Trừng phạt cũng không thể làm Iran từ bỏ hạt nhân

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố các biện pháp trừng phạt của phương Tây không buộc được Iran từ bỏ "các quyền về hạt nhân."
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast ngày 7/2 cho biết các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây sẽ không buộc được Iran từ bỏ "các quyền về hạt nhân."

Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Iran (CBI) nhằm phong tỏa toàn bộ tài sản của Iran ở Mỹ.

Bộ Ngoại giao Iran khẳng định không quốc gia hay thế lực nào có khả năng tước đi các quyền về hạt nhân của nước này. Ông Mehmanparast cho rằng các biện pháp trừng phạt là những hành động sai trái dựa trên những tính toán sai lầm mà theo đó sẽ không mang lại kết quả nào cho giới lãnh đạo Mỹ và phương Tây.

Trước đó một ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký ban hành các lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn về tài chính đối với Tehran. Đây là sắc lệnh được ký nhằm thực hiện các phần của những biện pháp trừng phạt mới đã được Quốc hội Mỹ thông qua cuối năm ngoái, với mục đích siết chặt chiếc vòng cô lập kinh tế Iran do Tehran không chịu ngừng chương trình hạt nhân theo yêu cầu của Mỹ và các nước phương Tây.

Liên quan đến vấn đề trừng phạt dầu mỏ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Mehmanparast khẳng định lệnh cấm vận dầu mỏ Iran của Liên minh châu Âu (EU) sẽ tác động đến chính người dân châu Âu. Ông yêu cầu các quan chức châu Âu không nên "đầu hàng" trước áp lực của Mỹ, và cho rằng việc tham gia trò chơi chính trị cũng như thuận theo những áp lực của Mỹ sẽ gây nguy hiểm cho an ninh và sự thịnh vượng của người dân châu Âu.

Trong khi đó, kênh truyền hình vệ tinh PressTV của Iran ngày 7/2 đưa tin quốc hội nước này sẵn sàng thông qua dự luật ngừng xuất khẩu dầu cho một số nước thành viên EU, nhằm đáp trả nỗ lực của tổ chức này cấm vận ngành xuất khẩu dầu mỏ của Iran. Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani ngày 7/2 cho biết các nghị sỹ nước này đang để mắt đến hàng loạt những vấn đề quan trọng, trong đó có lệnh cấm xuất khẩu dầu đối với một số quốc gia châu Âu.

Theo ông Larijani, Ủy ban An ninh quốc gia và Chính sách đối ngoại (NSFPC) của Quốc hội đang thảo luận về vấn đề này, đồng thời cho rằng "cần có đáp trả tương xứng" đối với các nước châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục