Theo trang mạng politico.com, ngay khi Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố vòng trừng phạt gần đây nhất nhằm vào Iran hôm 7/8, Thủ tướng Iraq Haider al Abadi đã nói rằng đất nước ông sẽ tuân thủ một cách miễn cưỡng.
Tuy nhiên, một tuần sau, thực tế lại “rõ như ban ngày” khi nhiều quan chức Iraq kêu gọi Baghdad duy trì quan hệ thương mại với Tehran.
Lý do là với 1.458 km đường biên giới chung với Iran, Iraq có thể bị thiệt hại nặng nề bởi các đòn trừng phạt mà chính quyền Trump áp đặt với Iran. Iraq phụ thuộc mọi thứ vào quốc gia láng giềng phương Đông này, từ khí gas đến điện, nước và lương thực thực phẩm.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi dù được coi là thân Mỹ hơn so với người tiền nhiệm, nhưng cũng khó có thể chấp nhận tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Ông đã đổi giọng khi ngày 13/8 nói rằng: “Tôi không nói rằng chúng ta tuân thủ các biện pháp trừng phạt mà nói rằng chúng ta tuân thủ bằng cách không sử dụng đồng USD trong giao dịch. Chúng ta không có lựa chọn nào khác."
Ngoài ra, chính phủ Baghdad cho biết chưa nhất trí liệu có tuân thủ các biện pháp trừng phạt khác hay không.
Thủ tướng Abadi đã phải đối mặt với sự chỉ trích của giới chính trị Iraq và Iran chỉ vì lúc đầu nói rằng Iraq sẽ tuân thủ các lệnh trừng phạt. Theo truyền thông Iraq, giới chức Bộ Tài chính Mỹ đã đến Ngân hàng Trung ương Iraq hồi tháng Bảy vừa qua và nói rằng Mỹ sẽ trừng phạt bất kỳ ngân hàng nào của Iraq có giao dịch tài chính với Iran.
Tuy nhiên, có một tiền lệ để miễn trừ Iraq khỏi các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran. Đó là câu chuyện khi cộng đồng quốc tế áp đặt trừng phạt đối với cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein từ năm 1990 đến năm 2003, nước láng giềng Jordan được miễn trừ. Liên hợp quốc miễn Jordan không phải tuân thủ các biện pháp trừng phạt như cấm mua dầu mỏ của Iraq.
Nếu Iraq không được miễn tuân thủ trừng phạt mà vi phạm các lệnh trừng phạt để rồi bị Mỹ ra đòn, điều này có thể đặt Iraq vào tầm ảnh hưởng của Iran ở một mức độ lớn hơn. Điều này chẳng khác gì việc Chính quyền Trump nói rằng Mỹ muốn chiến đấu ở khu vực Trung Đông rộng lớn hơn, nơi Iran ngày càng trở nên hùng mạnh.
Bất chấp những khó khăn có thể xảy ra, Iraq không có lựa chọn nào khác ngoài việc vi phạm lệnh trừng phạt vì một vài lý do:
Trước hết, Iraq cần nguồn cung khí gas của Iran. Thực ra, Iraq có khai thác khí gas của riêng mình, nhưng không có đủ trang thiết bị để xử lý thành nhiên liệu tiêu dùng nội địa.
Thứ hai, nguồn cung cấp nước của Iraq phụ thuộc vào lưu lượng dòng chảy của hai con sông là Euphrates và Tigris, cung cấp tới 98% nguồn nước bề mặt cho Iraq.
Nếu Baghdad tuân thủ lệnh trừng phạt của Mỹ, Iran có thể dễ dàng chặn dòng chảy của các con sông này, như đã từng làm với khu vực người Kurd ở miền Bắc thuộc tỉnh Sulaimaniyah. Vào thời điểm hạn hán nghiêm trọng ở Iraq, đây không phải là mối đe dọa vu vơ.
Thứ ba, Iran đã cố ý làm “ngập lụt” thị trường Iraq bằng các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ như lương thực, thực phẩm. Điều này đã làm năng suất sản xuất ngành nông nghiệp Iraq sụt giảm vì giảm nhu cầu đối với nông sản tự sản xuất trong nước, vốn đắt đỏ hơn nông sản nhập khẩu từ Iran. Ngay cả nếu Iraq ngừng nhập khẩu những mặt hàng này thì người nông dân vẫn sẽ không thể sản xuất đủ sản lượng đáp ứng nhu cầu trong nước.
[Liệu Mỹ có dấn thân vào cuộc chiến mới với Iran?]
Trong khi đó, Iran lại có lợi thế của đòn bẩy chính trị đối với Iraq. Sau cộc bầu cử hồi tháng 5/2018, giới tinh hoa chính trị Iraq đã không thể thành lập chính phủ một phần vì sức ép lớn từ Tehran khi muốn đưa vào chính quyền Iraq những nhân vật chính trị theo mong muốn của họ. Nếu những nhân vật trung thành với Iran thành công và nắm vai trò chủ đạo trong chính phủ mới ở Iraq thì giới cầm quyền Iraq chắc chắn sẽ đưa ra các quyết định ủng hộ lợi ích của Iran.
Các quốc gia vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ dường như sẽ là sự lựa chọn thay thế hợp lý đối với thương mại của Iran. Tuy nhiên, Iran đã nới lỏng những hạn chế của Iraq áp đặt vào Tehran bằng cách hối lộ quan chức thương mại và phụ trách khu vực biên giới của Iraq trong nhiều năm qua. Vì vậy, ít có khả năng các quan chức tham nhũng này sẽ tìm cách để mở rộng danh sách các đối tác thương mại cho Iraq.
Nhìn chung, mặc dù các nước vùng Vịnh phản đối sự lệ thuộc về kinh tế của Iraq vào Iran, nhưng chính quyền các thời của Iraq đã chẳng thể làm gì hơn để giúp Baghdad thoát khỏi tình trạng này.
Một lần nữa, Iraq lại tự thấy mình bị kiểm soát bởi các thế lực bên ngoài và không nhờ đến sự hỗ trợ của thế lực nào vào thời điểm bất ổn lan rộng, khi người dân phản đối tình trạng thiếu điện và nước.
Khi trừng phạt Iran, có thể Mỹ đang vô tình đẩy Iraq ra khỏi vòng tay của Washington và ngả vào vòng tay của Tehran./.