Triều Tiên có thể không từ chối viện trợ nhân đạo từ Hàn Quốc, Mỹ

Trao đổi với báo giới, quan chức giấu tên thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết về nguyên tắc, Mỹ đồng ý hỗ trợ Triều Tiên về chăm sóc sức khỏe, kiểm soát dịch COVID-19, nước uống và vệ sinh.
Triều Tiên có thể không từ chối viện trợ nhân đạo từ Hàn Quốc, Mỹ ảnh 1Đoàn xe tải của Hàn Quốc vận chuyển gạo viện trợ cho Triều Tiên di chuyển qua khu vực phi quân sự ở Paju, phía Bắc Seoul. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Triều Tiên có khả năng sẽ không từ chối hoạt động viện trợ nhân đạo chung của Hàn Quốc và Mỹ.

Nhận định trên được một quan chức cấp cao thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc đưa ra ngày 20/10 trong bối cảnh nước này và Mỹ đang đẩy mạnh các cuộc tham vấn nhằm đưa Triều Tiên trở lại đối thoại.

Để đạt được mục tiêu trên, Seoul và Washington đã và đang tích cực tìm kiếm các biện pháp, bao gồm cả viện trợ nhân đạo, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19.

Trao đổi với báo giới, quan chức giấu tên trên cho biết về nguyên tắc, Mỹ đồng ý hỗ trợ Triều Tiên về chăm sóc sức khỏe, kiểm soát dịch COVID-19, nước uống và vệ sinh.

Cho đến nay chưa có sự hợp tác nhân đạo chung nào giữa Hàn Quốc và Mỹ dành cho Triều Tiên. Vì vậy, quan chức này cho rằng Triều Tiên “khó có thể nhìn nhận điều này một cách tiêu cực và sẽ không từ chối hoạt động hỗ trợ nhân đạo chung này.

Cũng theo quan chức này, vẫn còn quá sớm để từ bỏ hy vọng về một bước đột phá trong quan hệ liên Triều và tiến trình hòa bình Triều Tiên thông qua Thế vận hội Olympic mùa Đông Bắc Kinh (Trung Quốc), dự kiến diễn ra vào đầu năm tới. Quan chức này nhấn mạnh: “Vẫn còn đủ thời gian và kể từ bây giờ là thời điểm rất quan trọng."

Triều Tiên đã siết chặt an ninh biên giới kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, kiểm soát các tuyến đường biển và đường bộ đối với các nguyên vật liệu và vật tư y tế quan trọng do các cơ quan của Liên hợp quốc và các nhóm nhân đạo khác gửi đến.

Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng vẫn đình trệ kể từ khi hội nghị thượng đỉnh năm 2019 giữa Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 19/10, quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng một tên lửa tầm ngắn được cho là một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) từ khu vực lân cận Sinpo, nơi có xưởng đóng tàu ngầm chính của Bình Nhưỡng.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) sau đó cũng xác nhận: "Tên lửa SLBM loại mới sẽ đóng góp lớn cho sự tiến bộ công nghệ quốc phòng của nước này và các khả năng hoạt động ngầm dưới nước của Hải quân”.

Vụ phóng này đánh dấu lần thứ 8 Triều Tiên phóng thử tên lửa trong năm nay. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không thị sát vụ phóng.

Trao đổi với báo giới ngày 20/10, Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihiko Isozaki cho biết Chính phủ Nhật Bản vẫn duy trì quan điểm rằng Bình Nhưỡng đã phóng hai tên lửa đạn đạo chứ không phải một tên lửa như các phương tiện truyền thông Triều Tiên đã đưa tin. Một trong số hai tên lửa này được cho là SLBM. Tên lửa này sử dụng nhiên liệu rắn và đã bay được khoảng 600km, với độ cao tối đa là khoảng 50km, trước khi rơi xuống bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.

Ông Isozaki không cung cấp thông tin chi tiết về tên lửa thứ hai, mà chỉ nói rằng "dựa trên hoạt động phân tích các thông tin đa dạng, chúng tôi tin rằng hai tên lửa đã được (Triều Tiên) phóng về hướng Đông."

[Hàn Quốc xác định Triều Tiên bắn thử một tên lửa đạn đạo]

Cùng ngày, Đức bày tỏ phản đối vụ thử tên lửa đạn đạo mới phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức cho rằng việc Triều Tiên thực hiện vụ phóng trên đã vi phạm nghĩa vụ của nước này theo các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như gây phương hại cho an ninh và ổn định của quốc tế và khu vực.

Đức kêu gọi Chính phủ Triều Tiên tuân thủ các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế và tiến hành đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc.

Triều Tiên có thể không từ chối viện trợ nhân đạo từ Hàn Quốc, Mỹ ảnh 2Triều Tiên phóng thử tên lửa phòng không mới của Học viện Khoa học quốc phòng, ngày 30/9/2021. (Ảnh: KCNA/TTXVN)

Trước đó một ngày, phát biểu trực tuyến tại gala thường niên Hiệp hội Hàn Quốc có trụ sở tại New York (Mỹ), Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cũng nhắc lại phản đối các vụ phóng tên lửa đạn đạo gần đây của Triều Tiên mà Washington cho rằng vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, bà khẳng định Mỹ không nuôi dưỡng ý định thù địch với Triều Tiên, cũng như đã trực tiếp liên hệ với Bình Nhưỡng và “sẵn sàng đàm phán mà không kèm theo điều kiện tiên quyết."

Thứ trưởng Sherman cũng cho biết Mỹ cùng các đồng minh và đối tác, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản, đang theo dõi sát sao tình hình ở Triều Tiên và phác thảo lộ trình hướng tới việc hoàn tất phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục