“Muốn ép Mỹ nhượng bộ”

“Triều Tiên dọa chiến tranh nhằm ép Mỹ nhượng bộ”

Tuyên bố tái khởi động một lò phản ứng plutoni từng bị đóng cửa là nỗ lực mới nhất của Bình Nhưỡng để ép Mỹ phải nhượng bộ.

Ngày 2/4, Triều Tiên tuyên bố nước này sẽ tái khởi động một lò phản ứng plutoni từng bị đóng cửa từ lâu và tăng cường hoạt động sản xuất nguyên liệu chế tạo vũ khí hạt nhân. Nhiều nhà phân tích cho rằng động thái này là nỗ lực mới nhất của Bình Nhưỡng nhằm ép Mỹ phải nhượng bộ bằng cách làm gia tăng lo ngại về khả năng xảy ra chiến tranh.

 

Một phát ngôn viên của Tổng cục Năng lượng Hạt nhân của Triều Tiên cho biết các nhà khoa học sẽ nhanh chóng bắt đầu "điều chỉnh và tái khởi động" các cơ sở tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon, trong đó bao gồm một lò phản ứng plutoni và một nhà máy làm giàu urani. Cả hai cơ sở này đều có thể sản xuất nhiên liệu dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân.

 

Lò phản ứng plutoni bắt đầu được đưa vào sử dụng từ năm 1986, tuy nhiên sau đó bị đóng cửa theo một thỏa thuận đạt được trong các cuộc đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân năm 2007. Kể từ đó tới nay, các cuộc đàm phán này rơi vào bế tắc. Triều Tiên tuyên bố việc khởi động lại các cơ sở này sẽ bắt đầu ngay và "không bị trì hoãn". Mặc dù vậy, các chuyên gia ước tính sẽ phải mất từ 3 tháng tới 1 năm mới có thể tái khởi động lò phản ứng này.

[Triều Tiên duyệt kế hoạch tấn công hạt nhân vào Mỹ]

 

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) trích phát biểu của một phát ngôn viên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên cho biết việc tái khởi động các cơ sở hạt nhân là nhằm giải quyết tình trạng thiếu điện nghiêm trọng của đất nước, song cũng nhằm "tăng cường lực lượng vũ trang hạt nhân cả về chất lượng lẫn số lượng". Việc tái khởi động một lò phản ứng được xây dựng từ thời Xôviết tại nhà máy hạt nhân Yongbyon sẽ giúp Triều Tiên sản xuất plutoni, tuy nhiên để có được kho nguyên liệu sản xuất vũ khí hạt nhân thì thực hiện chương trình làm giàu urani sẽ dễ dàng hơn nhiều.

 

Hiện chưa thể xác minh nhà máy Yongbyon có còn kết nối với mạng lưới điện đã cũ kỹ của Triều Tiên hay không. Yoo Ho Yeol, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Hàn Quốc ở Seoul, nói: "Đây là một lò phản ứng gần như đã lỗi thời, tháp làm lạnh của lò phản ứng này đã không còn hoạt động. Điều này có nghĩa rằng họ sẽ xây dựng lại một vài thứ khác".

 

Những tuyên bố về chương trình hạt nhân và xu hướng gia tăng đe dọa của Triều Tiên trong những tuần gần đây được cho là nỗ lực của nước này nhằm thúc ép tiến hành các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân để đổi lấy viện trợ với Washington, đồng thời khuyến khích lòng trung thành của người dân ở trong nước đối với nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un bằng cách thể hiện ông là một nhà chỉ huy quân sự đầy quyền năng. Tuyên bố trên của Bình Nhưỡng làm gia tăng lo ngại về thời gian Triều Tiên có thể chế tạo tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng vươn tới Mỹ, mặc dù nhiều người cho rằng phải mất vài năm nữa nước này mới có thể phát triển được công nghệ này.

 

Mỹ kêu gọi Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân, nói rằng tình hình sẽ ở mức "vô cùng báo động" nếu Bình Nhưỡng thực hiện lời cam kết tái khởi đồng lò phản ứng plutoni. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết Washington đang thực hiện nhiều bước đi nhằm đảm bảo rằng Mỹ có khả năng bảo vệ chính mình và các đồng minh. Ông nói: "Toàn bộ nhóm phụ trách an ninh quốc gia đang tập trung vào vấn đề này".

[Nga, Trung Quốc lo ngại tình hình Bán đảo Triều Tiên]

 

Tuy nhiên, ông Carney nhấn mạnh rằng cho tới nay, hàng loạt lời lẽ đe dọa của Triều Tiên đối với Mỹ và Hàn Quốc chưa được hiện thực hóa bằng hành động, đồng thời ông cho rằng những đe dọa này chẳng có tác dụng gì. Ông kêu gọi Nga và Trung Quốc - hai quốc gia mà theo ông có ảnh hưởng đối với Triều Tiên - sử dụng ảnh hưởng của họ để thuyết phục Bình Nhưỡng thay đổi chính sách.

 

Trong một động thái hiếm có, Trung Quốc - quốc gia duy nhất hỗ trợ kinh tế và ngoại giao cho Triều Tiên - đã bày tỏ sự thất vọng đối với đồng minh của họ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: "Chúng tôi cho rằng tuyên bố của Triều Tiên là điều đáng tiếc".

 

Yukiya Amano, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, nói rằng quyết định của Bình Nhưỡng "là một bước đi khác khiến chúng tôi và thế giới lo ngại sâu sắc". Ngày 2/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhận định, có vẻ như Triều Tiên "đang xung đột với cộng đồng quốc tế". Ông cho rằng cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên đã đi quá xa, đồng thời ông kêu gọi tổ chức đối thoại và đàm phán để giải quyết tình hình. Trong một cuộc họp báo khi đang ở Andorra, ông nói Ban Ki-moon nói: "Những đe dọa hạt nhân không phải là một trò chơi. Giọng điệu hung hăng và các động thái quân sự chỉ dẫn tới các hành động đối đầu, làm gia tăng lo sợ và tình trạng bất ổn".

 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cam kết Mỹ sẽ bảo vệ chính mình và các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản khỏi những đe dọa từ Triều Tiên. Trong một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se đang ở thăm Mỹ, ông nói với các phóng viên: "Cái mà ông Kim Jong Un đã chọn đó là khiêu khích, điều này rất nguy hiểm và thiếu thận trọng. Mỹ sẽ không chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân".

[Triều Tiên liệu có mở cuộc tấn công để giữ thể diện?]

 

Kim Jin Moo, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Phân tích Quốc phòng Triều Tiên tại Hàn Quốc, cho rằng bằng cách tuyên bố nước này đang "điều chỉnh" tất cả các cơ sở hạt nhân, bao gồm cả một nhà máy làm giàu urani, Bình Nhưỡng "đang hăm dọa tống tiền cộng đồng quốc tế bằng cách nói rằng họ sẽ sản xuất urani làm giàu ở cấp độ cao để chế tạo vũ khí".

 

Tuy nhiên, bài phát biểu hôm 31/3 trước Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, được KCNA phát lại toàn bộ hôm 2/4, dường như nhằm xóa bỏ khả năng đối đầu trực tiếp với Mỹ bằng cách nhấn mạnh rằng vũ khí hạt nhân sẽ là sức mạnh răn đe để bảo đảm an toàn cho đất nước. Bài phát biểu có đoạn: "Sức mạnh hạt nhân của chúng ta là vũ khí răn đe chiến tranh đáng tin cậy và là thứ để đảm bảo chủ quyền của chúng ta. Sức mạnh hạt nhân là cơ sở cho hòa bình, thịnh vượng và đem lại hạnh phúc cho đời sống nhân dân".

 

Bài phát biểu này thể hiện một sự thay đổi nhỏ, không còn đe dọa chống lại Seoul và Washington, song vẫn không kêu gọi chấm dứt cuộc khủng hoảng. Yang Moo Jin, làm việc tại Đại học nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nói: "Bài phát biểu này được đưa ra trước Ban chấp hành Trung ương đảng - cơ quan hoạch định chính sách cao nhất - là nỗ lực nhằm nhấn mạnh các vấn đề kinh tế và chuyển trọng tâm từ an ninh sang kinh tế"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục