Trang mạng forbes.com đăng tải, trong tuần trước đã xuất hiện nhiều thông tin về việc Iran tiến hành các cuộc tập trận hải quân tại vùng Vịnh Persia.
Cùng lúc, Mỹ cũng không ngừng đưa ra các tuyên bố cứng rắn và chỉ trích nhằm vào chế độ Iran.
Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), hay thường được gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran, tái áp đặt các đòn trừng phạt với nước cộng hòa Hồi giáo và liên tục khẩu chiến trên Twitter với giới lãnh đạo Tehran.
Câu hỏi của nhiều người là phải chăng Mỹ đang dấn thân vào một cuộc chiến với Iran?
Nếu Iran bất ngờ tấn công Mỹ, thì dù 5 dấu hiệu này có diễn ra trong thực tế hay không thì chiến tranh bùng phát cũng là điều khó tránh.
Mỹ tăng cường các hoạt động tại căn cứ không quân ở Qatar và Diego Garcia
Mỹ duy trì các căn cứ không quân lớn tại Qatar (căn cứ Al-Udeid) và trên đảo Diego Garcia tại trung tâm Ấn Độ Dương.
Cả hai cơ sở này đều được Mỹ tận dụng triệt để trong các cuộc chiến tại Iraq năm 1991 và 2003, đồng thời cũng là nơi triển khai các chiến dịch không quân để phục vụ các cuộc xung đột tại Iraq và Afghanistan.
[Mỹ tìm sự ủng hộ của Đông Nam Á trong vấn đề trừng phạt Iran]
Nếu tấn công phủ đầu Iran, Mỹ sẽ triển khai các chiến dịch hải quân và không quân, vì vậy các căn cứ không quân này sẽ là đầu mối cho các chiến dịch của Mỹ.
Bahrain cũng có thể tham gia vào các chiến dịch do Washington phát động, song mọi chuyện phụ thuộc vào bối cảnh chính trị nội bộ của họ.
Gia đình cầm quyền tại Bahrain theo dòng Hồi giáo Sunni, song đa phần dân chúng lại theo dòng Hồi giáo Shi’ite, vì vậy những mâu thuẫn nội bộ có thể cản trở Bahran trực tiếp tham gia các diễn biến này.
Củng cố an ninh tại các căn cứ tại Trung Đông
Iran có lực lượng đặc nhiệm cực kỳ quy mô và luôn sẵn sàng tấn công các căn cứ của Mỹ nếu xung đột nảy sinh.
Đề phòng tình huống này, Mỹ có thể sẽ điều động thêm binh sỹ tới để củng cố an ninh cho các căn cứ trong khu vực, nhất là các căn cứ tại Kuwait, Bahrain, và Qatar vì các căn cứ này giáp Vịnh Persia.
Lực lượng được bổ sung có thể là bộ binh song chủ yếu chỉ là vì mục đích đảm bảo an ninh địa phương. Khó có khả năng Mỹ sẽ tiến hành bất kỳ chiến dịch bộ binh nào, nhất là trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột.
Sự xuất hiện của các chuyến bay do thám
Trước mỗi cuộc xung đột, Mỹ sẽ tăng cường các chuyến bay do thám trên không phận Iran để xác định rõ các mục tiêu phục vụ việc tấn công sau này.
Mỹ sẽ cố gắng che giấu các nỗ lực này, vì vậy, để phát hiện ra chúng, người ta phải sử dụng các thiết bị theo dõi tầm thấp hoặc theo dõi bằng vệ tinh.
Tuy nhiên, cũng sẽ có những chuyến bay bị phát hiện. Iran chắc chắn sẽ nhận thấy sự gia tăng của các hoạt động này và sẽ chỉ trích Mỹ xâm phạm không phận.
Các công dân và gia đình của các sỹ quan Mỹ được sơ tán khỏi Bahrain
Hải quân Mỹ có một căn cứ thường trực tại Bahrain là trung tâm “Hoạt động Hỗ trợ Hải quân.”
Bahrain là một trong những quốc gia phản đối Iran mạnh mẽ nhất song lại nằm rất gần nước cộng hòa Hồi giáo này, vì vậy Bahrain dễ bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột ngay cả khi họ không trực tiếp tham gia.
Vì vậy, nếu nguy cơ chiến tranh đe dọa Bahrain, giới chức quân sự chắc chắn sẽ di tản các công dân và gia đình của các sỹ quan Mỹ tại căn cứ kể trên.
Mỹ tăng cường các hoạt động hải quân
Trong vài năm trở lại đây, Mỹ đã hạn chế các hoạt động hải quân tại vùng Vịnh Persia và Ấn Độ Dương do các cuộc xung đột tại Iraq và Afghanistan buộc Mỹ phải chú tâm hơn tới khu vực Thái Bình Dương.
Vì vậy, Hải quân Mỹ chắc chắn sẽ phải đưa tàu chiến đến khu vực để chuẩn bị cho các chiến dịch trong trường hợp xung đột với Iran bùng lên.
Bất chấp những tuyên bố gay gắt, hiện chưa có bất kỳ thông tin nào cho thấy dù chỉ một trong số các tín hiệu trên, vì vậy, người dân Mỹ cũng có thể tạm yên tâm rằng Chính quyền Washington chưa tính đến việc dấn thân vào một cuộc chiến mới.
Dù vậy, người ta vẫn phải theo dõi chặt chẽ tình hình nếu căng thẳng tiếp tục leo thang và nhất là khi các mâu thuẫn với Mỹ tác động nghiêm trọng đến tình hình tại Iran và Iran đối mặt với những bất ổn rất lớn trong nội bộ./.