Trung Quốc - 'ngư ông đắc lợi' từ chính sách nhập cảnh của Mỹ

Trong khi người châu Phi ngày càng hướng sang Trung Quốc để kinh doanh và tìm nguồn tài chính, cường quốc châu Á này cũng đang tận dụng, khai thác cơ hội Mỹ đã từ chối.
Trung Quốc - 'ngư ông đắc lợi' từ chính sách nhập cảnh của Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: investingacad.com)

Trang mạng của Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Nam Phi (SAIIA) mới đây đăng bài phân tích của nhà nghiên cứu cấp cao Cobus van Staden thuộc Chương trình Quan hệ quốc tế, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-châu Phi, về lệnh hạn chế nhập cảnh mở rộng vào Mỹ mới được Chính quyền Tổng thống Donald Trump ban hành.

Nhờ chính sách này, vô tình Trung Quốc trở thành "ngư ông đắc lợi" cả về kinh tế, chính trị và thiện cảm.

Nội dung bài viết như sau:

Nếu Mỹ muốn ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Phi, sự can dự lớn hơn của Mỹ đối với Nigeria là đòi hỏi nhãn tiền.

Tuy nhiên, với quyết định đưa công dân của nền kinh tế lớn nhất châu Phi vào danh sách mở rộng cấm nhập cảnh vào Mỹ, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang làm điều ngược lại.

[Lý giải nguyên nhân các cường quốc "để mắt" tới châu Phi]

Khi mọi sự chú ý hiện nay đều tập trung vào dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19), cũng như cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump và các đề cử ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ ở Iowa, ít ai chú ý đến thông báo của Chính quyền Tổng thống Trump rằng Mỹ sẽ mở rộng lệnh cấm nhập cảnh gây nhiều tranh cãi ban hành năm 2017 đối với 6 quốc gia khác, trong đó có 4 nước châu Phi.

Được công bố vào năm 2017, Mỹ đã triển khai lệnh cấm nhập cảnh với công dân các nước Iran, Libya, Triều Tiên, Somalia, Syria, Venezuela và Yemen trong trường hợp không có các mối liên hệ gia đình tại Mỹ.

Danh sách mở rộng mới công bố cấm công dân các nước Eritrea, Kyrgyzstan, Myanmar và Nigeria nộp đơn xin cư trú và làm việc ở Mỹ, đồng thời không cho phép công dân Sudan và Tanzania tham gia Chương trình thị thực đa dạng - chương trình lựa chọn ngẫu nhiên hàng năm để cấp thẻ xanh cư trú và lao động tại Mỹ với mục tiêu thúc đẩy nhập cư vào Mỹ đối với các nước có số lượng công dân nhập cư vào Mỹ thấp.

Chính quyền Tổng thống Trump lập luận rằng lệnh cấm nhập cảnh năm 2017 là cần thiết để bảo vệ người Mỹ khỏi chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo.

Việc mở rộng lệnh cấm lần này là do "sự thiếu hiệu quả trong chia sẻ thông tin và các yếu tố rủi ro an ninh quốc gia," chẳng hạn như thiết sót trong việc theo dõi những nghi can khủng bố.

Tuy nhiên, cũng giống như việc bức tường biên giới của ông Trump không có khả năng ngăn chặn dòng người di cư không có giấy tờ đến từ Trung và Nam Mỹ, lệnh cấm nhập cảnh cũng không thể giúp người Mỹ an toàn hơn.

Việc mở rộng lệnh cấm nhập cảnh này chủ yếu vì mục đích chính trị.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần và ông Trump dường như muốn tăng lượng cử tri ủng hộ. Lệnh cấm nhập cảnh mở rộng mang đậm màu sắc chính trị của đảng Cộng hòa cánh hữu.

Trong những năm qua, Chính quyền của ông Trump đã tích cực hạn chế nhập cảnh từ Nigeria.

Năm 2018, Mỹ đã từ chối 57% đơn xin thị thực ngắn hạn của công dân Nigeria, nhóm nước có tỷ lệ công dân bị từ chối nhập cảnh cao nhất.

Lệnh cấm nhập cảnh một lần nữa được bổ sung tiêu chí mới trở thành mô hình mặc định dài hạn, khiến người Nigeria gần như không thể di cư đến hoặc làm việc ở Mỹ.

Tuy nhiên, biện pháp hạn chế nhập cảnh của Mỹ nhắm vào Nigeria là tương đối khó hiểu.

Theo thống kê, người Nigeria nhập cư vào Mỹ mang tính kiểu mẫu: 59% số này có bằng cử nhân trở lên (so với 31% tổng dân số Mỹ); năm 2019, người Nigeria đóng góp hơn 500 triệu USD cho hệ thống giáo dục Mỹ; và năm 2018, các doanh nghiệp Nigeria đã đầu tư vào Mỹ 75 triệu USD.

Hơn nữa, cộng đồng người Nigeria ở Mỹ đã góp phần tăng cường quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Nigeria cũng là một trong những đối tác châu Phi quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Là quốc gia đông dân nhất và nền kinh tế lớn ở châu Phi, Nigeria đóng vai trò quan trọng trong sáng kiến "châu Phi thịnh vượng" của Chính quyền Tổng thống Trump - sáng kiến được đưa ra với mục đích khai thác các cơ hội kinh doanh trên lục địa.

Với việc ngăn chặn người Nigeria có được thị thực lao động và thị thực cư trú, Chính quyền Mỹ sẽ làm suy yếu sự thịnh vượng của Nigeria. Lĩnh vực công nghệ của Nigeria sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Ngành công nghệ là một động lực mạnh mẽ đối với sự tăng trưởng và phát triển của Nigeria.

Năm 2019, đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực công nghệ châu Phi đã lần đầu tiên vượt 1 tỷ USD, trong đó Nigeria chiếm tỷ trọng lớn.

Tuy nhiên, sự tiến bộ liên tục phụ thuộc vào trao đổi với Mỹ - điều này sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi các quy định nhập cảnh mới của ông Trump. Sáng kiến "châu Phi thịnh vượng" không đơn thuần chỉ là vấn đề kinh tế.

Như Cố vấn an ninh quốc gia lúc bấy giờ John Bolton đã lưu ý vào năm 2018, sáng kiến này cũng nhằm ngăn chặn sự gia tăng ảnh hưởng nhanh chóng của Trung Quốc tại châu Phi. Không nơi nào ở châu Phi, ảnh hưởng của Trung Quốc trên châu lục lại rõ ràng hơn ở Nigeria.

Năm 2019, hai công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính của Nigeria là OPay và PalmPay đã nhận được tổng 210 triệu USD vốn đầu tư của Trung Quốc.

Trung Quốc cũng là khách hàng lớn đối với nguồn dầu mỏ xuất khẩu của Nigeria và là nhà cung cấp chính các vệ tinh liên lạc, hệ thống mạng 5G và máy bay không người lái có vũ trang.

Trung Quốc hiện đang tài trợ dự án đường sắt trị giá 3,9 tỷ USD nối thủ đô Abuja ở miền Trung với bờ biển Nigeria; tuyến đường sắt trị giá 7 tỷ USD giữa Lagos và Kano; cũng như một số dự án đường bộ, bao gồm đường cao tốc xuyên Sahara nối Nigeria với 5 quốc gia khác.

Những ảnh hưởng của cuộc tấn công bằng quyền lực mềm của Trung Quốc vượt ra ngoài phạm vi lĩnh vực kinh tế.

Chẳng hạn, Chính phủ Nigeria hiện đang xem xét dự thảo luật, theo mô hình của Trung Quốc, sẽ hạn chế tự do ngôn luận trên phương tiện truyền thông xã hội.

Nếu Mỹ muốn ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Phi, sự can dự lớn hơn của Chính quyền Tổng thống Trump đối với Nigeria là điều cần thiết.

Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là Mỹ cần xem xét tham vọng phát triển của Nigeria một cách nghiêm túc và gắn kết với các doanh nhân thực tế ở Nigeria, với những sinh viên tốt nghiệp và các nhà lãnh đạo dân sự.

Mỹ có thể tuyên bố rằng nước này muốn tập trung vào "thương mại không viện trợ" tại châu Phi, nhưng lệnh cấm nhập cảnh mở rộng khiến chiến lược dài hạn này trở nên khó thực hiện hơn.

Thay vào đó, lệnh hạn chế nhập cảnh đang duy trì định kiến phân biệt chủng tộc đối với châu Phi, coi lục địa này như một gánh nặng. Đối với người châu Phi, lệnh cấm nhập cảnh có nghĩa là nước Mỹ đang từ chối họ.

Một cách có hệ thống và có lẽ là vĩnh viễn, Chính quyền của ông Trump đã và đang phá vỡ nhận thức của người châu Phi về nước Mỹ như một vùng đất của tự do, công lý và cơ hội.

Trong khi người châu Phi ngày càng hướng sang Trung Quốc để kinh doanh và tìm nguồn tài chính, cường quốc châu Á này cũng đang tận dụng, khai thác cơ hội Mỹ đã từ chối./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục