Truyền thông nhà nước Syria bác tin tổng động viên

Truyền thông nhà nước Syria nêu rõ tuyên bố của hội đồng giáo sĩ là về thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phải tổng động viên.
Ngày 12/3, truyền thông nhà nước Syria bác bỏ các nguồn tin cho rằng quân đội nước này đã phát lệnh tổng động viên trên toàn quốc.

Trong tuyên bố bác bỏ thông tin đang được một số kênh truyền hình Arập đưa ra này, truyền hình quốc gia Syria cũng nhấn mạnh rằng "thực hiện nghĩa vụ quân sự là một trách nhiệm thiêng liêng" và quân đội Syria đang trong trạng thái sẵn sàng cao nhất để bảo vệ an ninh đất nước và người dân khỏi chủ nghĩa khủng bố.

Tin về lệnh tổng động viên lan truyền ở Syria từ cuối tuần trước sau khi một giáo sĩ cấp cao kêu gọi hội đồng giáo sĩ ra tuyên bố về tình trạng báo động chung.

Ngày 10/3, Hội đồng giáo sĩ tối cao của Syria kêu gọi người dân ủng hộ quân đội và thanh niên nhập ngũ để bảo vệ quốc gia.

Truyền thông nhà nước Syria nêu rõ tuyên bố của hội đồng giáo sĩ là về thực hiện nghĩa vụ quân sự thông thường, không phải là tổng động viên.

Tờ al-Watan thân chính phủ ngày 12/3 dẫn các nguồn tin nói rằng, quân đội Syria đang có đủ sức mạnh, trang thiết bị lẫn khả năng để sẵn sàng chiến đấu "nhiều năm" với lực lượng chống đối.

Một động thái như phát động lệnh tổng động viên cần được đích thân Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố mới chính thức có hiệu lực.

Những đồn đại về sự huy động quân lực toàn quốc này diễn ra trong bối cảnh quân đội Syria hiện phải dàn trải lực lượng trên nhiều mặt trận ở các thành phố để đối phó với quân chống đối đang áp dụng chiến thuật tiêu hao sinh lực đối phương.

Vài tháng qua, tại một số nơi, người dân đã tự thành lập ủy ban quân sự địa phương để chống lại các cuộc tấn công của quân chống đối. Hầu hết các ủy ban này ra đời ở những vùng thiểu số, nơi người dân lo ngại mối đe dọa từ các phần tử nổi dậy cực đoan dòng Sunni, đặc biệt với sự nổi lên của nhóm "Mặt trận Nusra" bị cho là có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda và đang có các hoạt động chống đối mạnh mẽ nhằm vào quân đội chính phủ.

Một báo cáo gần đây của Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng cuộc xung đột tại Syria "đang ngày càng trở thành xung đột phe phái" song chính quyền Damascus đã bác bỏ nhận định này.

Trong khi ngọn lửa bạo lực ở Syria vẫn chưa lắng dịu và cuộc khủng hoảng bước sang năm thứ ba, nhiều quốc gia đang tiếp tục thúc đẩy nỗ lực trên phương diện ngoại giao nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị.

Ngày 12/3, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết Pháp, Nga và Mỹ đang cố gắng soạn một danh sách những quan chức Syria mà phe chống đối có thể tiến hành thương lượng.

Thủ lĩnh đối lập Ahmed Moaz al-Khatib từng tuyên bố sẵn sàng đối thoại với những đại diện chế độ mà "không dính líu đến tội ác," trong khi nhóm đối lập Liên minh Dân tộc Syria do ông Khatib đứng đầu bác bỏ bất cứ giải pháp nào có tính đến Tổng thống Assad và các chỉ huy quân đội hàng đầu.

Ngày 12/3, Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga cho biết Mátxcơva đã gửi thêm viện trợ nhân đạo tới Syria với một máy bay chở 11 tấn hàng gồm chăn và lương thực dành cho dân thường ở những nơi bị ảnh hưởng bởi chiến sự. Trong những tháng qua, Nga đã nhiều lần gửi hàng viện trợ nhân đạo tới Syria.

Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Israel Shimon Peres đã kêu gọi lực lượng của Liên đoàn Arập (AL) can thiệp "nhằm chấm dứt cuộc thảm sát ở Syria."

Trong bài phát biểu đầu tiên của người đứng đầu nhà nước Do Thái trước Nghị viện châu Âu gần ba thập kỷ qua, Tổng thống Israel cho rằng để chấm dứt tình trạng bạo lực ở Syria, "Liên hợp quốc nên hỗ trợ AL xây dựng một lực lượng gìn giữ hòa bình Arập."

Theo ông Peres, hành động can thiệp của AL là giải pháp tốt nhất để ngăn vũ khí hóa học của Syria rơi vào tay các phần tử cực đoan.

Tại London, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố Anh có thể sẽ không tuân thủ lệnh cấm trang bị vũ khí sát thương cho lực lượng đối lập ở Syria của Liên minh châu Âu (EU), nếu các nước thành viên EU không đạt được những thỏa thuận mới khi lệnh cấm vận này được gia hạn vào tháng Năm tới đây.

Phát biểu trước Quốc hội Anh, ông Cameron khẳng định chính phủ nước này muốn nới lỏng các điều khoản trong lệnh cấm vận của EU, và nếu các nước thành viên khác vẫn phản đối điều này thì Anh sẵn sàng hành động đơn phương, bằng việc trang bị vũ khí cho phe đối lập ở Syria.

Trong khi đó, các nước thành viên EU khác đều bày tỏ lo ngại trước tình hình ngày càng xấu đi ở Syria và cho rằng trang bị vũ khí cho phe đối lập có thể làm gia tăng bạo lực hoặc số vũ khí này có thể rơi vào tay các nhóm khủng bố và cực đoan./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục