Trường học hạnh phúc: Nơi tôn trọng sự khác biệt của mỗi học sinh

Trường học hạnh phúc không chỉ mang đến niềm vui cho học sinh mà cho chính mỗi cán bộ, giáo viên nhà trường, từ đó thúc đẩy sự phát triển giáo dục mạnh mẽ hơn.
Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sáng 25/10, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã phối hợp với Quỹ Happy Lof School tổ chức Tọa đàm Trường học Hạnh phúc.

Với sự tham dự của các chuyên gia trong và ngoài nước, tọa đàm hướng đến mục tiêu xây dựng mô hình trường học hạnh phúc, từ đó có thể nhân rộng để trường học hạnh phúc không chỉ là mô hình trường học trong mơ, giúp học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Giáo sư Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho hay trường học hạnh phúc không phải là khái niệm mới mà đã được Giáo sư Hồ Ngọc Đại đề cập đến từ cách đây 45 năm với mô hình Trường Thực nghiệm. Khi đó, nhiều người cho rằng đây chỉ là một điều không tưởng nhưng ngày nay trường học hạnh phúc là khái niệm rất được quan tâm ở Việt Nam và đã được triển khai ở nhiều nơi. Trường học hạnh phúc không chỉ mang đến niềm vui cho học sinh mà cho chính mỗi cán bộ, giáo viên nhà trường, từ đó thúc đẩy sự phát triển giáo dục mạnh mẽ hơn.

[Ngày hội của những em nhỏ "Trường học hạnh phúc"]

Cũng theo ông Vinh, trường học hạnh phúc là nơi sẽ tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân học sinh, là nơi ngập tràn yêu thương, chấp nhận sự đa dạng, tôn trọng tính cá nhân, hòa nhập, nuôi dưỡng sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần, phát huy trí tuệ của mỗi nhà trường, mỗi thầy cô và mỗi em học sinh. Vì vậy, với mỗi trường cũng sẽ có những điểm khác nhau.

Tuy nhiên, vẫn sẽ có những “mẫu số chung.” Theo đó, sự hiểu biết một cách có hệ thống, toàn diện các thành tố tạo ra một trường học hạnh phúc là vấn đề không chỉ các nhà giáo dục, các nhà quản lý, cha mẹ học sinh mà cả cộng đồng quan tâm. Bởi vậy, xây dựng chương trình giáo dục hướng đến trường học hạnh phúc tại Việt Nam một cách khoa học, hiện đại, được chuẩn hóa phù hợp với xu thế các nước trên thế giới là một vấn đề cần được ưu tiên.

Các bên ký kết thỏa thuận hợp tác. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo cho biết từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động xây dựng trường học hạnh phúc. Theo ông Đức, trường học hạnh phúc phải là nhu cầu tự thân của mỗi nhà trường chứ không phải hoạt động mang tính phong trào, nhất thời hay áp tiêu chí thi đua.

Cục trưởng Cục Nhà giáo cũng lưu ý các nhà trường khi triển khai mô hình trường học hạnh phúc cần tránh việc lợi dụng, thương mại hóa.

Các diễn giả cũng trao đổi về nhận tầm quan trọng của các giá trị về hạnh phúc trong cuộc sống của mỗi cá nhân, đặc biệt là sự ảnh hưởng của những rối loạn tâm thần của lứa tuổi trẻ em và vị thành niên đối với cuộc sống sau này. Các diễn giả cũng đưa ra những đề xuất và kế hoạch hành động cụ thể như giáo trình, giáo án và các chương trình huấn luyện dành cho giáo viên; các bộ công cụ dành cho giáo viên khi triển khai trong giảng dạy và ứng dụng các nội dung cho học sinh; danh mục các hoạt động cụ thể dành cho học sinh.

Tại tọa đàm, Quỹ Happy Lof Schools đã ký thỏa thuận hợp tác với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Nhà xuất bản Đại học Oxford bao gồm cung cấp quyền sử dụng và chuyển ngữ, biên soạn bằng tiếng Việt một số nội dung chọn lọc và cung cấp các khóa học và cấp chứng chỉ cho các giáo viên nhằm hướng đến xây dựng các bộ công cụ hoàn chỉnh để trường học hạnh phúc được triển khai đến mọi trường học trên toàn quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục