Trung Quốc đi ngược lại với chính những gì họ đã cam kết

Việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 cùng hàng loạt hành động gây hấn của Trung Quốc thể hiện sự thiếu trách nhiệm của nước này với các nước nhỏ hơn.
Trung Quốc đi ngược lại với chính những gì họ đã cam kết ảnh 1Rất nhiều tàu lớn của Trung Quốc tham gia bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981). (Nguồn: Cảnh sát biển Việt Nam)

Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đang đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế khi có những hành động ngang ngược tại Biển Đông. Việc ức hiếp nước nhỏ thể hiện sự thiếu trách nhiệm của Trung Quốc với cộng đồng quốc tế.

Ngược chiều luật pháp quốc tế

Sáng 13/5, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp Hữu nghị) đã tổ chức buổi chia sẻ thông tin với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài về tình hình Biển Đông. Sự kiện này của đã thu hút rất đông sự quan tâm của các đại biểu, đại diện các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, Liên hiệp Hữu nghị và các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước.

Tại buổi chia sẻ, các diễn giả đã nhấn mạnh việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) trong vùng biển của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Theo các diễn giả, hành động này là bất hợp pháp và đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, trực tiếp là công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, đi ngược lại nội dung thỏa thuận cấp cao giữa hai nước.

Hành động xâm phạm của Trung Quốc đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin cậy chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước, làm tổn thương tình cảm của nhân dân Việt Nam, làm cho dư luận Việt Nam cũng như khu vực và thế giới lo ngại, tác động sâu sắc tới môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Vũ Tùng (Viện Biển Đông) nhận định, hiện nay tình hình ở Biển Đông đã đi từ chỗ quan ngại đến mức nguy hiểm. Trung Quốc ngoài việc sử dụng hơn 80 tàu đã sử dụng cả lực lượng không quân tham gia vào diễn biến trên Biển Đông và tàu của Việt Nam đã phải dùng vòi rồng chống lại chính những biện pháp mà phía Trung Quốc đang dùng để cản trở phía Việt Nam thực thi luật pháp.

Liệt kê ra các hành động gây hấn của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông, Phó giáo sư Nguyễn Vũ Tùng khẳng định, hành động của Trung Quốc đang đi lại luật pháp quốc tế, đi ngược lại với Công ước Luật Biển, các tuyên bố chính trị song phương, đa phương…

Theo ông Tùng, đáng lẽ một nước lớn phải có những hành vi thỏa mãn hòa bình, thịnh vượng của thế giới thì các hành vi của Trung Quốc lại thể hiện sự vô trách nhiệm, ức hiếp nước nhỏ, làm ảnh hưởng lòng tin tới các nước với nhau.

Đưa ra các điều khoản cụ thể, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh (Phó trưởng khoa Luật Quốc tế, Học Viện Ngoại giao) cho hay, việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) của phía Trung Quốc vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế.

“Việt Nam có đủ bằng chứng pháp lý chứng minh chủ quyền Hoàng Sa,” bà Lan Anh khẳng định.

Hành động “không bình thường”

Trước câu hỏi về việc Trung Quốc đang coi thường luật pháp quốc tế khi có những hành động tại Biển Đông, tiến sĩ Nguyễn Vũ Tùng cho rằng, hành động của Trung Quốc là không bình thường. Bởi lẽ, một người bình thường không đi lại với những gì mình đã cam kết (các thỏa thuận quốc tế); đi ngược lại với chính nỗ lực của Trung Quốc đang cố xây dựng mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng (sáng kiến ký hiệp ước láng giềng thân thiện với các nước ASEAN; hợp tác hình thành con đường tơ lụa trên Biển Đông).

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang không nhạy cảm với những diễn biến phức tạp, trong khi cả thế giới đang nhìn vào việc hành vi của nước lớn với các nước nhỏ.

Các chuyên gia chúng ta sẽ phải đấu tranh về chính trị, ngoại giao và tuyên truyền hiệu quả để chủ quyền trên Biển Đông được thiết lập. Việt Nam cần sử dụng các công cụ hòa bình và hiện tại còn “chưa sử dụng hết.”  Các công cụ hòa bình ở đây chính là đàm phán, đưa sang bên thứ ba, ra tòa án quốc tế…

Tại buổi chia sẻ, cộng đồng các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã bày tỏ nỗi quan ngại sâu sắc đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển của Việt Nam và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế trước hành động leo thang của Trung Quốc, kiên trì thúc đẩy đảm phán trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đề nghị Liên hợp quốc và ASEAN có các biện pháp nhằm chấm dứt xung đột ở Biển Đông. Việc Trung Quốc rút hết giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam sẽ góp phần ổn định môi trường hòa bình ở khu vực và trên thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục