Trung Quốc: Nhà cung cấp kiện Temu vì chính sách "hoàn tiền không cần trả hàng"

Nhiều nhà cung cấp Trung Quốc phàn nàn rằng nền tảng này đã đặt ra các điều khoản khắc nghiệt, bao gồm cả tiền phạt rất nặng nếu khách hàng phàn nàn hoặc yêu cầu hoàn tiền.

Trung Quốc: Nhà cung cấp kiện Temu vì chính sách "hoàn tiền không cần trả hàng"

Hàng trăm nhà cung cấp Trung Quốc trên Temu, ứng dụng mua sắm quốc tế cho PDD Holdings điều hành, đã tổ chức một cuộc biểu tình tại văn phòng của gã khổng lồ thương mại điện tử này tại Quảng Châu nhằm phản đối các chính sách bán hàng vô lý.

Theo những thông tin trong các đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội, vào ngày 29/7 vừa qua, hàng chục người biểu tình đã xông vào văn phòng PDD. Theo thông tin của hãng truyền thông Trung Quốc Yi Magazine, khoảng 80 nhà cung cấp đã có mặt tại văn phòng PDD vào thời điểm đó, nhưng sau đó đã rời đi.

Đây không phải là lần đầu tiên những người bán hàng phản đối Temu. Trong một tuyên bố đưa ra 1 ngày sau đó, phía công ty cho biết “một nhóm thương gia đã tập trung tại văn phòng của một chi nhánh Temu tại Quảng Châu.

Họ không hài lòng với cách Temu xử lý các vấn đề hậu mãi liên quan đến chất lượng và yêu cầu của sản phẩm. Số tiền bị tranh chấp lên tới hơn 1 triệu Nhân dân tệ.”

“Những người bán hàng đã từ chối giải quyết tranh chấp thông qua các kênh trọng tài và pháp lý thông thường được nêu trong thỏa thuận với người bán. Tình hình vẫn ổn định và công ty vẫn đang tích cực làm việc với các thương gia để đưa ra giải pháp,” Temu cho biết.

Sự việc này có thể sẽ làm tăng thêm sự bất ổn xung quanh Temu, vốn đang phải đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro khác như thuế nhập khẩu nghiêm ngặt do Mỹ và Liên minh châu Âu áp đặt.

Temu là một doanh nghiệp cạnh tranh với Shein và TikTok Shop, cũng như AliExpress của Alibaba Group Holding trong việc bán các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc cho khách hàng nước ngoài một cách trực tiếp.

Temu đang mở rộng phạm vi hoạt động đến người tiêu dùng ở Mỹ và các thị trường nước ngoài khác, cung cấp các sản phẩm có mức giá hấp dẫn như váy 6,92 USD, dép 3,99 USD. Tuy nhiên, nhiều nhà cung cấp Trung Quốc phàn nàn rằng nền tảng này đã đặt ra các điều khoản khắc nghiệt, bao gồm cả tiền phạt rất nặng nếu khách hàng phàn nàn hoặc yêu cầu hoàn tiền.

Temu cũng cho phép người mua hàng giữ lại các mặt hàng đã được hoàn tiền do chi phí giao nhận xuyên biên giới cao, nhưng một số người bán hàng cho biết họ không nhận được bất kỳ khoản hoàn trả nào từ Temu trong những trường hợp này.

Một nhà cung cấp có trụ sở tại Quảng Châu, người không tham gia vào cuộc biểu tình trên, cho biết anh đã được nghe kể về vụ việc từ các đồng nghiệp, đồng thời cho biết anh cũng là một “nạn nhân” của các chính sách của Temu. Nhà kinh doanh này, từ chối nêu tên, cho biết anh đã có doanh thu 40 triệu Nhân dân tệ (khoảng 5,5 triệu USD) trên nền tảng này vào năm ngoái, nhưng đã bị Temu khấu trừ 3 triệu Nhân dân tệ “tiền phạt” do khách hàng hoàn tiền và khiếu nại, khiến anh gần như mất hết lợi nhuận.

Người bán hàng cho biết khi phát sinh vấn đề sau bán hàng, Temu sẽ hoàn lại tiền cho khách hàng và cho phép họ giữ sản phẩm, đồng thời phạt người bán gấp đôi giá cho vấn đề sau bán hàng. Ông lưu ý rằng khi doanh số tăng, tiền phạt cũng tăng. Ông không thấy nhiều cơ hội lấy lại được tiền của mình.

Một người bán hàng khác, cũng từ chối nêu tên, cho biết PDD vẫn chưa đưa ra giải pháp cho các khiếu nại của người bán hàng. Trong trường hợp của mình, anh này đã bán được khoảng 800.000 Nhân dân tệ tiền doanh thu trên Temu, nhưng nền tảng này đã giữ lại 300.000 Nhân dân tệ để phạt và hoàn tiền.

Một người bán điện thoại di động tại Thâm Quyến cho biết anh đã phải chịu khoản lỗ khoảng 80.000 USD trên Temu, bao gồm tiền phạt và tiền chưa thanh toán cho các sản phẩm đã bán. Ngoài ra, người này cho biết anh đã phải chịu khoản lỗ tương đương với 200 chiếc điện thoại thông minh do chính sách hoàn tiền nhưng không trả lại hàng của Temu và anh vẫn đang chờ số tiền mà Temu hoàn trả.

Người này cũng cho biết Temu có thể phạt người bán hàng với số tiền gấp 5 lần giá trị của sản phẩm.

Những cuộc tranh cãi giữa các nhà cung cấp và các nền tảng kinh doanh trực tuyến khác, không chỉ riêng Temu, không còn là điều mới mẻ, kể cả ở Việt Nam. Nội dung các cuộc tranh chấp này thường xoay quanh chính sách chiết khấu, đổi trả hàng mà người bán thường cho rằng không hợp lý.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá mức của các nhà cung cấp vào các nền tảng trực tuyến này thường khiến họ không dễ dàng từ bỏ việc kinh doanh.

Và nhiều khách hàng cho rằng, với hình thức bán hàng online rất dễ đem lại rủi ro cho khách hàng khi không nhận được sản phẩm ưng ý, những chính sách chặt chẽ của những nền tảng thương mại điện tử này sẽ khiến các nhà cung cấp cẩn trọng hơn trong việc kinh doanh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục