Trung Quốc+1: Kế hoạch khiến vị thế của "công xưởng thế giới" lung lay

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp toàn cầu, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện chiến lược "Trung Quốc+1."
Trung Quốc+1: Kế hoạch khiến vị thế của "công xưởng thế giới" lung lay ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: Reuters.)

Theo báo Liên hợp buổi sáng, nội dung của chiến lược "Trung Quốc+1" do Nhật Bản đưa ra vào đầu thế kỷ này là chuyển một phần của chuỗi sản xuất sang nước thứ ba. Trong bối cảnh chi phí kinh doanh ở Trung Quốc liên tục gia tăng và ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, những năm gần đây mô hình này được nhiều công ty xuyên quốc gia áp dụng rộng rãi.

Vậy những công ty này gặp phải những khó khăn gì trong quá trình triển khai thực hiện và liệu xu hướng này có làm lung lay vị thế "công xưởng thế giới" hàng đầu của Trung Quốc hay không?

Trọng tâm sản xuất toàn cầu bắt đầu dịch chuyển

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp toàn cầu, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện chiến lược "Trung Quốc+1." Phân tán rủi ro chuỗi sản xuất đã trở thành nhận thức chung của nhiều công ty xuyên quốc gia. Tuy nhiên, chiến lược "Trung Quốc+1" nghe ra có vẻ rất "hoàn hảo", nhưng thực tế lại có nhiều thách thức. Dịch chuyển chuỗi sản xuất trên thực tế là chia tách năng lực sản xuất thành thị trường Trung Quốc và thị trường ngoài Trung Quốc.

Theo một nhân viên phụ trách mảng cung ứng của một công ty đồ chơi nổi tiếng châu Âu, giống như nhiều công ty đa quốc gia khác, xuất phát từ việc cân nhắc chi phí kinh doanh, công ty đã dịch chuyển chuỗi cung ứng trước khi xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Cuộc chiến thương mại 3 năm trước đã trở thành chất xúc tác đẩy nhanh kế hoạch này. Nhân viên quản lý này tiết lộ thêm, do toàn bộ quá trình dịch chuyển rất phức tạp, liên quan đến việc phân công và phối hợp của từng bộ phận, nên mặc dù kế hoạch dịch chuyển đã vạch ra được khoảng 4 năm, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Nhiều công ty khác cũng đối mặt với khó khăn trong thực tế chuyển dịch chuỗi sản xuất. Tổng Giám đốc SMT Technology Singapore Vương Đức Hưng, người có mối quan hệ giao thiệp rộng với nhiều công ty xuyên quốc gia ở Trung Quốc cho biết chiến lược "Trung Quốc+1" quả thực đã nằm trong kế hoạch của nhiều công ty. Tuy nhiên, do liên quan đến mặt bằng rộng, quy mô công trình lớn, nên việc triển khai trong thực tế không phải là vấn đề dễ dàng.

Khi đề cập đến việc vận hành cụ thể, nhân viên quản lý của công ty đồ chơi châu Âu nói trên nhấn mạnh, với tư cách là công ty xuyên quốc gia, công ty đã có kế hoạch phát triển trên toàn cầu. Cái gọi là chuyển dịch chuỗi sản xuất trên thực tế là điều chỉnh năng lực sản xuất hiện có, cũng như thực hiện kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất ở bên ngoài Trung Quốc.

Theo Phó Giáo sư Lý Minh Giang thuộc Học viện nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, nhiều doanh nghiệp chỉ dịch chuyển một phần sản xuất đến một quốc gia Đông Nam Á nào đó để ứng phó với thuế quan của cuộc chiến thương mại, còn bộ phận sản xuất phục vụ thị trường Trung Quốc vẫn ở lại nước này.

Ông Vương Đức Hưng cũng rút ra kết luận tương tự. Việc "dịch chuyển" là phân tách phạm vi phục vụ thành hai bộ phận, thị trường Trung Quốc và thị trường ngoài Trung Quốc. Hai thị trường này hạch toán độc lập, không liên quan đến nhau.

Về vấn đề lựa chọn dịch chuyển đến quốc gia hay khu vực nào, cân nhắc của các doanh nghiệp cũng khá giống nhau. Sau khi tính toán các nhân tố như chi phí lao động, môi trường chính trị và văn hóa xã hội…, Việt Nam trở thành địa điểm lựa chọn hàng đầu của nhiều doanh nghiệp. Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm từ 6% đến 7% trong gần 10 năm qua.

Quý II/2020, công ty công nghệ khổng lồ của Mỹ là Apple đã chuyển dây chuyền sản xuất có năng lực sản xuất 3-4 triệu chiếc AirPods (khoảng 30% sản lượng của AirPods) từ Trung Quốc sang Việt Nam. Vào cuối năm 2020, nhiều nhà cung ứng của Apple, bao gồm Foxconn và Pegatron, cũng như nhà sản xuất iPad Compal Electronics đã mở rộng quy mô hoạt động ở Việt Nam.

Ngô Uy, Giám đốc một công ty xuyên quốc gia về Internet chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, tiết lộ rằng năm 2014, khi bắt đầu lên kế hoạch dịch chuyển, công ty đã cân nhắc rất nhiều quốc gia, bao gồm Malaysia và Ấn Độ. Việc chọn được đối tác chiến lược đủ điều kiện rất quan trọng. Ấn Độ có ưu điểm về khối lượng và quy mô thị trường, nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng công cộng không chịu được các biến cố lớn, và dịch bệnh lần này là ví dụ điển hình. 

Trung Quốc+1: Kế hoạch khiến vị thế của "công xưởng thế giới" lung lay ảnh 2Ấn Độ nuôi hy vọng trở thành "công xưởng mới của thế giới." (Nguồn: riskmanagementmonitor.com)

Khó tái cấu trúc nhanh chóng chuỗi cung ứng của ngành chế tạo đã hoàn thiện

Theo nhà nghiên cứu cấp cao của Viện nghiên cứu Đông Á, Đại học quốc gia Singapore Dư Hồng, một "công xưởng thế giới" hoàn thiện cần có công nhân lành nghề đầy đủ, tình hình chính trị ổn định, nguồn cung linh kiện thượng hạ nguồn và cơ sở hạ tầng hoàn thiện, bao gồm việc quản lý hiệu quả cao đối với logistics, cảng khẩu…

Một chuỗi cung ứng của ngành chế tạo hoàn thiện sẽ rất khó tái cấu trúc nhanh chóng, do đó những học giả được phỏng vấn và những người hoạt động trong nghề cho rằng, mặc dù chiến lược "Trung Quốc+1" có tác động nhất định với Trung Quốc, nhưng vẫn chưa đủ để đe dọa địa vị công xưởng thế giới của Trung Quốc.

Ông Vương Đức Hưng cho rằng, chuỗi cung ứng ngành chế tạo là một "hệ sinh thái" hoàn chỉnh, tuy các doanh nghiệp của Trung Quốc có mô hình hoạt động của riêng mình, nhưng giữa họ có sự hợp tác và kết nối thông suốt với nhau, đây là điều mà doanh nghiệp các nước khác rất khó thay thế. Đến nay, chuỗi cung ứng của Trung Quốc vẫn lớn nhất và mạnh nhất.

Theo Phó Giáo sư Lý Minh Giang, ưu thế nổi trội nhất của Trung Quốc là sản xuất tập trung, hơn nữa mô hình sản xuất tập trung này còn có đặc trưng khu vực. Ví dụ điển hình là tại khu vực Chiết Giang, Thượng Hải hoặc Đông Quan, có thể tìm thấy các dịch vụ cần thiết của một ngành trong bán kính hàng chục km, bao gồm thiết kế bao bì sản phẩm, đổi mới, dịch vụ tư vấn…; điều này không dễ thực hiện ở các nước khác.

Trong khi đó nhà nghiên cứu Dư Hồng cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh nghiêm trọng của năm 2020, hoạt động ngoại thương của Trung Quốc vẫn tăng 1,9%. Điều này đã chứng tỏ sức chống chịu của Trung Quốc với vai trò là công xưởng thế giới. Có thể nói rằng, trải qua năm 2020, Trung Quốc đã tăng cường củng cố địa vị chủ đạo của mình trong hệ thống thương mại toàn cầu. 

Tình trạng mất cân đối trong phát triển kinh tế giữa các khu vực của Trung Quốc

Mặc dù có ưu thế bên ngoài vững chắc, nhưng Trung Quốc vẫn chịu "nội thương" do chiến lược "Trung Quốc+1" gây nên, trong đó ảnh hưởng lớn nhất là làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân đối trong phát triển kinh tế giữa các khu vực.

Theo Phó Giáo sư Lý Minh Giang, chiến lược "Trung Quốc +1" thúc đẩy một số ngành chế tạo phân khúc trung bình thấp chuyển ra khỏi Trung Quốc. Điều này khiến sự phát triển kinh tế và công nghệ của một số khu vực phía Tây, đặc biệt là cấp huyện và thành phố bị ảnh hưởng rất lớn. Tình hình kinh tế của một số khu vực phía Tây Trung Quốc vốn tương đối lạc hậu, trước đó còn có một số cơ hội phát triển công nghiệp hóa, nhưng hiện nay những cơ hội này bị chiến lược "Trung Quốc+1" thay thế, nên con đường phát triển của những khu vực này ngày càng thu hẹp.

Khu vực phía Tây của Trung Quốc đã xây dựng nhiều khu công nghiệp, khu phát triển kinh tế, nhưng các nhân tố tích cực có lợi để thu hút đầu tư của những khu vực này rất hạn chế. Cộng thêm sự dịch chuyển của chuỗi sản xuất, điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân đối trong phát triển kinh tế giữa phía Tây với các khu vực khác của Trung Quốc.   

Tuy nhiên, theo quan điểm của nhà nghiên cứu Dư Hồng, chiến lược "Trung Quốc+1" có lẽ sẽ mang lại hiệu ứng tích cực đối với Trung Quốc, đồng thời là chất xúc tác để Trung Quốc chuyển từ mô hình phát triển kinh tế định hướng xuất khẩu sang thúc đẩy nhu cầu trong nước.

Trung Quốc cũng đang thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do để củng cố địa vị trung tâm của mình. Lấy ví dụ, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giúp tích hợp sâu hơn chuỗi cung ứng khu vực với hạt nhân là Trung Quốc. Điều này có lợi để Trung Quốc chuyển lên phân khúc cao của sản xuất công nghiệp như nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết kế…

Xung đột Mỹ-Trung, doanh nghiệp dịch chuyển ra bên ngoài để tồn tại

Các chi phí về lao động, nguyên vật liệu và đất đai tăng lên là yếu tố quan trọng hàng đầu thúc đẩy các doanh nghiệp cân nhắc di dời khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, tình hình đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay cũng khiến cho các công ty đa quốc gia đối diện với nhiều sức ép, những công ty này đang mắc kẹt giữa hai siêu cường và phải nhanh chóng nghĩ cách né tránh rủi ro để tồn tại.

Theo nhà nghiên cứu cao cấp của Viện nghiên cứu Đông Á, Đại học quốc gia Singapore Lâm Đại Vĩ, sức ép mang lại từ cuộc đọ sức Mỹ-Trung không chỉ là thuế quan của cuộc chiến thương mại, mà còn bao gồm các sức ép vô hình khác như sự ràng buộc pháp lý.

Chiến lược "Trung Quốc+1" lần này là sản phẩm của cuộc chiến thương mại dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Chiến lược này được xây dựng dựa trên khái niệm kinh tế Mỹ và Trung Quốc "tách rời", với động cơ hoàn toàn khác với chiến lược "Trung Quốc +1" được Nhật Bản đưa ra do tâm lý chống Nhật Bản ở Trung Quốc

Chuyên gia Lâm Đại Vĩ nhấn mạnh, theo khái niệm "tách rời," xung đột cạnh tranh địa chính trị, công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể lan sang tất các các phương diện, nên các công ty xuyên quốc gia hoạt động ở Trung Quốc phải thận trọng hơn. Những nhà sản xuất linh kiện điện tử nhạy cảm như nhà sản xuất chip của Đài Loan (Trung Quốc) còn cần chú ý nhiều đến xung đột pháp lý.

Nhiều công nghệ cao của Đài Loan có xuất xứ từ Mỹ, khi Mỹ chia sẻ những công nghệ này cho đồng minh đã kèm theo điều kiện ràng buộc, nên đương nhiên các nhà sản xuất liên quan cũng sẽ chịu sự ràng buộc về pháp lý.

Chuyên gia Dư Hồng cho rằng vấn đề địa chính trị cũng là yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp phải cân nhắc hiện nay, đặc biệt là những ngành then chốt như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), ô tô điện… Các nước phương Tây, bao gồm Mỹ cho rằng chuỗi cung ứng không thể phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong chuyến thị sát nhà máy sản xuất ô tô Ford vào tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề cập đến việc không để cho Trung Quốc "giành chiến thắng trong cuộc đua." Phát biểu này cho thấy các nước phương Tây sẽ thúc giục doanh nghiệp giảm mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc.

Nói cách khác, dưới những rủi ro và áp lực do tình hình đối đầu Mỹ-Trung, mặc dù việc thực hiện chiến lược "Trung Quốc +1" không dễ dàng và cũng không hoàn hảo, nhưng không còn lựa chọn nào tốt hơn cho các doanh nghiệp. Trong bối cảnh như vậy, có lẽ cái gọi là "giảm thiểu thiệt hại" cũng chính là quy luật sinh tồn hiện nay mà các công ty xuyên quốc gia cần nắm vững./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục