Triều cường dự báo tái lập mốc lịch sử, Cần Thơ khẩn cấp ứng phó

Theo Đài Khí tượng thủy văn Cần Thơ, các nguyên nhân chính làm triều cường dâng cao, dự báo xấp xỉ mốc lịch sử năm 2019 là do thủy triều, gió mùa Đông Bắc, nước sông Mekong đổ về, kết hợp mưa kéo dài.
Triều cường dự báo tái lập mốc lịch sử, Cần Thơ khẩn cấp ứng phó ảnh 1Đường Võ Văn Kiệt, thành phố Cần Thơ biến thành sông khi triều cường lên cao sáng 9/10. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 9/10, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức cuộc họp nhằm ứng phó đợt triều cường cao nhất trong năm, dự báo sẽ đạt đỉnh trong vài ngày tới và xấp xỉ mốc lịch sử năm 2019.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn thành phố Cần Thơ cho biết, mực nước đo được tại trạm Cần Thơ sáng 9/10 là 2,17m, cao hơn ngày 8/10 và cao hơn mức báo động 3 là 0,17m.

Dự báo mực nước đỉnh triều trên các sông rạch còn tiếp tục lên cao và khả năng sẽ đạt đỉnh trong các ngày 10-12/10 (nhằm ngày 15-17/9 âm lịch). Đỉnh triều cao nhất trong đợt này có khả năng lên mức 2,2-2,25m, cao hơn mức báo động 3 từ 0,2-0,25m, tương đương đỉnh triều cường lịch sử là 2,25m từng xuất hiện vào năm 2019. Thời gian xuất hiện mực nước đỉnh triều hàng ngày vào lúc 6-8 giờ và 17-19 giờ.

Theo lãnh đạo Đài Khí tượng thủy văn thành phố Cần Thơ, các nguyên nhân chính làm triều cường dâng cao là do thủy triều, gió mùa Đông Bắc, nước sông Mekong đổ về, kết hợp với mưa kéo dài trong những ngày qua… Dự báo từ nay đến ngày 12/10, thời tiết còn diễn biến xấu, mưa nhiều.

Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Cần Thơ Nguyễn Đăng Khoa cho biết, khi triều cường lập đỉnh lịch sử vào năm 2019, thời điểm đó thành phố có rất nhiều tuyến đường bị ngập, trong đó quận Ninh Kiều có 61 tuyến, quận Cái Răng có 35 tuyến, quận Ô Môn 20 tuyến…, nơi ngập sâu nhất là 0,6m.

[Triều cường tại Cần Thơ đã vượt báo động 3 và tiếp tục dâng cao]

Còn theo cập nhật năm 2022, một số tuyến đường ngập sâu năm 2019 như Trần Quang Diệu, Nguyễn Văn Cừ, nút giao IC3…hiện đã được nâng lên cao hơn nên tình trạng ngập không còn.

Tuy nhiên, trước diễn biến của triều cường trong những ngày qua thì không thể chủ quan. Sở Giao thông Vận tải đề xuất một số biện pháp như: bố trí lực lượng trực tại các vị trí xung yếu, điều tiết giao thông tránh ùn tắc và hỗ trợ người dân khi có sự cố; bố trí lực lượng tiêu thoát nước (đóng mở van, khơi thông, gia cố hố ga).

Triều cường dự báo tái lập mốc lịch sử, Cần Thơ khẩn cấp ứng phó ảnh 2Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè chỉ đạo các giải pháp ứng phó với triều cường tại cuộc họp sáng 9/10. (Ảnh: TTXVN phát)

Cùng với đó, cần tiến hành rào chắn các khu vực ao, hồ, mặt đường cặp sông rạch, tránh trường hợp khi ngập sâu không phân biệt được đường và sông (bố trí dây và đèn vào ban đêm); thông tin rộng rãi cho người dân biết các vị trí ngập, chiều sâu ngập, giờ đỉnh triều để chủ động di chuyển phù hợp.

Phát biểu chỉ đạo, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cho rằng đợt triều cường này sẽ ảnh hưởng nhất định như gây ngập lụt một số khu dân cư ở vùng trũng thấp, ngoài đê bao và các cồn trên sông Hậu; ngập lụt cục bộ một số tuyến đường trong đô thị, nhất là quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy, một số khu vực nuôi trồng thủy sản ven sông và các cồn trên sông Hậu.

Ông Nguyễn Ngọc Hè yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Đoàn thanh niên, Ủy ban Nhân dân quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy chủ động xử lý sự cố ngập lụt các tuyến giao thông, xử lý ùn tắc giao thông, hỗ trợ người dân và phương tiện lưu thông…

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Điện lực thành phố kiểm tra, xử lý các sự cố, đảm bảo an toàn lưới điện, trạm biến áp, nhất là các điểm bị ngập.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động, kiểm tra, theo dõi, quyết định và chỉ đạo các trường học có thể điều chỉnh thời gian học cho phù hợp, có thể học trễ giờ hơn, hoặc có thể nghỉ 2-3 ngày nếu cần thiết, bố trí học bù vào thời gian thích hợp.

Lãnh đạo ủy ban nhân dân thành phố cũng yêu cầu chủ tịch ủy ban nhân dân các quận, huyện tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, khẩn trương chỉ đạo thực hiện các biện pháp gia cố đê bao, tôn cao các đoạn đê bao thấp, yếu, có nguy cơ sạt lở, vỡ đê; bảo vệ an toàn các vườn cây ăn trái, vùng nuôi trồng thủy sản, giảm tối đa mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân; huy động lực lượng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi cần thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục