bolivia phản đối bất kỳ hình thức giao dịch carbon nào, cho rằng việc này sẽ làm hại “Mẹ Trái Đất” và tạo ra những “triệu phú kinh doanh khí hậu.”
Triển vọng thị trường giao dịch carbon kém khả quan tại Hội nghị COP26 ảnh 1Khí thải tại nhà máy nhiệt điện ở Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu Na Uy Espen Barth Eide ngày 7/11 cho rằng các cuộc đàm phán về các quy định đối với thị trường carbon toàn cầu tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) rất khó khăn, nhưng vẫn có hy vọng về một sự đột phá sau nhiều năm bế tắc.

Na Uy và Singapore hiện đang dẫn dắt các nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận về thị trường carbon tại Glasgow.

Nhắc lại những thất bại trước đây trong việc đạt được đồng thuận về các quy định nhằm triển khai Điều 6 của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, ông Barth Eide nhận định: “Điều này rất khó khăn,” nhưng vẫn có hy vọng.

Điều 6 Hiệp định Paris cung cấp khuôn khổ quốc tế cho các bên hợp tác trong việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với việc sử dụng các cơ chế dựa trên thị trường carbon.

Nhiều nước, trong đó có Bolivia phản đối bất kỳ hình thức giao dịch carbon nào, cho rằng việc này sẽ làm hại “Mẹ Trái Đất” và tạo ra những “triệu phú kinh doanh khí hậu.”

Trong khi đó, nhiều nước phát triển, như các quốc đảo nhỏ đang đứng trước nhiều rủi ro do nước biển dâng cao, lại muốn có một phần trong số tiền thu được từ giao dịch carbon để giúp họ ứng phó với tình hình Trái Đất ấm lên, mực nước biển dâng cao và các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, song nhiệt diễn ra thường xuyên hơn.

[Cam kết của ba nước có lượng khí phát thải lớn nhất thế giới]

Chẳng hạn như Liên minh các quốc đảo nhỏ (AOSIS) yêu cầu đánh thuế 5% đối với tất cả các giao dịch carbon quốc tế. Ý tưởng này đã vấp phải sự phản đối từ các nước giàu với lập luận khoản chi phí này sẽ cản trở hoạt động giao dịch carbon.

Nhiều nước phát triển đã bày tỏ sự ủng hộ với thị trường carbon. Hiệp hội giao dịch khí thải quốc tế ước tính nếu hoạt động hiệu quả, đến năm 2030, các thị trường giao dịch carbon quốc tế có thể giúp giảm 250 tỷ USD chi phí chống biến đổi khí hậu.

Trong số những đổi mới mà Điều 6 mang lại có việc thành lập một Cơ chế phát triển bền vững có thể cho phép các nước giàu đền bù cho lượng khí thải công nghiệp của mình bằng cách cung cấp tài chính cho các nước nghèo để bảo vệ rừng nhiệt đới, hay xây dựng một trang trại năng lượng gió hoặc nhà máy điện Mặt Trời.

Nhưng không có quy định được thống nhất nào để kiểm toán lượng khí thải cắt giảm được từ các sáng kiến như vậy.

Điều 6 cũng có thể mở đường để kết nối các thị trường carbon hiện tại như ở châu Âu và Canada, để nâng cao khối lượng giao dịch và cải thiện việc định giá.

Nhiều phái đoàn lo ngại rằng các nước sẽ một lần nữa thất bại trong việc tìm cách triển khai Điều 6 Hiệp định Paris tại Glasgow, và vấn đề này có thể lại bị trì hoãn đến năm 2022, khi Hội nghị COP27 được tổ chức ở Ai Cập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục