Truyền thông Hàn Quốc lý giải vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên

Trong khi giới chuyên gia Hàn Quốc cho rằng hai SRBM vừa được phóng có thể là tên lửa KN-23 cải tiến hoặc vũ khí dẫn đường chiến thuật mới, một số hãng truyền thông đưa ra một số nhận định đáng chú ý.
Truyền thông Hàn Quốc lý giải vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên ảnh 1Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong Gun 17 của Triều Tiên ngày 18/11/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên quan đến vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) của Triều Tiên hôm 23/12, một số hãng truyền thông Hàn Quốc như Yonhap, KBS đã đưa ra một số nhận định đáng chú ý.

Báo giới Hàn Quốc tìm cách lý giải mục đích các vụ phóng của Triều Tiên và nêu khả năng các tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn. Cụ thể, vụ phóng mới nhất của Triều Tiên có thể được coi là hành động đáp trả một loạt động thái gần đây của Hàn-Mỹ gồm: Mỹ đẩy mạnh nỗ lực thông qua Tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên (ngày 18/11) và công bố thương vụ vũ khí giữa Triều Tiên với Nga; Mỹ tái điều động máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và máy bay ném bom B-52H tới Hàn Quốc tham gia huấn luyện chung gần đảo Jeju; ba ngày sau khi các chuyên gia Hàn Quốc nhận xét những hình ảnh được Triều Tiên công bố sau vụ thử "vệ tinh trinh sát" hôm 18/12 là rất kém chất lượng.

Hãng Yonhap ngày 24/12 cho rằng Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) lần này không tiết lộ bổ sung các thông số kỹ thuật, ngoại trừ khoảng cách bay của tên lửa. Lý do được đưa ra là các tên lửa dường như không nhắm vào một mục tiêu cụ thể, xuất phát từ khu vực Sunan ở Bình Nhưỡng và rơi xuống vùng biển phía Đông.

[Quân đội Hàn Quốc thông tin thêm về vụ phóng mới của Triều Tiên]

Tuy nhiên, truyền thông Hàn Quốc cũng đặt ra khả năng các tên lửa lần này có thể được phóng bằng công nghệ sử dụng nhiên liệu rắn do nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mới công bố gần đây. Do có nghi ngờ như vậy nên JCS không tiếp tục công bố thêm các thông số kỹ thuật về vụ phóng.

Trong khi đó, giới chuyên gia Hàn Quốc được hãng Yonhap dẫn lời cho rằng hai SRBM được phóng ngày 23/12 có thể là tên lửa KN-23 cải tiến hoặc vũ khí dẫn đường chiến thuật mới.

Nhà nghiên cứu Hong Min của Viện nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc cho rằng có khả năng Triều Tiên thử nghiệm các mẫu tên lửa KN-23 cải tiến. Đồng thời, ông cũng không loại trừ khả năng Triều Tiên thử nghiệm một loại vũ khí dẫn đường chiến thuật mới có khả năng mang đầu đạn hạng nặng.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Ryu Sung-yeop, thuộc Viện Nghiên cứu Quân sự Thế kỷ 21 của Hàn Quốc nhận định rằng đây có thể là loại tên lửa Iskander cải tiến, có khả năng mang đầu đạn nặng nên tầm bắn giảm hoặc cũng có thể là một tên lửa mới của Triều Tiên có tầm bắn từ 250-350km./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục