Trung Quốc bắt đầu 'vẽ' cấu trúc Trung Đông mới như thế nào?

Trung Quốc tìm cách thúc đẩy quan hệ hữu nghị với tất cả các nước Trung Đông, thiết lập quan hệ kinh tế sâu sắc, tích lũy vốn chính trị và từng bước tăng cường sức mạnh đòn bẩy và ảnh hưởng của mình.
Trung Quốc bắt đầu 'vẽ' cấu trúc Trung Đông mới như thế nào? ảnh 1Sự kết nối giữa Trung Quốc và Trung Đông. (Nguồn: European Financial Review)

Theo trang mạng asiatimes.com, khi Mỹ điều chỉnh lại chính sách can dự của họ với Trung Đông, Trung Quốc đã dần mở rộng ảnh hưởng theo những cách có thể làm thay đổi đặc điểm của trật tự khu vực.

Sự bùng nổ hoạt động ngoại giao giữa Trung Quốc và các quốc gia Trung Đông thu hút sự chú ý rộng rãi của giới truyền thông hồi tháng 1 vừa qua là biểu tượng cho xu hướng này, đồng thời Trung Quốc cũng mong muốn thể hiện mình là một cường quốc mới.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố với báo giới rằng không bao giờ có ‘khoảng trống quyền lực’ ở Trung Đông và không cần có chế độ gia trưởng từ bên ngoài."

Ông Vương Nghị nhấn mạnh rằng “khu vực đã và đang phải chịu tình trạng bất ổn và xung đột từ lâu do sự can thiệp của nước ngoài," ám chỉ niềm tin lâu nay của các quan chức và nhà hoạch định chính sách Trung Quốc rằng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực là một lực lượng gây mất ổn định.

Bộ máy truyền thông của Trung Quốc đã và đang giúp củng cố những nhận thức này. Trong một bài báo đăng trên Thời báo Hoàn Cầu đề cập những diễn biến gần đây giữa Trung Quốc và khu vực, tác giả Zhang Han viết: “Mỹ liên tục can dự và đầu tư vào khu vực này vì lợi ích của họ và gieo mầm dân chủ, tạo ra sự hỗn loạn và xung đột." Ngược lại, “Trung Quốc không có kẻ thù, chỉ có bạn bè ở Trung Đông," Zhang tuyên bố.

[Ý nghĩa quan trọng của 'Cửa ngõ toàn cầu' đối với hợp tác ASEAN-EU]

Các quan chức Trung Quốc có truyền thống miễn cưỡng thách thức Mỹ ở Trung Đông, chủ yếu vì Mỹ đã và đang cung cấp các biện pháp an ninh giúp bảo vệ lợi ích của Trung Quốc.

Trong bối cảnh cạnh tranh cường quốc mới và nhận thức việc Mỹ đang giảm bớt sự hỗ trợ an ninh, các tính toán của Bắc Kinh dường như đã thay đổi. Là những người hiểu rõ về lịch sử, các quan chức Trung Quốc từ lâu đã cảnh giác để không bị lôi kéo vào nơi mà nhiều người ở Đại lục coi là “nghĩa địa hỗn loạn và nguy hiểm, nơi chôn vùi các đế chế." Do đó, cách tiếp cận của Trung Quốc đối với khu vực Trung Đông luôn thận trọng, dựa trên các nguyên tắc phòng ngừa rủi ro chiến lược.

Bắc Kinh đã tìm cách thúc đẩy quan hệ hữu nghị với tất cả các nước trong khu vực, thiết lập quan hệ kinh tế sâu sắc, tích lũy vốn chính trị và từng bước tăng cường sức mạnh đòn bẩy và ảnh hưởng của mình.

Lợi ích ngày càng sâu sắc

Các lợi ích của Bắc Kinh trong khu vực ngày nay được cảm nhận một cách mạnh mẽ và sâu sắc. Trung Quốc phụ thuộc vào Trung Đông để đảm bảo đáp ứng khoảng một nửa nhu cầu năng lượng cần thiết để tiếp tục phát triển và ngày càng dựa vào các quốc gia như Qatar để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên ổn định cho Đại lục.

Kim ngạch thương mại giữa “gã khổng lồ Đông Á” với các quốc gia Vùng Vịnh đã vượt 200 tỷ USD vào năm ngoái; Trung Quốc hiện là đối tác hàng đầu của khu vực giàu dầu mỏ này. Trong khi đó, ước tính có tới 60% hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước Trung Đông quá cảnh Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Ở vùng Levant, Trung Quốc là nhà xuất khẩu lớn nhất sang Ai Cập, Israel và Liban, và lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Jordan. Chỉ trong 2 thập kỷ, giá trị hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang 6 quốc gia này đã tăng gần 12 lần, từ 4,2 tỷ USD năm 2000 lên 53,4 tỷ USD trong năm 2020.

Các quốc gia trong khu vực đã tranh thủ Huawei và Alibaba để xây dựng mọi thứ từ thành phố thông minh và cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo đến mạng viễn thông 5G. Khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan vào cuối năm ngoái, Trung Quốc đã tăng cường đẩy mạnh hợp tác kinh tế với khu vực.

Theo một báo cáo về đầu tư của sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc do Trung tâm Tài chính và Phát triển Xanh của trường Đại học Phúc Đán công bố mới đây, “các quốc gia Arab và Trung Đông đã chứng kiến mức đầu tư tăng khoảng 360% và mức độ cam kết xây dựng tăng 116%” so với năm 2020.

Syria gần đây đã ký thỏa thuận hợp tác BRI với Bắc Kinh trong khi Maroc cũng xác nhận kế hoạch triển khai sáng kiến này với Bắc Kinh. Những động thái đó cho thấy mức độ tương tác sẽ tiếp tục tăng trong suốt năm 2022.

Kiến trúc an ninh

Trung Quốc chắc chắn đã ảnh hưởng đến cấu trúc an ninh khu vực, mặc dù ở mức độ khiêm tốn. Bắc Kinh hiểu rằng họ phải bảo vệ các chuyến hàng hóa và dầu mỏ đi qua các cửa ngõ hàng hải nhộn nhịp và quan trọng trên đường đến Trung Quốc và ngăn chặn “chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan” tràn qua biên giới vào Trung Quốc. Vì vậy, hải quân Trung Quốc đã hoạt động ở Vịnh Aden từ năm 2008, và căn cứ quân sự của nước này ở Djibouti đã được mở rộng và nâng cấp để có thể đón tiếp tàu sân bay.

Những thông tin về việc Trung Quốc cử các đơn vị đặc nhiệm đến Syria đã xuất hiện từ năm 2017 và các cuộc tập trận chung giữa Trung Quốc, Nga và Iran hồi tháng 1 vừa qua đã trở thành sự kiện thông thường.

Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Iran sẽ trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Với mong muốn duy trì sự cân bằng mong manh trong khu vực, Bắc Kinh chắc chắn tính đến việc lôi kéo những người bạn khác của Trung Quốc gia nhập câu lạc bộ này, công nhận Saudi Arabia, Ai Cập và Qatar là các đối tác đối thoại.

Các báo cáo gần đây lưu ý rằng Trung Quốc đang giúp Saudi Arabia thúc đẩy chương trình tên lửa đạn đạo trong khi tiếp tục theo đuổi quan hệ đối tác chiến lược 25 năm trị giá 400 tỷ USD với Iran - một dấu hiệu khác cho thấy Bắc Kinh mong muốn duy trì cách tiếp cận cân bằng trong khu vực.

Mô hình lỗi thời của Mỹ

Bất chấp sự hiện diện quân sự trong khu vực còn non trẻ nhưng đang gia tăng của Trung Quốc, Bắc Kinh dường như muốn duy trì tập trung vào kinh tế trong khi để các quốc gia khác, đặc biệt là Nga, cung cấp các đảm bảo an ninh.

Theo Zhang Han, “Nga đã có sự hiện diện đáng chú ý ở Trung Đông, đặc biệt là ở Syria." Ông nói thêm rằng “sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung Quốc và Nga có thể giúp tránh những mâu thuẫn chính trị và góp phần mang lại sự ổn định trong khu vực.”

Trung Quốc ở Trung Đông ngày nay có lẽ tương tự như vị trí của Mỹ trong khu vực vào cuối thập kỷ XX của thế kỷ trước, khi Anh và Pháp là những cường quốc quân sự nước ngoài thống trị vùng Levant.

Trong một phần tư thế kỷ tiếp theo, quyền lực của châu Âu bị suy yếu. Mỹ đã lấn át và trở thành lực lượng thống trị ở Trung Đông, bảo vệ những lợi ích mà nước này đã vun đắp và nuôi dưỡng trong suốt 4 thập kỷ trước đó.

Mặc dù thế giới ngày nay rất khác, nhưng nhu cầu của các cường quốc trong việc thúc đẩy lợi ích quốc gia ở Trung Đông vẫn là một động lực hấp dẫn. Bằng chứng là Trung Quốc đang tham gia tái định hình cấu trúc khu vực của Trung Đông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục