Trung Quốc tham vọng phát triển mạnh mẽ Internet công nghiệp

Thị trường Internet công nghiệp ở Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 892,47 tỷ nhân dân tệ vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 13,6%.
Một công nhân vận hành máy xúc không người lái điều khiển từ xa tại mỏ Sandaozhuang, tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc. (Nguồn: Tân Hoa xã)
Một công nhân vận hành máy xúc không người lái điều khiển từ xa tại mỏ Sandaozhuang, tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Theo Tân Hoa Xã và đài Sputnik, Trung Quốc công bố sẽ xây dựng 30 nhà máy kết nối thế hệ mạng di động thứ 5 (5G) trong 10 lĩnh vực công nghiệp chủ chốt vào năm 2023 trong bối cảnh nước này đã sở hữu trình độ phát triển Internet trong công nghiệp ở cấp độ cao thông qua tích hợp các công nghệ 5G.

Đây là nội dung chính của kế hoạch hành động trong vòng 3-5 năm tới mà Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc công bố gần đây.

Theo nhận định của các chuyên gia, kế hoạch này sẽ giúp Trung Quốc phát triển đổi mới Internet trong công nghiệp đạt cấp độ quốc tế và khi đó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ ngành công nghiệp toàn cầu.

Tân Hoa Xã dẫn nội dung kế hoạch trên nói rằng 3-5 nền tảng Internet công nghiệp có tầm ảnh hưởng quốc tế sẽ trở thành hiện thực và một trung tâm dữ liệu lớn cho lĩnh vực Internet công nghiệp sẽ được thiết lập vào năm 2023.

Kế hoạch này cũng chỉ ra rằng giai đoạn 3 năm tới (2021-2023) sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của lĩnh vực Internet công nghiệp tại Trung Quốc.

Internet công nghiệp, hay còn được biết đến là Internet Vạn vật cho công nghiệp, liên quan ứng dụng ở quy mô rộng lớn hơn các công nghệ hiện đại như các mạng không dây thế hệ mới, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo cũng như Internet vạn vật.

Bộ trên tiết lộ Trung Quốc hiện đang phát triển hơn 70 nền tảng Internet công nghiệp có tầm ảnh hưởng khu vực, kết nối khoảng 60 triệu bộ thiết bị công nghiệp và hơn 400.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp.

Theo ghi nhận của Sputnik, Trung Quốc kỳ vọng sẽ mang lại cho 5G một vai trò quan trọng như một cơ sở công nghệ cho sự phát triển hơn nữa của ngành và đưa vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đến năm 2023, Trung Quốc cần phải hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển của mạng Internet công nghiệp, có thể bao phủ các vùng lãnh thổ và khu vực sản xuất khác nhau, tạo ra 30 mạng 5G tích hợp hoàn chỉnh cho các doanh nghiệp mẫu trong 10 ngành công nghiệp chủ chốt.

Các định dạng mới của Internet công nghiệp

Tân Hoa Xã dẫn tài liệu cho biết từ năm 2021-2023, Trung Quốc sẽ thúc đẩy các mô hình và định dạng mới của Internet công nghiệp, ví dụ sản xuất thông minh, tương tác web, tùy chỉnh cá nhân hóa và quản trị kỹ thuật số.

40 doanh nghiệp đổi mới sẽ xuất hiện ở Trung Quốc vào năm 2023, doanh thu của mỗi doanh nghiệp trong số đó sẽ vượt quá 1 tỷ nhân dân tệ.

Thị trường Internet công nghiệp ở Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 892,47 tỷ nhân dân tệ vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 13,6%.

[Trung Quốc phản đối Thụy Điển loại Huawei và ZTE khỏi dự án mạng 5G]

Sự phát triển của Internet công nghiệp và số hóa sản xuất là những lĩnh vực ưu tiên trong chính sách công nghiệp Trung Quốc trong nhiều năm tới.

Ngay trong phần mở đầu của chương trình “Sản xuất ở Trung Quốc 2025,” được công bố năm 2015, người ta nhận thấy tiềm năng công nghiệp Trung Quốc rất lớn nhưng chưa mạnh.

Để phát huy hết thế mạnh này, Trung Quốc cần phải tăng cường đổi mới và phát triển năng lực của công nghệ.

Đột phá công nghệ cho 10 ngành công nghiệp

Có 10 ngành công nghiệp chủ chốt cần phải tạo ra đột phá về công nghệ và phát triển tiềm năng đổi mới của riêng mình.

Đó là chất bán dẫn, công nghệ thông tin truyền thông thế hệ mới, máy CNC (máy được điều khiển tự động với sự hỗ trợ của máy tính), robot, vật liệu mới, y sinh, đóng tàu, vận tải đường sắt tốc độ cao, ôtô tự lái và máy móc dựa trên các nguồn năng lượng mới, công nghệ nông nghiệp, hàng không vũ trụ, năng lượng.

Giả định đến năm 2025, Trung Quốc sẽ tích lũy năng lực của riêng mình và các quyền sở hữu trí tuệ tương ứng trong các ngành này, đồng thời củng cố đáng kể vị thế trên thị trường thế giới, đồng thời giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nước khác trong việc sản xuất các sản phẩm này.

Trả lời Sputnik, Zhou Nianli từ Trung tâm Nghiên cứu WTO tại Đại học Kinh tế-Thương mại Quốc tế Trung Quốc, nhận định công nghệ đầu cuối cung cấp sự đột phá trong công nghiệp chính xác sẽ là giao tiếp 5G.

Trung Quốc tham vọng phát triển mạnh mẽ Internet công nghiệp ảnh 1(Nguồn: insidetelecom.com)

Chuyên gia này nói: “Công nghệ 5G có thể được so sánh với đường cao tốc tốc độ cao, mà trên đó có thể thử nghiệm và phát triển nhiều công nghệ và định dạng mới khác nhau. Một số sản phẩm, công nghệ sẽ được xây dựng trên ‘đường cao tốc’ 5G này sẽ chiếm vị trí hàng đầu và có nhu cầu trên toàn thế giới.”

Theo nhận định của Sputnik, giống như năng lượng điện từng giúp nhiều loại máy móc, thiết bị hoạt động, 5G sẽ cho phép Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu thế giới về tốc độ sản xuất thông minh.

Một điều quan trọng nữa là Internet công nghiệp cũng góp phần thúc đẩy phát triển của các ngành công nghiệp truyền thống mà Trung Quốc ban đầu không có lợi thế cạnh tranh.

Do đó, sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông sẽ giúp thay đổi hoàn toàn hình ảnh của Trung Quốc như một cường quốc công nghiệp thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục